Phải phá vỡ tính cục bộ địa phương mới tạo ra động cơ liên kết vùng thực sự, thay vì các kết nối về giao thông hay mối quan hệ láng giềng hiện có giữa các địa phương.
Sớm xóa chức năng chủ quản DNNN của các bộ
- Cập nhật : 04/02/2016
(Tin kinh te)
Chỉ khi nào chúng ta phát động được phong trào toàn dân làm kinh tế, chỉ khi nào sự nghiệp làm kinh tế là sự nghiệp của toàn dân,... thì chúng ta mới thực hiện được mục tiêu vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói: Văn kiện Đại hội XII đề ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Khẳng định như vậy nghĩa là chúng ta xác định sẽ đi trên con đường chung của nhân loại để tiến tới một xã hội phồn vinh. Đây là một định hướng rất quan trọng.
DN không thể lớn vì thủ tục hành chính
. Phóng viên: Đi trên con đường chung của nhân loại có nghĩa là chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ để tương thích với sự phát triển của thế giới tiên tiến. Vậy cần phải làm những gì để thay đổi, thưa ông?
+ TS Vũ Tiến Lộc: Trước hết cần phải có nền tảng thể chế thân thiện và an toàn cho kinh doanh. Thực hiện Hiến pháp năm 2013, hàng loạt bộ luật đã được Quốc hội ban hành, sửa đổi nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ cũng ra đời. Tất cả nhằm phá bỏ những rào cản hành chính, tệ quan liêu đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào tốp 4 trong ASEAN là những nỗ lực làm giới doanh nghiệp ấm lòng.
Tuy vậy, cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn rất phiền hà và còn lạc hậu so với chuẩn mực chung của thế giới. Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI cho thấy tín hiệu đáng lo ngại là DN càng lớn, kinh doanh càng thành công thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao nhiều DN Việt Nam đã không thể lớn lên.
Sự hạn chế của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của DN trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu. Sự chậm trễ trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm… đang phát đi những tín hiệu về tình trạng thiếu an toàn của môi trường kinh doanh. Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.
. Rõ ràng vai trò của doanh nhân và kinh tế dân doanh ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế. Việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh và môi trường kinh doanh bình đẳng là hết sức quan trọng để lực lượng này phát triển và đóng góp. Vậy Nhà nước cần phải làm gì và bản thân lực lượng này cần hành động gì?
+ Chúng ta cần thay đổi tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đó” bằng tư duy tiến bộ “năng lực quản lý của Nhà nước phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.
Chúng ta cũng nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao”. Yêu cầu này là đúng nhưng chưa đủ. Theo tôi, cần bổ sung yêu cầu phát huy tinh thần dân tộc như là một phẩm chất quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt. Đây sẽ là một động lực to lớn để thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh hội nhập và trong định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của chúng ta.
Cần hàng triệu DN và hàng chục triệu doanh nhân
. Văn kiện XII cũng đã khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại và hội nhập ở nước ta, ông nhìn nhận điều này thế nào?
+ Đại hội XII xác định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng lực lượng giữ vai trò động lực trong nền kinh tế phải là khu vực kinh tế tư nhân - khu vực kinh tế của toàn dân. Mọi nền kinh tế thị trường thành công trên thế giới đều có nền tảng như thế. Chỉ khi nào chúng ta phát động được phong trào toàn dân làm kinh tế, chỉ khi nào sự nghiệp làm kinh tế là sự nghiệp của toàn dân, việc lựa chọn con đường trở thành doanh nhân là khát vọng của thế hệ trẻ, đất nước này có được hàng triệu DN và hàng chục triệu doanh nhân hoạt động hiệu quả thì chúng ta mới thực hiện được mục tiêu vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có.
. Có nghĩa là thời gian tới chúng ta nên tiếp tục cải cách khu vực kinh tế nhà nước để tiến tới kinh tế là sự nghiệp của toàn dân như ông đề cập ở trên?
+ Tôi đề nghị tiến trình tái cấu trúc DNNN phải được đẩy mạnh. Việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ cần được triển khai một cách thực chất với lộ trình tích cực.
Mặt khác, cần kiên quyết sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN của các bộ, ngành và địa phương trong nhiệm kỳ này của Chính phủ, thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các DN. Xóa bỏ chế độ chủ quản này, một mặt sẽ góp phần giải phóng các DNNN khỏi các can thiệp hành chính gây phiền hà của các cơ quan công quyền vào hoạt động kinh doanh, mặt khác cũng tạo điều kiện để các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung vào chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng và thân thiện với mọi chủ thể kinh doanh.
. Như thế rất cần phải có một quyết tâm cao, phải không thưa ông?
+ Đúng vậy! Nhưng với quyết tâm đặt DNNN trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, tái cấu trúc và thực hiện quản trị DNNN một cách chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, đặt trọng tâm chức năng sản xuất kinh doanh lên trên hết… sẽ tạo ra sức đột phá, nâng cao hiệu quả của khu vực này.
Quyết tâm trên sẽ đáp ứng kỳ vọng của chúng ta về một hệ thống DNNN có năng lực cạnh tranh cao trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
. Xin cám ơn ông.
Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi năng lực của thể chế và sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là người lính xung trận. Nhà nước là hậu phương vững chắc.
Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thể chế để hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân. Mệnh lệnh “đột phá để đổi mới”, để đồng hành cùng thế giới lại một lần nữa vang lên sau chặng đường ba thập niên nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường.
TS VŨ TIẾN LỘC
CHÂN LUẬN thực hiện
Theo PLO.VN