Đến năm 2025, GDP của Việt Nam có thể đạt 450 tỷ USD từ 186 tỷ USD hiện tại và trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, theo Goldman Sachs.
Liên kết để cạnh tranh với nước ngoài
- Cập nhật : 08/10/2015
(Thuong mai)
Thực tế nhiều DN chưa chuẩn bị tốt khi có TPP nhưng chưa bao giờ là quá trễ. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, chia sẻ những khó khăn và thách thức mà DN trong nước sẽ gặp phải khi tham gia TPP
Phóng viên: Nhiều ý kiến nhận định Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong các thành viên tham gia TPP?
- Ông Phạm Hồng Hải: Hiệp định sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương, nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Tôi tin TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn.
Những ngành nào ở Việt Nam sẽ có lợi thế nhất?
- Nhiều nghiên cứu trong 5 năm đàm phán TPP cho thấy cú hích từ hiệp định dự kiến đưa xuất khẩu của Việt Nam đạt 307 tỉ USD vào năm 2025, so với 239 tỉ USD nếu không gia nhập TPP. Hiệp định sẽ giúp thuế suất của hàng hóa Việt Nam vào Mỹ (một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất) trong ngành dệt may, da giày... giảm xuống mức thấp về 0%. Đây cũng là những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất, khi các nước thành viên của TPP đều là thị trường nhập khẩu những mặt hàng này của Việt Nam.
Nhưng có vẻ cộng đồng DN chưa chuẩn bị nhiều cho hiệp định này?
- Việc tham gia vào TPP sẽ đòi hỏi một cái nhìn dài hạn. Đúng là sự chuẩn bị của DN Việt chưa tốt nhưng tôi cho rằng chưa bao giờ là quá trễ. Từ thời điểm các nước thành viên chấp thuận nguyên tắc cho đến khi hoàn tất về mặt kỹ thuật, quốc hội các nước thông qua cũng cần từ vài tháng đến cả năm. Điều cần nhìn nhận lúc này là bản thân từng DN sẽ không đủ lực, không đủ vốn và kỹ thuật để đầu tư nguyên cả chuỗi, do đó có thể tìm cách hợp tác liên kết với nhau tạo thành từng chuỗi, cạnh tranh trực tiếp với DN nước ngoài.
Người tiêu dùng Việt Nam có được hưởng lợi nhiều không?
- Dù chi tiết các nội dung của TPP chưa được công bố nhưng về nguyên tắc, tất cả các nước đều mong muốn dỡ bỏ hàng rào thuế quan, tùy theo thế mạnh từng nước và những lĩnh vực cần bảo hộ. Khi đó người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng lợi do hàng hóa nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam cũng được giảm chi phí thuế quan, hàng rẻ hơn và cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa.