Dự án cấp điện cho Sơn La chỉ đạt 75% chỉ tiêu do biến động tỷ giá
TP.HCM tiết kiệm hơn 300 triệu kWh trong 8 tháng
Từ 1/10, Vingroup cung cấp rau sạch ra thị trường
Miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký xe máy điện đến giữa năm 2016
Hơn 2.400 đảng viên ở TP HCM bị kỷ luật trong một nhiệm kỳ
Bộ Công Thương lên tiếng về dự thảo “giấy phép con”
- Cập nhật : 06/10/2015
(Bo nganh)
Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 01/7/2015, do đó Bộ Công Thương sẽ phải gửi lấy ý kiến của Bộ Y tế (cơ quan đầu mối về an toàn thực phẩm), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đặc biệt là ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng dự thảo thông tư điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ của Bộ này vi phạm Luật Đầu tư (từ 1/7/2015, các bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh).
Đại diện Bộ Công Thương cho biết ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp là “hết sức quan trọng” để cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa trước khi ban hành.
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Như Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia đã phản ánh, một số ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp nói rằng dự thảo thông tư này vi phạm quy định của Luật Đầu tư (từ 1/7/2015, các bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh).
Trả lời phỏng vấn Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, cho biết:
“Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm ban hành quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Theo nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các quy định về vấn đề này. Hiện nay Bộ Công Thương cũng đang trong quá trình xây dựng văn bản theo kế hoạch từ đầu năm và dự kiến ban hành cuối năm 2015.
Tuy nhiên theo quy định mới tại Luật Đầu tư, các bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh. Vì vậy, ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp là hết sức quan trọng để cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa cũng như trong báo cáo gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp thẩm định trước khi ban hành”.
Luật An toàn thực phẩm quy định như ông nói, tuy nhiên, Luật Đầu tư cũng chỉ rõ, trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Xin cho biết quan điểm về việc áp dụng quy định này?
Ông Nguyễn Phú Cường: Vấn đề an toàn thực phẩm hiện đang được toàn xã hội hết sức quan tâm. Tình trạng thực phẩm được sản xuất, kinh doanh ở những cơ sở không đảm bảo an toàn, người tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm không có kiến thức về an toàn thực phẩm, tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường đang là nỗi lo của các cơ quan quản lý cũng như của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Vì vậy, dù Luật an toàn thực phẩm hay Luật Đầu tư thì cũng là văn bản quản lý nhà nước với mục đích cao nhất là phục vụ người dân Việt Nam trong đó có nhu cầu tối thiểu là được sử dụng thực phẩm an toàn. Theo Luật Đầu tư, các bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh và trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Theo tôi về vấn đề này cần có sự trao đổi, thống nhất giữa các Bộ ngành được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện để có những giải pháp phù hợp, nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của một số ngành lĩnh vực mà trong trường hợp này là vấn đề an toàn thực phẩm.
Về mặt tư duy quản lý, tại Nghị quyết 19, Chính phủ đã yêu cầu cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Có ý kiến cho rằng thay vì yêu cầu người sản xuất, kinh doanh phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, thì cơ quan quản lý cần chuyển sang hậu kiểm và quản lý rủi ro, lĩnh vực nào hay doanh nghiệp nào có nguy cơ cao thì kiểm tra nhiều hơn?
Ông Nguyễn Phú Cường: Nghị quyết 19 của Chính phủ đã chỉ rõ nhiệm vụ cho các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ các thủ tục hành chính, các quy định không còn phù hợp với thực tế để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Bộ Công Thương hiện cũng đã triển khai một loạt các nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Ý kiến gợi ý về việc thực hiện hậu kiểm, quản lý rủi ro theo nguy cơ, xây dựng các chuẩn mực,... chúng tôi sẽ tiếp thu để hoàn thiện các văn bản trong phạm vi quản lý được phân công.
Bộ KHĐT đã báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 về tình trạng các Bộ vẫn tiếp tục ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Xin cho biết quan điểm của Bộ Công Thương?
Ông Nguyễn Phú Cường: Như tôi trình bày ở trên, việc dự thảo thông tư theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm và được thực hiện theo kế hoạch từ đầu năm, hiện giờ cũng đang trong giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện ban hành theo quy trình.
Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 01/7/2015, do đó Bộ Công Thương sẽ phải gửi lấy ý kiến của Bộ Y tế (cơ quan đầu mối về an toàn thực phẩm), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đặc biệt là ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Trường hợp Chính phủ cho ý kiến thì Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Xin trân trọng cám ơn ông!
(Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ)