Quảng Ngãi hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN), nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Vì thế, khi hội nhập kinh tế quốc tế, các DN trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức...
Đà Nẵng: Tín dụng chảy vào khu vực sản xuất, kinh doanh
- Cập nhật : 29/07/2015
(Tin tuc Viet Nam)
Chiều 28/7/2015, NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.
Thông tin từ Hội nghị cho biết, trong thời gian qua, hoạt động của các TCTD tại Đà Nẵng duy trì được sự ổn định, an toàn và đảm bảo thông suốt trong quá trình thực hiện các chính sách tiền tệ theo chỉ đạo, điều hành NHNN. Các TCTD làm tốt công tác huy động vốn, cung ứng vốn kịp thời cho hoạt động mở rộng đầu tư phát triển kinh tế địa phương…
Theo ông Võ Minh – Giám đốc NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng, các TCTD trên địa bàn tuân thủ nghiêm việc chỉ đạo, điều hành của NHNN, vậy nên mặc dù lãi suất huy động có giảm so với thời gian trước, song công tác huy động vốn trên địa bàn vẫn tăng mạnh so với đầu năm 2015. Lãi suất chủ yếu giảm ở các kỳ hạn trên 6 tháng, song tỷ lệ huy động vốn trung, dài hạn trên tổng nguồn vốn huy động có xu hướng tăng dần, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn.
Cùng với đó, những yếu tố như chỉ số lạm phát ở mức thấp, tỷ giá USD/VNĐ ít biến động, giá vàng ngày càng có xu hướng giảm dần, chỉ số CPI tăng thấp, chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và ngoại tệ còn khá lớn đã tác động tích cực đến xu hướng huy động vốn của các TCTD trong nữa năm 2015.
Về hoạt động cho vay trên địa bàn trong 6 tháng năm 2015 có mức tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay ở các kỳ hạn hầu hết đều tăng so với cùng kỳ và tăng so với cuối năm 2014. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Hiệu quả tăng trưởng tín dụng ngày càng cao với các giải pháp và chương trình hỗ trợ cho vay trên địa bàn.
Cùng với con số đáng mừng về tốc độ tăng trưởng tín dụng, cơ cấu vốn cho vay cũng đã tập trung đáng kể vào các lĩnh vực ưu tiên như cho vay nông nghiệp, nông thôn 3.376 tỷ đồng, chiếm 4,98% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu 1.910 tỷ đồng, chiếm 2,82% tổng dư nợ; cho vay công nghiệp hỗ trợ 1.847 tỷ đồng, chiếm 2,72% tổng dư nợ; DN ứng dụng công nghệ cao 24 tỷ đồng, chiếm 0,04% tổng dư nợ; DNNVV 20.637 tỷ đồng, chiếm 30,44% tổng dư nợ.
Ông Lê Văn Minh – Giám đốc SeABank Đà Nẵng nhận định, mặt bằng lãi suất ổn định và tiếp tục xu hướng giảm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006; lãi suất cho vay bình quân trên địa bàn đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo xu hướng ngày càng giảm dần; tỷ trọng dư nợ có lãi suất dưới 13% chiếm đến 95,65% trên tổng dư nợ, cho thấy có bước chuyển biến tích cực và chiếm tỷ trọng chủ đạo, góp phần tháo gỡ khó khăn, tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo việc triển khai hoạt động ngân hàng trong thời gian đến, ông Võ Duy Khương – Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng khẳng định, sự tăng trưởng khả quan của chỉ số tín dụng cho thấy đây là tín hiệu tốt của tăng trưởng tín dụng trong 3 năm trở lại đây. Tín dụng không chỉ tăng mà còn tăng dần ngay cả trong những tháng đầu năm 2015. “Có thể thấy được các chính sách khơi thông nguồn vốn của kết nối ngân hàng với DN của NHNN đã phát huy tác dụng đã khắc phục được nhược điểm tăng trưởng tín dụng dồn vào những tháng cuối năm như trước đây; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh” – ông Khương nói.
Theo ông Minh, trong thời gian tới, ngành ngân hàng Đà Nẵng cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, chương trình tín dụng nhà ở, kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn để tháo gỡ những vướng mắc nhằm triển khai có hiệu quả để đưa các chính sách tín dụng vào thực tiễn cuộc sống.