Theo tính toán, Việt Nam có thể tiết kiệm được 10 tỷ USD/năm nếu đạt được mục tiêu giảm thời gian thông quan bằng trung bình của 4 nước đầu bảng ASEAN như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Rất ít tài sản tham nhũng đứng tên chủ sở hữu
- Cập nhật : 04/08/2015
(Viet Nam)
Năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam là dưới 10%, năm 2014 là khoảng 22%... Đây là một tỷ lệ quá thấp so với mục tiêu của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là thu hồi tài sản bị thiệt hại”, theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra.
Tình trạng kém hiệu quả trong việc thu hồi tài sản tham nhũng đang gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước và dẫn đến tình trạng “nhờn” pháp luật - Minh họa.
“Nguyên nhân là do pháp luật Việt Nam quy định việc thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu thông qua việc thi hành bản án hình sự, nên tỷ lệ thu hồi rất thấp...”, ông lý giải.
Nhấn mạnh thực trạng này, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói: “Nếu tài sản tham nhũng không thu hồi được thì mục tiêu chống tham nhũng chưa hiệu quả. Nói cách khác, thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng”.
Nhiều luật, nhưng hiệu quả thấp
TS. Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra cho biết, đối chiếu với yêu cầu của công ước quốc tế về quy định thu hồi tài sản tham nhũng, thì rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam có liên quan như Luật Tương trợ tư pháp, Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này...
Tuy nhiên, mặc dù cơ sở pháp luật cho việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có và tương đối đầy đủ, nhưng thực tiễn cho thấy, số lượng tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng là rất lớn, tỷ lệ thu hồi còn rất nhỏ.
Đánh giá về hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng, qua khảo sát tại 16 bộ, ngành và nhiều địa phương do Viện Khoa học thanh tra và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức, cho thấy: chỉ có 12,9% công chức, viên chức được hỏi cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng là có hiệu quả, trong khi đó, 17,1% cho rằng không hiệu quả và có đến 60,8% nhận định chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định.
Về phía người dân, số người cho rằng hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng đạt 28,4%, trong khi đó, số lượng cho rằng không hiệu quả là 24,5% và chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định là 43,6%.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh, cho rằng, tình trạng kém hiệu quả trong việc thu hồi tài sản tham nhũng đang gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước và dẫn đến tình trạng “nhờn” pháp luật.
Cũng theo ông Khanh, thu hồi tài sản tham nhũng đã tẩu tán ra nước ngoài càng khó khăn hơn, bởi cho đến hiện nay, Việt Nam chưa xác định được cơ quan đầu mối thực hiện hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản, chưa có trình tự, thủ tục cụ thể để thực hiện sự hợp tác với các nước để thu hồi tài sản tham nhũng...
Do đó, Việt Nam cần có ngay một cơ quan chuyên trách trong việc hợp tác với các nước để thu hồi tài sản tham nhũng từ Việt Nam tẩu tán ra nước ngoài và ngược lại.
Khi tài sản tham nhũng đứng tên người thân, bạn bè
Đánh giá về nguyên nhân của việc tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, cũng theo kết quả của cuộc khảo sát trên đây cho thấy, 33,9% số người được hỏi cho rằng cơ sở pháp lý trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc.
22,8% cho rằng nguyên nhân do sự thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản.
29,7% số người được hỏi cho là chưa có quy định về tịch thu tài sản mà không được chứng minh có nguồn gốc hợp pháp; 23,5% cho rằng hoạt động giám định tư pháp xác định thiệt hại tài sản do tham nhũng còn hạn chế, bất cập.
22,2% số người được hỏi cho rằng chưa có quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài...
Trên thực tế, rất ít tài sản tham nhũng được đứng tên chủ sở hữu, mà thường được đứng dưới tên người thân, bạn bè...
Trong khi đó, người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc tài sản từ đâu mà có, khi có hành vi tham nhũng xảy ra thì theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ chứng minh đó lại thuộc về cơ quan tố tụng, trong khi để chứng minh được nguồn gốc tài sản đang là vấn đề khó ở Việt Nam.
Theo đó, TS. Minh đề nghị, cho bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề thu hồi tài sản trong lần sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng sắp tới.
Cần đưa vào luật quy định không chỉ người phạm tội mới có nghĩa vụ trả lại tài sản mà bất kỳ ai đang chiếm hữu không có căn cứ hợp pháp cũng có nghĩa vụ trả lại tài sản, quy định này nhằm tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thể thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng nhưng đã bị tẩu tán.
Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về việc cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng để có thể nhanh chóng phát hiện, làm rõ hành vi cũng như tài sản tham nhũng.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước đối với tài sản, kiểm soát sự biến động và nguồn gốc tài sản, qua đó phát hiện tham nhũng cũng như hiện tượng tẩu tán tài sản, đồng thời hỗ trợ cho việc thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)