tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thực phẩm bẩn: địa phương không thể ngoài cuộc

  • Cập nhật : 27/04/2016

(Tieu dung)

Chính phủ cùng các bộ ngành cũng như các địa phương cần có giải pháp quyết liệt để xử lý căn cơ, tận gốc chứ không thể để tình trạng mất ATVSTP ngày càng trầm trọng...

ga vit khong ro nguon goc xuat xu (khong co dong dau cua chi cuc thu y) duoc bay ban tai mot cho tu phat o tp.hcm - anh: huu khoa

Gà vịt không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có đóng dấu của chi cục thú y) được bày bán tại một chợ tự phát ở TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là vấn đề bức xúc trong dư luận, Chính phủ cùng các bộ ngành cũng như các địa phương cần có giải pháp quyết liệt để xử lý căn cơ, tận gốc chứ không thể để tình trạng mất ATVSTP ngày càng trầm trọng.

Bà Lê Thị Nga - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp căn cơ để hạn chế và tiến tới chấm dứt nguy cơ “con đường từ dạ dày ra nghĩa địa chưa bao giờ ngắn như thế”, “người VN đầu độc người VN”...

“Lẽ nào những cơ sở chăn nuôi dùng chất cấm nằm ngay cạnh trụ sở chính quyền, những cơ sở chế biến thực phẩm bẩn hoạt động công khai, người dân và báo chí đều biết tường tận nhưng chính quyền địa phương sở tại lại không biết

Chủ nhiệm Ủy ban 
Tư pháp Lê Thị Nga
ba le thi nga - anh: h.l.

Bà Lê Thị Nga - Ảnh: H.L.

* Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng mất ATVSTP ngày càng báo động do hệ thống pháp luật hiện hành về lĩnh vực này vừa thừa lại vừa thiếu, còn chồng chéo và không khả thi...?

- Chúng ta có một thói quen là mỗi khi có vấn đề gì ở lĩnh vực nào, lỗi đầu tiên thường quy cho thể chế pháp luật thiếu, chồng chéo.

Tuy nhiên, với lĩnh vực đảm bảo ATVSTP, có thể nói hệ thống pháp luật điều chỉnh đã rất đầy đủ, từ luật điều chỉnh trực tiếp là Luật an toàn thực phẩm 2010 cho đến các luật chuyên ngành liên quan như Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật thú y, Luật hóa chất, Luật thủy sản, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Việc phân định trách nhiệm của các bộ ngành, chính quyền địa phương, người sản xuất hay kinh doanh... cũng đều rất rõ ràng.

* Nhưng vì sao “căn bệnh” mất ATVSTP không những không giảm mà ngày càng trầm trọng hơn, thưa bà?

- Theo tôi, nguyên nhân bao trùm nhất là vẫn còn rất nhiều yếu kém trong tổ chức thực hiện, thẩm quyền chưa đi đôi với trách nhiệm khi có vi phạm. Theo quy định, trách nhiệm quản lý nhà nước ở trung ương thuộc Chính phủ và các bộ trưởng theo từng lĩnh vực phụ trách, tại địa phương là UBND các cấp.

Việc người dân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn là rất đáng lên án, nhưng người đứng đầu chính quyền địa phương không thể không chịu trách nhiệm. Câu hỏi đặt ra là chính quyền cơ sở có biết tình trạng này tại địa bàn mình phụ trách không?

Lẽ nào những cơ sở chăn nuôi dùng chất cấm nằm ngay cạnh trụ sở chính quyền, những cơ sở chế biến thực phẩm bẩn hoạt động công khai, người dân và báo chí đều biết tường tận nhưng chính quyền địa phương sở tại lại không biết.

nhan vien ban quan ly cho thai binh, p.pham ngu lao, q.1, tp.hcm kiem tra nguon goc rau qua bay ban cua tieu thuong - anh: huu khoa

Nhân viên ban quản lý chợ Thái Bình, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM kiểm tra nguồn gốc rau quả bày bán của tiểu thương - Ảnh: Hữu Khoa

* Có một thực tế là nếu hàng làm ra để xuất khẩu, doanh nghiệp không dám sử dụng chất cấm nhưng vẫn vô tư sử dụng chất cấm trong sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa. Doanh nghiệp nước ngoài cũng rất nghiêm túc chấp hành pháp luật khi ở nước họ, nhưng sang đầu tư kinh doanh chăn nuôi tại VN cũng sử dụng kháng sinh, chất cấm?

- Đây chính là hệ quả tất yếu của việc chúng ta đã buông lỏng quản lý. Việc quy trách nhiệm cho mỗi chủ thể phải tương ứng với thẩm quyền họ được giao.

Quốc hội có thể chất vấn ông bộ trưởng về trách nhiệm trong quản lý việc nhập, sử dụng chất cấm dùng trong chăn nuôi, lạm dụng chất dùng sản xuất thuốc chữa bệnh cho người để dùng trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, liệu có nên quy hoàn toàn trách nhiệm cho bộ trưởng về một số trường hợp vi phạm cụ thể tại địa phương trong khi chưa xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương sở tại.

Chẳng hạn, với các cơ sở sản xuất bún, bánh phở chứa hóa chất độc hại, dùng chất vàng ô để nhuộm măng tươi..., chính quyền cơ sở không thể không chịu trách nhiệm.

* Ông Trần Ngọc Vinh (phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng):

Thực phẩm bẩn diễn ra trước mắt phường xã

Nếu cứ để tình trạng mất ATVSTP như hiện nay chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt trong tương lai, xã hội phải bỏ ra chi phí kinh khủng để điều trị bệnh tật, chưa kể những hậu quả không thể lường trước được.

Tuy nhiên, nếu chỉ các bộ ngành trung ương tích cực tham gia, chúng ta mới chỉ giải quyết phần ngọn. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề ATVSTP, chính quyền địa phương ở các cấp phải vào cuộc quyết liệt, liên tục chứ không làm theo kiểu phong trào, “đánh trống bỏ dùi”.

Trong thực tế, nhiều nông dân vẫn trồng riêng một luống rau để ăn bên cạnh nhiều luống rau để bán. Với luống rau để ăn, họ không phun thuốc kích thích, thuốc trừ sâu bởi nhận thức rõ rằng tồn dư các loại thuốc này là không an toàn cho sức khỏe.

Còn tại các lò mổ, với những sản phẩm để bán, người ta ngang nhiên bơm nước vào trâu, bò, heo. Những việc như vậy xảy ra trước mắt những người hàng xóm, trước mắt ông trưởng thôn, ông chủ tịch xã, phường nên không thể nói là chính quyền không biết.

Do đó, theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, tạo nên một phong trào xã hội trong việc phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm. Đặc biệt, nơi nào để xảy ra vi phạm mà không bị phát hiện, chính quyền địa phương đó phải bị xử lý trách nhiệm, bên cạnh việc xử lý nghiêm người vi phạm.

Cũng cần nghiên cứu cơ chế thưởng với chính quyền cơ sở tích cực vào cuộc, ví dụ để lại cho họ phần tiền phạt thu được.
* PGS.TS Vũ Trọng Khải (chuyên gia nông nghiệp):

Sản xuất nhỏ lẻ sao kiểm tra xuể

Tình trạng mất ATVSTP diễn ra phổ biến thời gian qua một phần do các chính sách và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT còn thiếu, chưa rõ ràng, chưa kịp thời hoặc chưa được áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền các địa phương là không giám sát được hoạt động của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn phụ trách. Do đó, theo tôi, cần phải rà soát lại các quy định về ATVSTP, đồng thời phải gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc gắn trách nhiệm cho chính quyền địa phương cũng chỉ là giải pháp giải quyết phần ngọn. Gốc rễ vấn đề mất ATVSTP của VN hiện nay chính là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tiểu nông, manh mún. Với một nền sản xuất như thế, dù có tổ chức hàng trăm đoàn đi kiểm tra cũng không giải quyết được vấn đề. Do đó, theo tôi, nền nông nghiệp VN phải được xây dựng lại theo hướng tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn, công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế và phải do các doanh nghiệp nông nghiệp dẫn dắt.

* TS Võ Mai (phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn VN):

Xảy ra ở đâu quy trách nhiệm nơi đó

Có một thực tế là khi “nổ” ra một vụ việc mất ATVSTP quy mô lớn, các cơ quan quản lý thường tìm cách đổ lỗi cho nhau. Chẳng hạn như chất tạo nạc cấm vừa qua, Bộ NN&PTNT cho rằng việc cấp phép mà không quản lý nhập khẩu salbutamol là của Bộ Y tế. Trong khi đó, dư luận lại khẳng định lỗi của Bộ NN&PTNT, bởi đây là cơ quan có trách nhiệm đảm bảo ATVSTP cho người dân.

Trong khi đó, chính quyền các địa phương gần như “vô can” trong các vụ bê bối thực phẩm mất an toàn. Mỗi khi thanh tra, kiểm tra phát hiện vụ việc người dân hay doanh nghiệp vi phạm và xử phạt, các địa phương thường báo cáo như là thành tích của họ. Nếu tình hình quá nghiêm trọng, Bộ NN&PTNT sẽ phải hứng chịu dư luận xã hội trong khi việc vi phạm xảy ra nhiều lần và nhiều năm trên địa bàn, địa phương lại không hay biết hoặc giải quyết không dứt điểm.

Theo tôi, với trách nhiệm của cơ quan quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm. Việc đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu ATVSTP cho người tiêu dùng địa phương là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do đó, nếu trên địa bàn xảy ra hiện tượng thực phẩm mất an toàn vệ sinh, chính quyền địa phương cũng phải chịu một phần trách nhiệm, cần được xử lý.

TRẦN MẠNH ghi

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục