Theo các nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn AmInvestment có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 27/1, Công ty dịch vụ dầu khí Malaysia SapuraKencana và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đang cùng chung đấu thầu hợp đồng xây dựng giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển phía Tây của Ấn Độ.
20 năm nữa, thu nhập bình quân người Việt sẽ cao gấp 8 lần hiện nay?
- Cập nhật : 25/01/2016
(Kinh te)
Mục tiêu đến năm 2035 thu nhập bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt 15.000-18.000 USD; tức là tăng gấp 7-8 lần so với hiện nay...
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam đạt gần 6%, trong khi các nước trong khu vực đạt 5,6%, làm cho quy mô nền kinh tế tăng gần gấp đôi, hiện nay đạt khoảng 200 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8%/năm, ước đạt khoảng 2.200 USD.
Tuy nhiên, mức tăng năng suất lao động giảm dần là vấn đề đáng quan ngại đối với kinh tế Việt Nam, hiện chỉ đạt gần 4%, trong khi Trung Quốc là trên 7% và Hàn Quốc là hơn 5% tại thời điểm các quốc gia này có trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.
“Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan” - bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB Việt Nam cho biết.
Theo bà Kwakwa, để giải quyết tình trạng trên, điều Việt Nam cần làm là đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản.
Mới đây, phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo các Văn kiện tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho biết, theo mục tiêu phát triển đến năm 2035 thu nhập bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt 15.000-18.000 USD.
"Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người 7%/năm – tương đương tăng trưởng GDP 8%/năm. Và con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động" - Bộ trưởng nói.
Trước đó, tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF) 2015, Bộ trưởng Vinh cho biết, sau giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng dưới 6%, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 5 năm tới với mức tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020, tăng thêm 1.000 USD so với hiện nay.
Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đến năm 2020, GDP bình quân đầu người của Thái Lan dự kiến đạt 6.839 USD. Trong khi đó, GDP bình quân người Việt có thể đạt 3.500 USD vào năm 2020, tức là mới bằng 1/2 Thái Lan.
Như vậy, với mục tiêu đặt ra cho năm 2035, trong vòng 20 năm tới, thu nhập bình quân của người Việt sẽ tăng cao gấp 7-8 lần hiện nay.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vinh, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay, hiện đang ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, năng suất lao động trong khu vực kinh tế tư nhân cũng rất thấp.
“Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Robin Krugman đã từng tổng kết: Năng suất không phải là tất cả, nhưng nó gần như là tất cả. Một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người của quốc gia đó” – Bộ trưởng Vinh nói.
Bộ trưởng Vinh chỉ ra 3 nguyên nhân chính của tình trạng năng suất lao động thấp bao gồm: Cơ cấu lao động lạc hậu, lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn rất nhiều khu vực chính thức. Hơn 44% lao động làm việc trong nông nghiệp – khu vực tạo giá trị gia tăng rất thấp.
Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản, giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa. Và thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.
“Do vậy, phải tập trung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, về cả số lượng và chất lượng; coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế” – Bộ trưởng nhấn mạnh.