Thời gian này, các cơ quan chức năng lại tiếp tục thu giữ, phát hiện những sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm bị làm giả, thực phẩm bẩn…
Quảng Nam trình Chính phủ đề án phát triển sâm Ngọc Linh
- Cập nhật : 22/08/2015
(Tin kinh te)
Nếu được Chính phủ chấp thuận, đến năm 2030, vùng sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sẽ được phát triển quy mô lên đến 100.000ha với tổng vốn đầu tư vào khoảng 9.500 tỉ đồng.
Ngày 16/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) - cho biết, UBND huyện đã trình đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) lên UBND tỉnh và tỉnh đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh” đến năm 2030.
Theo đó, đề án được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn I từ 2016-2020 sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sâm; khoanh vùng nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; bảo tồn giống và phát triển vùng nguyên liệu sâm; công tác truyền thông về cây sâm.
Giai đoạn II từ 2020-2030, tổ chức di thực phát triển trồng sâm ra 7 xã của huyện với diện tích 30.000ha; Phát triển ngành công nghiệp chế biến sâm; Phát triển du lịch gắn với phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Tổng mức đầu tư của 2 giai đoạn này cần khoảng gần 9.500 tỉ đồng.
Được biết dân số huyện Nam Trà My hiện trên 27.000 người, đa phần là đồng bào các dân tộc Cor, Xê đăng... với tỉ lệ hồ nghèo lên đến trên 60%. Diện tích trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My hiện là 34,5ha ở vài xã của huyện. Đây là cây có giá trị kinh tế cao từ 20-50 triệu đồng/kg (tùy theo độ tuổi của sâm).
Chủ tịch huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu - cho rằng, nếu đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là niềm vui đối với một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Nam. Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, nếu được đầu tư bài bản, sẽ từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Mặc dù đã có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển, nhưng do nhiều điều kiện khách quan, việc gìn giữ cũng như phát triển sâm Ngọc Linh vẫn còn ở quy mô nhỏ, manh mún và mang tính tự phát trong dân cư địa phương.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn nguồn gen, nguồn giống của sâm Ngọc Linh cũng cần được đặt ra. Khi việc phát triển vùng sâm Ngọc Linh được triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học không chỉ cải thiện được kinh tế cho người dân trong huyện, qua đó góp phần đem lại nguồn lợi không nhỏ cho tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung", ông Hồ Quang Bửu cho biết.