Kiểm tra hàng loạt sản phẩm của Tập đoàn Kangaroo
TPHCM sẽ thu hồi trên 3.000ha đất làm dự án
Phát hiện chất kích dục trong thực phẩm chức năng
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự tỉnh Thanh Hóa
Hàng trăm tấn chuối ở Vĩnh Phúc bị thương lái 'chạy làng'
Làm sao cho đô thị ‘dễ thở’?
- Cập nhật : 18/11/2015
(Thoi su )
Cần nhanh chóng di dời các điểm nóng gây nghẽn ở khu vực nội đô và quy hoạch các đô thị vệ tinh tốt hơn.
LTS: Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông ở các khu vực cửa ngõ vào trung tâm TP.HCM tái diễn. Bài toán kéo giảm ùn tắc giao thông (nằm trong sáu chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội IX và bảy chương trình đột phá mà dự thảo văn kiện chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đưa ra) tiếp tục đặt ra những đòi hỏi mới.
Báo Pháp Luật TP.HCM xin chuyển tải những ý kiến, mong muốn của người dân và góp ý của các chuyên gia để cùng TP tìm hướng ra bền vững hơn cho vấn đề này.
Chiều tối 23-9, hàng ngàn xe cộ nhích từng chút một trên xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Rạch Chiếc về ngã tư Bình Thái. Có thời điểm đoàn xe chôn chân tại chỗ do lượng xe cộ đổ về ngày càng đông vào giờ tan tầm.
Nhiều xe buýt chậm giờ về bến phải rẽ vào đường nhỏ để đi vòng. Nhiều người dân tham gia lưu thông tỏ ra hết sức mệt mỏi, lo âu giữa dòng xe kẹt cứng.
Hơn 19 giờ, các phương tiện giao thông bắt đầu di chuyển được nhanh hơn, tuy nhiên vẫn hết sức khó khăn.
Nhanh đưa bến xe khỏi nội đô
Anh Nguyễn Hoàng Anh (27 tuổi, quận Thủ Đức) nói: “Gần đây tình trạng ùn tắc ở khu vực cửa ngõ cầu Bình Triệu - Bến xe Miền Đông trở lại rất dữ. Ở đây, một lượng lớn các loại xe khách, xe buýt, xe máy và cả taxi ra vào bến xe liên tục; rồi chạy lấn tuyến, không đúng làn đường, làm giao thông lộn xộn quá”. Theo anh Anh, xu hướng mỗi buổi sáng người dân từ khu vực ngoài dồn vào khu trung tâm làm việc vẫn sẽ còn tiếp tục gia tăng. Do vậy TP cần tính toán để giải phóng điểm nghẽn ở khu vực cửa ngõ cầu Bình Triệu, cụ thể là phải di dời Bến xe Miền Đông ra khỏi khu vực này. “Tôi nghe nói TP đã có kế hoạch di dời Bến xe Miền Đông ra khỏi khu vực nội thành từ lâu nhưng sao mãi chưa thấy thực hiện. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của TP nhưng về lâu dài cần phải sớm di dời để người dân đỡ cực” - anh Hoàng Anh gửi gắm.
Cùng nỗi niềm, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (22 tuổi, quận Thủ Đức) cũng cho biết: “Xe cộ kẹt cứng như vậy, tôi có chen lấn cũng không nổi nên đứng tạm ở đây nghỉ mệt chờ ngớt xe. Tôi quá ngao ngán với cảnh tượng cứ mỗi sáng lại lao mình vào dòng xe cộ ngợp trời này rồi. Tôi mong TP sớm thực hiện mở rộng và chỉnh trang quốc lộ 13 chứ với áp lực xe cộ thế này thì sao đáp ứng nổi. Đặc biệt là di dời nhanh chóng Bến xe Miền Đông ra ngoại thành thì mới hy vọng giải quyết được tình trạng này”.
Xe cộ ùn ứ hàng dài trên đường Hoàng Minh Giám từ khu vực vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm đến nút thắt cổ chai giao với đường Hồng Hà. (Ảnh chụp sáng 22-9) Ảnh: LÊ THOA
Phải kéo giãn đô thị
Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn đoạn qua Công viên Gia Định (quận Gò Vấp nối với quận Phú Nhuận) gần như diễn ra hằng ngày. Xe ùn ứ từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đến gần ngã ba Hoàng Minh Giám - Hồng Hà thì dường như đứng hẳn vì gặp nút thắt cổ chai ở khu vực này.
Anh Lê Hùng Cường (39 tuổi, quận Gò Vấp) ý kiến: “Áp lực giao thông dồn về đường Hoàng Minh Giám trước mặt Công viên Gia Định là rất lớn do xe cộ từ các quận Thủ Đức, 9, Gò Vấp, 12 dồn về để đi vào trung tâm TP. Tình hình sẽ khó hơn nếu các dự án cao ốc nhà ở hay văn phòng ở trục đường này hoàn thành và đi vào khai thác. Chắc chắn áp lực giao thông khi đó sẽ tăng hơn nữa, trong khi việc mở rộng trục đường này là không dễ”.
Ông Phạm Hiếu (50 tuổi, quận Gò Vấp) cho rằng: “Sở dĩ tình trạng kẹt xe gia tăng là do dân số TP.HCM ngày càng đông. Người dân các tỉnh lân cận kéo lên TP, sinh viên ra trường ở lại kiếm việc làm. Xu hướng chung người dân từ các quận, huyện ngoại thành đều dồn về trung tâm TP để làm việc. Vì vậy, muốn giải quyết tình trạng kẹt xe chung trên toàn địa bàn TP, về lâu dài phải phát triển các đô thị vệ tinh. Ở các đô thị đó cùng với việc di dời các cơ sở giáo dục đào tạo, phải quy hoạch các ngành nghề tương ứng, nhất là thương mại - dịch vụ, thu hút lao động ra ngoài đó làm ăn, sinh sống. Chứ như hiện nay các khu vực ngoại thành vẫn chú trọng xây các khu chung cư giải quyết chỗ ở. Như thế người dân cũng phải kéo vào nội thành để làm việc. Tình hình này rất khó giảm bớt tình trạng ùn tắc”.
Một số điểm nghẽn giao thông
Theo ghi nhận của chúng tôi, 7 giờ sáng 21-9, tình trạng kẹt xe kéo dài đến 700-800 m diễn ra trên đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn trước cổng Bến xe Miền Đông, khiến người lớn trễ giờ làm, trẻ em trễ giờ học. Tại đây, xe cộ nhích từng chút một. Trước cổng số 1 và cổng số 2 thuộc Bến xe Miền Đông, xe khách, xe buýt, taxi và nhiều xe máy ra vào bến xe làm giao thông xáo trộn, người dân càng khó lưu thông. Tình trạng ùn tắc giao thông ở đây thường diễn ra 7-8 giờ mỗi sáng. Chú Nguyễn Văn Hùng (72 tuổi, quận Bình Thạnh), chạy xe ôm trước Bến xe Miền Đông, cho biết: “Ở đây, thứ Hai và sau các kỳ nghỉ lễ là thời điểm kẹt xe khủng khiếp nhất, ở đây không chỉ có Bến xe Miền Đông mà còn có các dịch vụ gửi xe khách 24/24 giờ phía đối diện nên xe vào, xe ra, xe quẹo trái, xe quẹo phải, thêm lượng xe chạy từ cầu Bình Triệu lên làm tình trạng ùn ứ cứ diễn ra hằng ngày, đến mức có khách tôi cũng không dám chạy nữa”.
Ở chiều ngược lại từ nút Hàng Xanh đổ về Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bến xe Miền Đông, tình trạng ùn ứ thường bắt đầu khoảng 16 giờ và kéo dài khoảng một, hai giờ mới kết thúc. Bác Nguyễn Văn Lưu (phường 25, quận Bình Thạnh) cho hay kẹt xe nghiêm trọng thường diễn ra ở Hàng Xanh vào những ngày mưa. Một khi đã lọt vào tuyến này là coi như mất cả giờ mới có thể thoát khỏi.
Cùng ngày, ghi nhận tại đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM), tình trạng kẹt xe diễn ra từ hơn 17 giờ đến 18 giờ. Có đến ba điểm kẹt chính trên đoạn đường này gồm: Cộng Hòa - Út Tịch, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa - Trường Chinh - Mũi Tàu. Mỗi ngày, từ 7 giờ và từ 19 giờ, lượng xe đi từ các huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12... đổ về đường Cộng Hòa và buổi chiều tối ở chiều ngược lại gây nên tình trạng ùn ứ. Tại cầu vượt Hoàng Hoa Thám, xe di chuyển lên cầu vượt rất đông nhưng vẫn không giảm bớt tình trạng kẹt xe dưới chân cầu.
Sáng 22-9, chúng tôi tiếp tục ghi nhận tình trạng kẹt xe ở đường Hoàng Minh Giám, đoạn đi qua Công viên Gia Định đến Phổ Quang, xe cộ đông nghịt, ùn ứ kéo dài. Ngay từ sáng sớm, CSGT đã điều tiết giao thông tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, ngã ba Hoàng Minh Giám - Hồng Hà, Hoàng Minh Giám - Đào Duy Anh để hạn chế xe cộ lưu thông trên đường Hoàng Minh Giám. Tuy vậy, do lượng xe quá đông, nhiều người liều mạng chạy lấn qua chiều ngược lại.