tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Việt Nam định hướng chủ động tham gia xây dựng luật chơi quốc tế

  • Cập nhật : 25/08/2015

(Viet Nam)

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết định hướng của ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới là chủ động, tích cực tham gia xây dựng "luật chơi" trên trường quốc tế, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia.

pho thu tuong, bo truong ngoai giao pham binh minh trong cuoc tra loi phong van hom qua tai ha noi. anh: trong giap

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm qua tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Giáp

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh hôm qua trao đổi về nhiều khía cạnh trong lĩnh vực ngoại giao với báo giới.

- Sau 70 năm thành lập ngành ngoại giao, vị thế của Việt Nam đứng ở đâu trên trường quốc tế? 

- Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong khu vực, chưa bao giờ cao đến thế, được các nước trên thế giới và khu vực đánh giá cao. Điều đó có được nhờ thành tựu trong việc phát triển xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, đồng thời cũng là những thành tựu với những cam kết quốc tế. Ví dụ, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, mặc dù với trình độ phát triển không cao, chúng ta đã đạt được.

Thành tựu nữa của Việt Nam là đóng góp vào công việc chung của thế giới. Chúng ta đi từ từng bước hội nhập quốc tế, từ lúc ban đầu tham gia đến lúc chủ động hội nhập, có những đóng góp cụ thể. Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đưa ra những sáng kiến cụ thể. Việt Nam cũng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, của Uỷ ban Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc, trong khu vực, chúng ta là thành viên tích cực của ASEAN.

Thêm vào đó, Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước, trong đó có khuôn khổ quan hệ với các nước quan trọng.

- Đâu là thách thức của ngoại giao Việt Nam trong việc xử lý quan hệ với các nước lớn?

- Hiếm có một nước trên thế giới xây dựng được mối quan hệ chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, những nước có vai trò quan trọng nhất trên thế giới.

Thách thức hiện nay là tình hình thế giới biến động phức tạp, trong đó sự cạnh tranh chiến lược của các nước rất gay gắt. Trong đó, khu vực Đông Nam Á hay khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh của các nước. Bối cảnh đó đòi hỏi các nước phải có chính sách đối ngoại phù hợp, đảm bảo được không bị lôi kéo vào bất cứ cuộc xung đột nào. Đây là chính sách ngoại giao của chúng ta, đảm bảo phát triển quan hệ với tất cả các nước, trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối đa của dân tộc, đồng thời giữ được quan hệ với tất cả các nước. Đó là thách thức.

- Định hướng ngoại giao của Việt Nam là gì?

- Chúng ta tiếp tục chủ trương hiện nay, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu và hiệu quả, ổn định và bền vững.

Ngoại giao phải đi đầu trong việc chủ động tích cực hội nhập quốc tế, với nội hàm là không chỉ tham gia, mà còn định hướng, xây dựng những luật, gọi nôm na là "luật chơi". Bởi chỉ có chủ động tham gia xây dựng "luật chơi", xây dựng các cơ chế khu vực, chúng ta mới vừa đảm bảo lợi ích quốc gia vừa góp phần đảm bảo ổn định khu vực.

- Tại Campuchia, đảng đối lập đang lợi dụng vấn đề biên giới với Việt Nam để đạt mục đích chính trị. Ông nhận định thế nào về nguy cơ xung đột ở biên giới, như từng diễn ra giữa Campuchia và Thái Lan xoay quanh ngôi đền Preah Vihear?

- Một vấn đề hết sức quan trọng chúng ta đặt ra là phải xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định với các nước láng giềng.

Chúng ta đã hoàn thành phân giới cắm mốc và xây dựng được đường biên giới với Trung Quốc. Với Lào, chúng ta cũng đã xây dựng, cắm mốc trên toàn bộ đường biên giới và tôn dày các cột mốc với Lào. Với hai láng giềng này, chúng ta đã xây dựng được các đường biên giới hoà bình ổn định.

Chúng ta cũng đang trong quá trình phân giới, cắm mốc với Campuchia, đạt trên 80%. Hai bên đang tiếp tục tiến trình này.

Việc phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia hoàn toàn theo đúng luật pháp quốc tế, theo đúng những văn bản hai bên đã ký kết và đúng trên những bản đồ hai bên đều công nhận. Cho đến nay, thoả thuận hai nước cũng hoàn toàn trên cơ sở luật pháp quốc tế và hoàn toàn chính xác.

Sự phân chia công bằng, hợp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia hiện nay sẽ đảm bảo được phân giới cắm mốc và dù bất cứ lực lượng nào có muốn chống đối cũng không thể chống đối được luật pháp quốc tế, cơ sở mà bản đồ đã được hai bên chấp nhận.

Chính phủ Campuchia đã tuyên bố bản đồ Campuchia lấy được từ Liên Hợp Quốc cũng như Pháp cung cấp là hoàn toàn là bản đồ đã cùng Việt Nam phân giới cắm mốc. Đó là cơ sở hết sức quan trọng.

Sẽ không thể có xung đột trên biên giới, bởi quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia tốt đẹp.

- ASEAN mong muốn thúc đẩy quá trình sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC), nhưng đến nay chưa có thời hạn cụ thể. Việt Nam sẽ làm gì để thúc đẩy quá trình đàm phán này? 

- Việt Nam và các nước ASEAN mong muốn sớm có được Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông, chính vì vậy trong tất cả các văn kiện của ASEAN đều nêu câu "sớm". Vấn đề khó là các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc, phải cùng có mong muốn và hành động để đạt được điều đó.

Trong năm nay, có một điểm mới là đang từ tham vấn, tức chỉ trao đổi sang thương lượng, tức là bắt đầu có văn bản. Để ra được văn bản thương lượng, cần cả quá trình mới đi đến thống nhất.

Quan điểm của chúng ta là sớm nhất có thể được và đây cũng là cố gắng chung của các nước ASEAN. Cụ thể, chúng ta yêu cầu trong năm nay đạt được thống nhất về nội hàm bộ quy tắc ứng xử. Sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn ký kết. 

- Những bài học kinh nghiệm nào từ bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tác động đến sự nghiệp của Bộ trưởng?

- Đối với nền ngoại giao Việt Nam, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn xuyên suốt và tiếp tục phát triển. Đó là ngoại giao công tâm, vấn đề linh hoạt, dĩ bất biến, ứng vạn biến. Hồ Chí Minh có câu nói mà giới ngoại giao rất tâm đắc, đó là "ngũ tri": biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến. Đánh giá đúng tình hình, biết sức mạnh của ta, điểm còn hạn chế của ta, biết được đối tác và đặc biệt là biết vận dụng thời cơ, biết khi nào dừng lại và biết khi nào tiến lên. Đó là tư tưởng rất lớn. 

Bài học mà tôi có thể học được từ cố bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là sự kiên định, trên cơ sở đường lối chủ trương vận dụng linh hoạt, tạo ra được nhiều bạn bè nhất để thực hiện đường lối đối ngoại. 

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục