tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giảm thông quan 1 ngày, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 1 tỷ USD/năm

  • Cập nhật : 16/08/2015

(Viet Nam)

Theo tính toán, Việt Nam có thể tiết kiệm được 10 tỷ USD/năm nếu đạt được mục tiêu giảm thời gian thông quan bằng trung bình của 4 nước đầu bảng ASEAN như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Nội dung nổi bật:

- Theo xếp hạng của WB, thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục nhập khẩu ở Việt Nam tổng cộng là 21 ngày, cao gấp 5 lần so với Singapore (4 ngày), gần 3 lần so với Malaysia (8 ngày) và gần 2 lần so với Thái Lan (13 ngày)

- “Nếu giảm thời gian thông quan được 1 ngày, chúng ta sẽ tiết kiệm cho nền kinh tế hơn 1 tỷ USD/năm. Giảm ngang với trung bình ASEAN - 4, chúng ta tiết kiệm được 10 tỷ USD/năm”, TS. Cung tính toán.

- Chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2015, nhận định về mục tiêu thông quan ngang bằng với các nước ASEAN - 6, trong khi lãnh đạo hải quan lạc quan thì ông Nguyễn Văn Thân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam lắc đầu, cho rằng mục tiêu quá tham vọng

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục nhập khẩu ở Việt Nam gồm: chuẩn bị tài liệu, thông quan, kiểm tra hải quan, vận tải nội địa, bốc dỡ tại cảng biển và cửa khẩu... tổng cộng là 21 ngày, cao gấp 5 lần so với Singapore (4 ngày), gần 3 lần so với Malaysia (8 ngày) và gần 2 lần so với Thái Lan (13 ngày).

“Càng dài ngày càng tốn nhiều chi phí. Trong quá trình này, chi phí cứ đội lên, đội lên qua mỗi khâu. Chi phí tăng thì lợi nhuận giảm, giá trị gia tăng giảm”, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra nhận định tại tọa đàm trực tuyến “Nâng cao năng lực cạnh tranh – nhìn từ lĩnh vực hải quan” diễn ra sáng 11/8.

“Nếu giảm thông quan được 1 ngày, chúng ta sẽ tiết kiệm cho nền kinh tế hơn 1 tỷ USD/năm”, TS. Cung tính toán.

Trao đổi bên lề sự kiện, ông Cung cho biết tính toán này được thực hiện theo phương pháp của WB, không chỉ tính trên một nước mà nhiều nước. Và Việt Nam là một trong những nước có tác động tích cực nhất.

“Đây mới chỉ tính trên đơn vị giảm 1 ngày. Còn nếu hướng tới mục tiêu ASEAN-6, ASEAN-4 chúng ta còn tiết kiệm được nhiều hơn nữa.Giảm thông quan được 10 ngày, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 10 tỷ USD/năm. Tất nhiên, có thể ngày đầu tiên sẽ tiết kiệm được nhiều hơn. Tác động này không chỉ có ở mình mà nhiều nước đã làm và GDP của nước người ta sau đó tăng trưởng nhờ những cải cách này”, TS. Cung nói.

“Nền kinh tế của ta rất mở. Chỉ số thông quan tác động đến hơn 300 tỷ USD. Tại sao Nghị quyết 19 lại tập trung vào chỉ số này? Vì đây là một chỉ số tác động rất lớn đến doanh nghiệp, đến cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy nền kinh tế”.

“Doanh nghiệp càng thuận lợi thì chi phí giảm => lợi nhuận tăng => đầu tư nhiều hơn. Như thế, nền kinh tế mới tăng trưởng tốt hơn”.

1 ngày = 1 tỷ USD: Xa vời?

Theo Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, xét riêng chỉ số thông quan, Chính phủ đặt mục tiêu giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, với thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu trong năm 2015.

Đến năm 2016, phải giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày.

Chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2015, nhận định về mục tiêu thông quan nói trên, trong khi ông Vũ Ngọc Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – lạc quan cho rằng hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu, thì đại diện cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam lắc đầu, cho rằng mục tiêu đưa ra quá tham vọng.

“Riêng hải quan, tôi cho rằng rất tích cực khi phối hợp rà soát hơn 300 văn bản, tuy nhiên mới dừng ở mức rà soát, và rà soát ở mức khởi đầu. Với những văn bản phải sửa đổi ngay như Nghị định 187 và các văn bản đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp tôi cho là chậm. Với cách thế này, trong năm nay sẽ không sửa được nghị định đó”, TS. Cung nhận định.

“Mấu chốt của việc tạo thuận lợi hóa thương mại này nằm ở quản lý chuyên ngành và kết nối giữa hải quan và cán bộ. Theo tôi đánh giá, có một số bộ tích cực, một số bộ chưa tích cực, trong khi để hoạt động thông quan thuận lợi đòi hỏi phải đồng bộ, lúc đó thông quan mới thuận lợi. Một bộ có trục trặc thôi, hoặc sự kết nối giữa hải quan và các bộ không thông suốt như mong muốn thì chưa đạt mục tiêu”.

“Theo tôi quan sát, việc thực hiện Nghị quyết 19 đang chậm so với yêu cầu cần thiết”.

“Rất buồn vì Bộ Y tế lại đề xuất thêm thủ tục hành chính”

Dự thảo Thông tư 19 của Bộ Y tế Quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu có dự định tập trung toàn bộ việc cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” về Bộ để giải quyết, thay vì để đơn vị trực tiếp kiểm tra cấp như quy định của Luật An toàn thực phẩm hiện hành.

Bình luận về dự thảo này, ông Nguyễn Văn Thân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: “Tôi rất buồn. Làm thế này là lại thêm thủ tục hành chính. Mình phải đào tạo cán bộ thế nào để trực tiếp giải quyết, chứ về Bộ lại mất mấy ngày. Đừng nói đến mục tiêu ASEAN - 6, ASEAN – 4, riêng cái này đã mắc rồi”...

 

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục