Diện tích đất khoảng 8ha sẽ được sử dụng để tăng gấp đôi số chỗ đỗ máy bay, phục vụ việc nâng cấp công suất Tân Sơn Nhất lên 25 triệu khách mỗi năm.
Tin trong nước đọc nhanh 12-08-2015
- Cập nhật : 12/08/2015
Bắt 4 cán bộ 'biến' đất công thành đất đền bù, gây thất thoát hơn 30 tỉ đồng
Sáng 11.8, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 4 cán bộ thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về hành vi cố ý làm trái, gây thất thoát 30 tỉ đồng. Trả lời Thanh Niên Online, đại tá Phạm Văn An, Trưởng phòng PC46, Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, 4 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Lê Hữu Diện, Chủ tịch phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Lê Anh Đức, cán bộ Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư thị xã Kỳ Anh; Nguyễn Huy Tường, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Kỳ Anh, hiện là cán bộ Ban Chuyên trách xử lý các vấn đề tồn đọng tại thị xã Kỳ Anh và Lê Quang Hà, Phó chủ tịch UBND phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh. Theo đại tá An, qua điều tra ban đầu, PC46 Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định trong quá trình lập hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực dự án qua các xã phương Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Liên và Kỳ Phương (cùng thuộc huyện Kỳ Anh cũ, nay là thị xã Kỳ Anh), Nguyễn Huy Tường và Lê Anh Đức đã cấu kết với Lê Hữu Diện và Lê Quang Hà cố ý làm trái các quy định của nhà nước, lập ra nhiều bộ hồ sơ khống cho người dân địa phương đứng tên để biến hơn 80 ha đất công, đất tranh chấp giữa 4 xã nêu trên thành đất đền bù, gây thất thoát hơn 30 tỉ đồng tiền của nhà nước. Đại tá An cho biết PC46 Công an tỉnh Hà Tĩnh đang chờ ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để hoàn tất hồ sơ và sắp tới sẽ tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm một cựu lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh.
Sập mỏ đá đang khai thác, 2 người chết, 2 người bị thương
Đến sáng 11-8, Công an huyện Krông Bông vẫn tiếp tục khám nghiệm hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ sập mỏ đá khiến hai người chết, hai người bị thương vào chiều 10-8.
Hai nạn nhân tử vong tại chỗ là Kpă Hẹ (19 tuổi, huyện Phú Thiện, Gia Lai) và Nguyễn Duy Phú (huyện Hàm Tân, Bình Thuận).
Hai người bị thương là Nguyễn Văn Hà (20 tuổi, huyện Phú Thiện, Gia Lai) và Nguyễn Anh Tuấn (23 tuổi, huyện Hàm Thanh, Bình Thuận) hiện vẫn đang được cấp cứu.
Theo những người lao động tại hiện trường chứng kiến vụ việc, vào thời điểm xảy ra tai nạn tại mỏ đá có khoảng chín công nhân đang khoan, khuân vác đá. Bốn người gặp nạn trên là những người đang khoan một tảng đá lớn dài khoảng 19m, ăn sâu vào lòng đất khoảng 7m.
Khi hai nạn nhân Hẹ và Phú đang đứng trên tảng đá trên để khoan thì bất ngờ đất tại vị trí này (do trời mưa to trước đó) bị lở, tảng đá lớn sụp xuống hõm sâu.
Hai anh Hẹ và Phú té xuống và bị đất đá rơi trúng, đè lên người khiến cả hai tử vong tại chỗ. Hai nạn nhân Hà và Tuấn cũng bị thương nhưng may mắn chạy thoát khỏi vị trí đá rơi.
Cơ quan chức năng tiếp tục khám nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ việc.
TP.HCM bác đề xuất lập 24 trung tâm an toàn thực phẩm
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, việc thành lập 24 trung tâm an toàn thực phẩm (đặt tại 24 quận, huyện) trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, làm tăng thêm biên chế.
Trước đó, lãnh đạo UBND TP.HCM đã giao Sở Nội vụ TP cùng cơ quan chức năng TP tham mưu, trình lãnh đạo UBND TP về đề nghị của Sở Y tế TP xin thành lập 24 trung tâm an toàn thực phẩm thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP, dự kiến một trung tâm nói trên khi được thành lập sẽ có 15 biên chế khung để thực hiện nhiệm vụ được giao. Với đề xuất này sẽ phải bổ sung 360 biên chế cho 24 trung tâm.
Trong văn bản gửi UBND TP, Sở Nội vụ TP đã nêu ra hàng loạt chủ trương, quy định về siết chặt sử dụng biên chế.
Theo đó, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo từ năm nay đến hết năm 2016 không tăng thêm biên chế công chức, viên chức, kể cả thành lập thêm tổ chức mới hoặc giao bổ sung nhiệm vụ mới.
Bộ Chính trị đã có nghị quyết số 39 (tháng 4-2015) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức, trong đó yêu cầu tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay, không thành lập các tổ chức trung gian… Chính phủ cũng ra nghị quyết yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương không tăng thêm biên chế công chức, viên chức năm 2015.
Cảnh giác với chiêu lừa xưng danh tập đoàn “Việt Nam - Cuba”
Mấy tháng nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện nhóm người mạo danh cán bộ nhà nước, tự nhận là người của Tập đoàn Việt Nam - Cuba (VIS) để đi lừa đảo.
Ai cần đầu tư vốn thì lập hồ sơ, tờ trình dự toán gửi cho họ sẽ được xem xét hỗ trợ. Giá mỗi hồ sơ xét duyệt từ 5 - 15 triệu đồng tùy quy mô dự án. Riêng dự án trang trại kiểu như thế này thì phải tốn đến 60 triệu đồng - Ảnh: T.L
Ông Nguyễn Chí Định, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Tiền Giang, cho biết mấy tháng nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện nhóm người mạo danh cán bộ nhà nước, tự nhận là người của Tập đoàn Việt Nam - Cuba (VIS) để đi lừa đảo.
Theo đó, nhóm người này đã tìm đến các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để “dụ dỗ” rằng họ được Chính phủ hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng để thực hiện các dự án xây dựng nông thôn mới hoặc phát triển mô hình trang trại...
Ai cần đầu tư vốn thì lập hồ sơ, tờ trình dự toán gửi cho họ sẽ được xem xét hỗ trợ. Giá mỗi hồ sơ xét duyệt từ 5 - 15 triệu đồng tùy quy mô dự án. Riêng dự án trang trại thì phải tốn đến 60 triệu đồng.
Cũng theo ông Định, đã có một số cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp hồ sơ (kèm tiền). Các cơ quan chức năng thu thập được một số bị hại và mong muốn người dân nên cảnh giác với chiêu trò này.
Liên kết các khu nông nghiệp công nghệ cao
Các khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ liên kết, tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng cho một số loại nông sản ở các địa phương...
Ngày 10-8, Ban quản lý các khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại khu vực phía Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác tạo tiền đề cho đề án “Liên kết các khu NNCNC xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông sản một số loại nông sản chủ lực”.
Theo đó, các khu NNCNC sẽ liên kết và tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng cho một số loại nông sản ở các địa phương, trong đó ưu tiên triển khai cho nhóm sản phẩm rau, hoa, trái cây, nấm và nhóm sản phẩm thủy sản.
Ông Đinh Minh Hiệp, trưởng ban quản lý Khu NNCNC TP.HCM, cho biết việc liên kết giữa các khu NNCNC ở các địa phương với nhau sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản nói chung, đặc biệt là nông sản được sản xuất theo công nghệ cao ở các địa phương, đồng thời tạo niềm tin với người tiêu dùng vào thương hiệu nông sản VN.
TP.HCM: nợ xấu còn 5,49%
Đến cuối tháng 7, nợ xấu của các NH trên địa bàn ở mức 62.200 tỉ đồng, chiếm 5,49% tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 5,6% cuối tháng 6.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước TP.HCM, cho biết đến cuối tháng 7, nợ xấu của các NH trên địa bàn ở mức 62.200 tỉ đồng, chiếm 5,49% tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 5,6% cuối tháng 6.
Nếu trừ nợ xấu của ba NH bị mua lại với giá 0 đồng (VNBC, OceanBank và GP Bank), nợ xấu trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 41.700 tỉ đồng, chiếm 3,7% tổng dư nợ.
Theo ông Minh, chỉ tiêu xử lý nợ xấu mà NH Nhà nước giao cho các NH trên địa bàn TP.HCM là 25.300 tỉ đồng, gồm 3.100 tỉ đồng là các NH tự xử lý và 22.200 tỉ đồng phải bán nợ cho VAMC thì đến cuối tháng 7 các NH đã bán cho VAMC 13.900 tỉ đồng, phần tự xử lý các NH cũng đã xử lý xong. Theo đà này, đến cuối tháng 9 nợ xấu sẽ về dưới mức 3%.
Gần đây thị trường bất động sản có ấm lên nhưng theo ông Minh, việc xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản gặp rất nhiều khó khăn vì phải qua nhiều cơ quan, tòa án, thời gian xử lý rất lâu, nhanh nhất là 2 - 3 năm, chậm có khi đến 5 - 7 năm.