Được xem là một trong những “tư lệnh ngành” có tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh không ít lần phải “đau đầu” bởi áp lực...
Kinh tế Việt Nam vẫn thiếu một động lực tăng trưởng đủ mạnh
- Cập nhật : 07/02/2016
(Tin kinh te)
Năm 2015, nhìn bề ngoài các chỉ số, các chỉ tiêu đều tốt và tích cực, nhưng nhìn sâu vào bên trong, thì thấy động lực chưa thay đổi. Đã vậy, các động lực hiện đang trong tình trạng tận khai.
Nền kinh tế vẫn chưa tìm thấy động lực phát triển mới
Tại Hội thảo “Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015” diễn ra chiều 28/1/2016, ThS. Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô - CIEM đã thay mặt nhóm nghiên cứu cho biết, năm 2015, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi. Tốc độ tăng GDP đạt 7,06% trong quý IV/2015, cao hơn so với cùng kỳ các năm 2011-2014. Tính chung cả năm 2015, tốc độ tăng GDP đạt 6,68%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (6,2%).
Kết quả này cao hơn so với trung bình giai đoạn 2011-2015 (5,91%/năm) và giai đoạn 2007-2015 (6,05%/năm).
Tuy nhiên, khi đi sâu phân tích tốc độ tăng trưởng, ThS. Nguyễn Anh Dương chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế năm 2015 còn thấp hơn so với mức trung bình giai đoạn 1990-2006 (7,6%/năm).
Dù tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, GDP của Việt Nam vẫn mới chỉ đạt mức tương đương với xu thế dài hạn. GDP chưa tăng vượt đáng kể so với mức xu thế dài hạn trong suốt giai đoạn 2013-2015.
“Diễn biến chu kỳ trong giai đoạn 2011-2015 cho thấy ngay cả khi GDP vượt xu thế dài hạn, kết quả này cũng chưa thật sự bền vững. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn thiếu một động lực tăng trưởng đủ mạnh”, ông Dương nhấn mạnh.
Điều đáng lưu ý là, năng suất lao động Việt Nam hiện còn thấp so với các nước trong khu vực và không đồng đều giữa các ngành và lĩnh vực.
Nguyên nhân chủ yếu là do: (i) Định hướng tái cơ cấu kinh tế theo ngành (kể cả trong khu vực nông nghiệp) chậm được cụ thể hóa; (ii) Còn tồn tại một số “điểm nghẽn” và “rào cản” khiến lao động khó dịch chuyển sang các ngành nghề có năng suất cao hơn; (iii) Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, vòng đời ngắn, khiến hiệu quả cải thiện năng suất lao động còn thấp; (iv) Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng lao động còn nhiều bất cập.
Nhìn một cách khái quát, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định, nếu nhìn riêng một vài chỉ tiêu như tăng trưởng, lạm phát, thì mọi thứ có vẻ tốt lên, nhưng nếu nhìn xâu chuỗi các chỉ tiêu khác, như: thu - chi ngân sách, nợ công, tỷ giá, năng lực cạnh tranh…, thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn.
“Hiện trạng này cho thấy, nhà quản lý vẫn rất lúng túng trong cách điều hành”, ông Cung thẳng thắn.
Về động lực tăng trưởng, ông Cung cho rằng, các động lực tăng trưởng hiện nay vẫn chưa có gì thay đổi, trong khi dư địa phát triển không còn nhiều và đang trong tình trạng tận khai.
Đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia Trương Đình Tuyển, chỉ rõ, hiện nay tăng trưởng của Việt Nam đang dựa chủ yếu vào đầu tư nước ngoài, trong khi động lực tăng trưởng bền vững đất nước không có. Năng suất lao động không tăng. Nông nghiệp nền tảng của sự ổn định xã hội lại đang rất yếu. Đã vậy, nhiều điểm bất cập chưa được giải quyết như khu vực nhà nước chèn lấn tư nhân; trái phiếu chính phủ chèn lấn tín dụng, làm tăng lãi suất…
“Đây sẽ là nguy cơ rất lớn khi AEC hình thành, bởi, năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp của Thái Lan rất mạnh”, ông Tuyển thẳng thắn.
Khá nhiều lạc quan trong năm 2016
Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2016, thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Anh Dương cho biết, Việt Nam bước vào năm 2016 với khá nhiều sự lạc quan. Kinh tế vĩ mô ổn định và được củng cố ngày một vững chắc hơn. Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh và liên tục qua các quý, đồng thời cho thấy dư địa để tiếp tục khởi sắc. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyển biến tích cực.
Một bộ máy điều hành mới cũng sẽ sớm được thiết lập, đưa Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với cải cách trong giai đoạn 2016-2020.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn diễn ra sâu rộng. Việt Nam đã ký kết và thực hiện các FTA quan trọng với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu trong năm 2015. AEC cũng đã được thành lập vào cuối năm 2015.
Việc hoàn tất đàm phán FTA với EU và TPP – với kỳ vọng cả hai hiệp định có thể hoàn tất phê chuẩn trong năm 2016 – sẽ là những bước ngoặt quan trọng đối với cải cách ở Việt Nam. Khi ấy, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đi kèm với việc cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường và nguồn lực.
Thay vào đó, các cam kết sâu rộng hơn về tự do hóa thương mại và đầu tư - kể cả sau đường biên giới - hướng tới một luật chơi chung có chất lượng, nhất quán và thân thiện với doanh nghiệp sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy các cải cách nền tảng kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Trên cơ sở lạc quan đó, CIEM dự báo năm 2016, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,82%, lạm phát 4,37%, tăng trưởng xuất khẩu 10,4%, cán cân thương mại -4,1 tỷ USD.
Bên cạnh các cơ hội, nhóm nghiên cứu của CIEM cũng đặt ra một số rủi ro, bất định tác động đến kinh tế Việt Nam 2016 như đà phục hồi chậm của các quốc gia phát triển, xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi (riêng vốn rút khỏi Trung Quốc từ 6/2014-11/2015 là 1.000 tỷ USD), giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm, bao gồm các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.
Cũng theo ôngDương, bất định còn đến từ môi trường chính sách trong nước. Các vấn đề được đặt ra là áp lực đối với tỷ giá và lãi suất trong nước khi USD và lãi suất ở Mỹ tăng, áp lực từ phát hành trái phiếu chính phủ đối với lãi suất và tín dụng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát do thâm hụt ngân sách nhà nước kéo dài, do tăng giá các mặt hàng, dịch vụ nhà nước kiểm soát giá, việc tăng lương, chi phí cho doanh nghiệp.
Vì thế, ông Dương cho rằng, cần nhấn mạnh vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại.
Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh một cách thực chất hơn quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tự do hóa thị trường, tạo thuận lợi cho kinh doanh, khuyến khích và cải thiện năng lực công nghệ gắn với tăng năng suất bền vững – ngay cả trước khi các yêu cầu này trở thành cam kết chính thức theo các điều ước hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách thực chất. Giảm tính chi phối của chính sách tài khóa. Hướng dần đến giảm thâm hụt ngân sách nhà nước còn 4% GDP, ngay cả trước Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi có hiệu lực; đảm bảo kỷ luật chi, kỷ luật phát hành trái phiếu chính phủ; Thu ngân sách nhà nước từ doanh nghiệp không nên coi là thành tích.
Ổn định lạm phát là ưu tiên cao nhất của chính sách tiền tệ (tổng phương tiện thanh toán và tín dụng là mục tiêu thứ cấp).
Thứ hai, chuẩn bị cho việc thực hiện các hiệp định FTA đã và sắp ký kết. Theo đó, cần tận dụng tốt cơ hội trong tầm tay (từ các FTA tiêu chuẩn thấp như trong AEC, liên minh kinh tế Á- Âu, FTA với Hàn Quốc…), đồng thời, chuẩn bị tốt về thể chế để tận dụng những cơ hội này.
Thứ ba, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp. Theo đó, cần tăng cường chất lượng thực thi Nghị quyết 19; Nâng cao nhận thức, tiến tới xây dựng văn hóa về cạnh tranh bình đẳng; Khung pháp luật về cạnh tranh là không đủ, mà phải có chế tài và cơ quản quản lý cạnh tranh đủ thẩm quyền và năng lực.
“Đặc biệt, cần giảm chèn lấn của khu vực công đối với khu vực tư nhân”, ông Dương khẳng định.
Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, cần tiếp tục cải cách. Tuy nhiên, hiện nay rào cản đang rất lớn.
Đặc biệt, sức ì, lực cản của bộ máy đang ngày càng lớn. Nhiều cơ quan nhà nước cứ “ì ra”, không làm gì cả. Sức ì ngăn cản sự cải cách.
Vì thế, theo TS. Cung, việc cần là trước mắt là phải làm thế nào để chọc thủng hàng rào đó, để đẩy lui sức ì để tiếp tục đà cải cách, thúc đẩy những động lực phát triển cũ, tìm và khơi gợi những động lực mới để đất nước đi lên./.
Phương Anh
Theo Kinh Tế và Dự Báo