Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2015) và 70 năm Ngày truyền thống ngành Quân giới (15/9/1945-15/9/2015), Tổng cục Công nghiệp quốc phòng lựa chọn và bắn trình diễn 10 loại vũ khí mới do ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất.
Tin trong nước đọc nhanh 10-01-2016
- Cập nhật : 10/01/2016
Người Việt hạnh phúc thứ 5 thế giới, theo viện Gallup
Sản xuất nông nghiệp đạt giá trị 375 triệu đồng/ha
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không hiệu quả vì thiếu tiền, ít người
Thiếu kinh phí hoạt động; tổ chức, mô hình hoạt động không đồng nhất các đầu mối là nguyên nhân khiến công tác bảo vệ người tiêu dùng chống lại thực phẩm bẩn, hàng giả hàng nhái thời gian qua không được hiệu quả.
Việc phân trách nhiệm chưa rõ cũng khiến hội bảo vệ người tiêu dùng các địa phương có tiếng nói yếu ớt.
Đây là ý kiến được đại diện nhiều hội bảo vệ người tiêu dùng các địa phương nêu tại Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) giai đoạn 2011-2015 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/1.
Bảo vệ người tiêu dùng, vướng nhiều thứ
Thừa nhận công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, do công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm đến quyền lợi NTD của các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm. Các cơ quan quản lý chưa chủ động giải quyết những bức xúc của NTD mà thường NTD bị thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc. “Trên thực tế còn một số doanh nghiệp còn hành NTD khi họ mua phải hàng bị kém chất lượng”, ông Hải cho biết.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Trần Vinh Nhung cho rằng, công tác bảo vệ quyền lợi NTD yếu kém một phần do đây là nhiệm vụ hết sức phức tạp, rộng lớn có liên quan hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Trong khi nhân lực không có đủ. Sở Công Thương TPHCM mới bố trí được 1 công chức thực hiện công tác này. Ở cấp quận, huyện hầu như chưa bố trí được nhân lực. “Sở kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh hoặc Bộ Công Thương thành lập các trung tâm hòa giải trên cả nước (ban đầu có thể thành lập ở 3 khu vực là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM) theo hướng bố trí một số ít nhân lực cơ bản để thực hiện công việc chính yếu, điều hành hằng ngày, nhân lực còn lại làm cộng tác, kiêm nhiệm”, ông Nhung đề xuất.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Trịnh Anh Tuấn cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi NTD đang bị vướng rất nhiều thứ, từ quy định đến nhân lực và cả kinh phí hoạt động. Như tại Bộ Công Thương, cụ thể Cục Quản lý cạnh tranh, cũng chỉ có hơn 10 cán bộ chuyên trách về công tác này với một nguồn ngân sách khá eo hẹp. Với nguồn nhân lực và kinh phí hiện có, hầu như Cục Quản lý cạnh tranh chỉ có thể thực hiện một số lượng rất hạn chế những hoạt động có tính định hướng cho các địa phương mà chưa có phối hợp nhiều, hỗ trợ hữu hiệu và trực tiếp cho các địa phương.
Thứ trưởng cũng thấy mơ hồ về quyền lợi NTD
Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, việc thiếu kinh phí hoạt động chỉ là một trong những lý do của việc nhiều Hội bảo vệ NTD hoạt động không hiệu quả. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng của người làm công tác bảo vệ quyền lợi NTD. “Các nhà sản xuất của Việt Nam và cộng đồng xã hội, phải vì lợi ích chung toàn cục và lợi ích của NTD cần lên tiếng tố giác, chỉ rõ các điểm làm hàng giả, hàng nhái để lực lượng chức năng có thể vào kiểm tra”, ông Bằng nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay chưa có đầu mối nào đứng ra nhận công tác nâng cao nhận thức của họ về các quyền lợi của mình. Ông Khánh cho rằng, bản thân ông cũng là NTD và là người phụ trách công tác bảo vệ quyền lợi NTD của Bộ Công Thương, nhưng đôi lúc cũng thấy mơ hồ về quyền lợi của mình. “Việc đầu tiên của chúng ta là phải giúp NTD hiểu rõ về quyền lợi của mình”, ông Khánh nói.
Theo đại diện Bộ Công Thương, công tác bảo vệ thực sự không phải của riêng ngành công thương, hội bảo vệ mà là trách nhiệm của các cấp ngành. Cần có sự phối hợp về chức năng thật chặt chẽ, khắc phục biểu hiện là phó mặc tất cả cho hội bảo vệ NTD. “Cần khẳng định rõ công tác bảo vệ NTD không phải là việc riêng của Hội Bảo vệ NTD Việt Nam. Việc phân định trách nhiệm sẽ giúp tránh được 2 thái cực: Những người làm công tác bảo vệ quyền lợi NTD nghĩ là làm được tất cả mọi việc cũng như các cơ quan khác nghĩ đây không phải việc của mình. Sẽ giao Cục Quản lý cạnh tranh xem xét lại các quy định của pháp luật về hoạt động của Hội Bảo vệ NTD Việt Nam”, ông Khánh nói.
Ngoại trừ Hà Nội hằng năm dành khoảng 1 tỷ đồng (ngân sách và xã hội hóa), các địa phương khác hầu như chỉ thực hiện một vài hoạt động với kinh phí từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm, thậm chí nhiều địa phương còn hoàn toàn không có kinh phí để triển khai công tác này. Ngay cả điểm sáng Thủ đô Hà Nội, tính trung bình mỗi năm chi cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chỉ khoảng 1.000 đồng/ người dân.
Hà Nội xây công viên văn hóa, giải trí, thể thao gần 100ha tại Hà Đông
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 48/QĐ-UBND, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu Công viên văn hoá - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, tỷ lệ 1/500 tại phường Hà Cầu và Kiến Hưng.
Theo quyết định, diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khu công viên trên khoảng 96,7ha nhằm đáp ứng yêu cầu về việc tạo lập một không gian sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh vui chơi giải trí của thành phố, có các dịch vụ đa dạng nâng cao điều kiện môi trường sống của nhân dân.
Về chỉ tiêu sử dụng đất, trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch Khu Công viên văn hoá - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông có các khu chức năng sử dụng đất chính như thể dục thể thao, công viên văn hóa, hồ nước, cây xanh và khu chức năng công viên vui chơi giải trí.
Cụ thể, đất khu chức năng thể dục thể thao chiếm khoảng 25% - 30% tổng diện tích đất lập quy hoạch; đất khu chức năng công viên văn hóa, hồ nước, cây xanh chiếm khoảng 45% - 50% tổng diện tích đất lập quy hoạch; đất khu chức năng công viên vui chơi giải trí chiếm khoảng 20% - 30% tổng diện tích đất lập quy hoạch.
Các chức năng sử dụng đất, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 đảm bảo cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị S4, tỷ lệ 1/5000 được duyệt, phù hợp Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và các quy định hiện hành có liên quan.
Trong quyết định này nêu rõ, thời gian hoàn thành đồ án quy hoạch trên không quá 6 tháng kể từ ngày ký quyết định này.
Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị hơn 20ha tại Ninh Hiệp
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh cục bộ khu đất cây xanh thuộc ô quy hoạch 10-2 trong quy hoạch phân khu đô thị GN, tỷ lệ 1/5.000 tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm).
Theo quyết định, tổng điện tích đất nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch trên khoảng 20,37ha; dân số khoảng 392 người. Quy hoạch điều chỉnh nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu đô thị GN đã được UBND thành phố phê duyệt. Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu đất ở giao cho 98 hộ dân nhằm ổn định tình hình chính trị tại địa phương, tránh khiếu nại kéo dài.
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch ô đất được phê duyệt là cơ sở pháp lý để lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất ở cho 98 hộ dân tại xã Ninh Hiệp, làm cơ sở để các cơ quan, chính quyển địa phương quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Khu vực đề xuất điều chỉnh cục bộ thuộc ô quy hoạch gồm các chức năng như: Đất cây xanh vườn ươm, cây xanh phục vụ nghiên cứu khoa học và đất mương thoát nước. Nay điều chỉnh một phần diện tích ô đất (2,67ha) sang chức năng đất nhóm nhà ở làm cơ sơ pháp lý để lập dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất ở cho 98 hộ dân. Phần diện tích còn lại giữ nguyên chức năng là đất cây xanh vườn ươm, cây xanh phục vụ nghiến cứu khoa học và đất mương thoát nước.
Chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho chức năng đất ở thấp tầng xây dựng mới: Mật độ xây dựng chung cho toàn khu vực là 35 - 45%; tầng cao công trình 1 - 3 tầng. Trường hợp sau khi bố trí đủ đất cho 98 hộ dân, vẫn còn quỹ đất dôi dư cần ưu tiên sử dụng cho mục đích phúc lợi công cộng, hạ tầng xã hội, tái định cư phục vụ di dân giải phóng mặt bằng cho các dự án tại khu vực xã Ninh Hiệp.
UBND thành phố giao UBND huyện Gia Lâm chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức công bố công khai điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo quy định; xác định tiêu chí, định mức giao đất, xác định quy mô sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định tại Luật Đất đai và các quy định hiện hành; tổ chức lập quy hoạch tổng mặt bằng khu dự án theo quy trình quy định, phê duyệt theo thẩm quyền và niêm yết công khai tại địa phương.
UBND thành phố chỉ đạo UBND xã Ninh Hiệp giải quyết dứt điểm liên quan đến kiến nghị của 98 hộ dân và các vẩn đề khác liên quan, không để tiếp tục phát sinh tranh chấp khiếu kiện trong quá trình triển khai dự án; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.