Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa ký kết ngày 4-2-2016, gồm 12 nước với quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.
Liệu Việt Nam có cá chép hoá rồng?
- Cập nhật : 10/02/2016
(Tin kinh te)
Yếu tố quyết định nằm ở chỗ con cá chép Việt Nam có vượt qua chính mình để thành rồng hay sẽ "quằn quại" thế giun trong sự tụt lại phía sau.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP vừa được ký kết, đánh dấu một năm Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Được đánh giá quan trọng bậc nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vừa ký kết thành công ngày 4/2/2016.
Nhân dịp đầu năm Bính Thân, có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ về những vấn đề xung quanh TPP.
- Sáng 4/2/2016 tại Auckland (New Zealand) Việt Nam cùng các đối tác đã ký hiệp định TPP, có người nghĩ đây sẽ là cơ hội cá chép hóa rồng cho nền kinh tế Việt Nam, theo ông điều này có lạc quan quá không?
- Chuyện cá chép hóa rồng chỉ là thần thoại, nhưng trong nền kinh tế thế giới đã có những cá chép thành rồng như Singapere, Hàn Quốc, Đài Loan… Khi cá chép gặp được nước - môi trường thời đại, nó có cơ hội hóa thân. Với TPP, con cá chép Việt Nam đang trong cơn mưa giông của toàn cầu hóa.
Yếu tố quyết định việc có hóa rồng nằm ở chỗ con cá chép Việt Nam có vượt qua chính mình để thành rồng hay không. Nếu không làm được, rất có thể, nó sẽ "quằn quại" thế giun trong sự tụt lại phía sau, khi khu vực và thế giới vẫn tiến về phía trước.
Nói cách khác, TPP là cơ hội để cá chép Việt Nam hóa rồng, nhưng có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào chính chúng ta.
TPP trước hết là cuộc chơi của người Mỹ và các ông lớn
- Chúng ta đã bắt đầu bàn nhiều về TPP, theo ông nên hiểu TPP thế nào?
- Tổng thống Mỹ, ông Obama đã nói rất rõ, cả trong Thông điệp liên bang 2016 và khi các bên kết thúc đàm phán ở Atlanta: Với TPP, nước Mỹ phải áp đặt luật chơi cho nền kinh tế thế giới. TPP thể hiện sức mạnh Mỹ trong nền kinh tế thế giới và châu Á, và sẽ giúp nâng tầm lãnh đạo của Mỹ với khu vực và thế giới.
Đọc lướt qua TPP, tôi hiểu ngay rằng, TPP là của người Mỹ viết. TPP là ý đồ tầm nhìn, trình độ, là kiến thức pháp luật của người Mỹ. Chuyên gia pháp luật Mỹ là bậc thầy, cha đẻ của hệ thống luật pháp toàn cầu hóa, họ cũng là tiên tri nền kinh tế thị trường tự do. Ngoài các chuyên gia luật pháp Mỹ không ai có thể soạn thảo được bộ luật đồ sộ, chặt chẽ và hoàn chỉnh như vậy.
- Trong những bình luận vừa qua, nhiều người mổ xẻ tác động của TPP đến nền thương mại khu vực và thế giới, đặc biệt là những lợi ích Việt Nam có thể nhận được, ông có ý kiến gì về điều này?
- TPP là khung pháp lý đồ sộ, hoàn chỉnh nhất để điều tiết một nền kinh tế thị trường phát triển, nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, với tất cả những tiêu chí cần có. Khung pháp lý này điều chỉnh toàn bộ nền kinh tế thị trường khu vực.
Khung pháp lý đồ sộ ấy gắn liền với chế tài chặt chẽ, quyền lợi và nghĩa vụ gắn với nhau và có cả hệ thống hơn 20 Ủy ban lớn nhỏ trong TPP để kiểm tra, theo dõi, đôn đốc và giám sát thực hiện
Vừa qua, chúng ta đã nói khá nhiều về TPP, tập trung vào chuyện thuế và giảm thuế. Thế nhưng TPP không chỉ là chuyện giảm thuế và không chỉ bàn về thuế.
Trong thương mại thế giới, những vấn đề về tăng trưởng thương mại được xử lý cơ bản trong hiệp định chung về thuế quan, thương mại (GATT) và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). GATT, WTO đồng nghĩa với giảm thuế, xóa bỏ các rào cản thương mại.
Một số mặt hàng có nhu cầu bảo hộ cao là còn thuế, nhưng chủ yếu ở mức dưới 10%, không quá nhiều ý nghĩa trong việc phát triển nền kinh tế thương mại thế giới. Các FTAs được ký kết cũng đang trên đường biến các dòng thuế còn lại về 0%. Nói cách khác, không đợi và không cần đến TPP để giải quyết thuế.
TPP không nhằm giải quyết vấn đề tăng trưởng thương mại là chính. Các tác giả TPP hướng tới gia tăng, phát triển và bảo vệ lợi ích đầu tư, kèm theo yêu cầu bảo vệ chặt chẽ nhất các quyền sở hữu trí tuệ.
Hiệp định này có thêm một loạt lĩnh vực hoạt động kinh tế mới, mà ở đó chỉ có các đại gia mới có khả năng khai thác, ví dụ: Dịch vụ viễn thông xuyên biên giới, dịch vụ tài chính xuyên biên giới… Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và ngay cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng chưa có "cửa".
TPP thiết kế để bảo vệ lợi ích của nước lớn và các tập đoàn là chính. Lợi ích ấy được bảo vệ bằng hàng rào kỹ thuật cao, rất cao.
Việt Nam vừa qua trong vài vụ kiện bán phá giá nhỏ lẻ đã phải thuê chuyên gia quốc tế, thì chúng ta sao có thể đối mặt với quy định cho phép nhà đầu tư đưa Nhà nước ra tòa trong trường hợp Nhà nước có các quyết định gây hại, trái với tiêu chí TPP. Nói cách khác, các cam kết đòi hỏi cao của TPP đặt các nước kém phát triển vào thế yếu hơn. Có một số ngành được lợi như may mặc, giày dép, nhưng nhiều ngành khác rơi vào thế yếu, thiếu phương tiện bảo vệ như nông nghiệp, chăn nuôi…
Tuy nhiên, được vào sân chơi chung với các ông lớn trong sân chơi toàn cầu hóa, Việt Nam sẽ phải quyết liệt hơn, trưởng thành nhanh hơn... và đó cũng là con đường duy nhất đúng đất nước ta phát triển.
Phải tiếp tục đổi mới
- Có vẻ như viễn cảnh ông nêu không đơn giản, nguy cơ thua thiệt với Việt Nam cũng không nhỏ ?
- Việt Nam sẽ thua thiệt hơn nếu để xảy ra các tình huống sau:
Một là: Kinh tế sẽ lặp lại những gì đã xảy ra khi gia nhập WTO. Doanh nghiệp - bộ phận được phân cho vai trò trung tâm của hội nhập, tìm không được lối ra.
Một tình huống khác, theo cam kết trong TPP, Việt Nam có hàng trăm, hàng nghìn việc phải làm để thực thi Hiệp định, chưa tính đến phải có chương trình, chiến lược bài bản để khai thác thành công lợi thế TPP mang lại, và đưa các ngành kinh tế phát triển cùng TPP… Thấy thực hiện khó quá, không biết bắt đầu từ đâu, làm gì trước, làm gì sau, nên đành buông xuôi.
Rốt cuộc, chúng ta lại hô khẩu hiệu suông với nhau. Hệ lụy là Việt Nam bỏ ngỏ thị trường cho bên ngoài vào tự do khai thác. Ngay cả bên ngoài vào, doanh nghiệp đứng đắn thì chưa tin ngay, để rồi Việt Nam thành mảnh đất cho những cuộc chộp giật, đánh quả. Nguy cơ nhãn tiền là Việt Nam sẽ tụt hậu xa hơn, tiếp tục cảnh đi làm thuê, dùng lao động cơ bắp là chính.
- Như vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ cái gì? Đâu là khâu đột phá?
- Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử ngày 2/2/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Hội nghị lần này quán triệt tinh thần đổi mới: cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị nước nhà để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước". Thật tuyệt vời, Đảng đã nhận rõ vấn đề, đã thể hiện quyết tâm.
Với TPP, đây là khung pháp lý hoàn chỉnh nhất cho một nền kinh tế thị trường phát triển, một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa với đầy đủ các tiêu chí cần có.
Hôm nay chúng ta đã có thể nhìn thấy được những tác động sâu sắc của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam.
Nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh ở một môi trường kinh tế mở sẽ dẫn tới chỗ: Thành phần kinh tế nào hiệu quả hơn sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Ở đây, chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ là kinh tế hiệu quả nhất, nó sẽ phát triển nhanh, quy mô và vai trò của nó sẽ lớn. Từ đó quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất sẽ sớm thay đổi, trong đó sở hữu đất đai sẽ phải sớm có sự điều chỉnh để kinh tế tiếp tục phát triển. Quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội đang thay đổi.
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, với sự tác động chi phối của thị trường ngoài nước và cả trong nước, ngành kinh tế nào có cơ hội sẽ phát triển nhanh hơn (có Sam Sung là điện thoại cầm tay lên ngôi đột biến, ngoài tính toán của các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam).
Cơ cấu kinh tế sẽ sớm thay đổi sâu sắc. 20 năm hội nhập vừa qua cơ cấu kinh tế Việt Nam đã thay đổi chủ yếu do tác động thị trường. Vậy nên từ bỏ tư duy duy ý chí, cứ muốn phát triển ngành này hay ngành khác, khu vực này hay khu vực khác theo ý muốn chủ quan, theo tư duy lối mòn.
Làm giống như thế giới, trong kinh tế thị trường, chúng ta quản lý và điều hành nền kinh tế (và cả xã hội) bằng luật pháp. Mọi thứ vận hành theo luật, không điều hành kinh tế bằng các nghị quyết thay đổi hàng tháng, không điều hành theo kiểu sáng duyệt cấp mấy dự án, chiều duyệt cho mấy chương trình… Thế giới không thấy ai làm vậy.
Cần nói thêm, trong xã hội hiện đại, khi con người chưa được tự do làm giàu thì kinh tế chưa phát triển, cần một môi trường nuôi dưỡng khát vọng làm giàu và con người có quyền, có vinh dự làm giàu, đừng để những người tài như Nguyễn Hà Đông phải đăng ký kinh doanh ở Singapore vì ở trong nước không làm được.
Đã đến lúc chúng ta từ bỏ nỗi sợ mơ hồ về "địa chủ, tư sản". Đã đến lúc ta bỏ tính soi mói, soi xét sự làm giàu một cách ác cảm. Trong thế giới hôm nay, người giàu cũng đã khác nhiều, thanh niên nào được đầu quân làm thuê cho Bill Gates, Mark Zuckerberg mà không cảm thấy vinh dự? Bill và Mark cũng đã tuyên bố hiến gần như toàn bộ tài sản kếch sù của mình vì sự tiến bộ và phát triển của nhân loại.
Đổi mới tư duy nhận thức, đổi mới hệ thống chính sách, đổi mới cách tổ chức quản lý và điều hành kinh tế xã hội là điều Đảng ta đang thực hiện theo tinh thần nghị quyết Đại hội XII để đưa đất nước ta phát triển cùng thời đại.
Theo Phương Loan
Zing/CafeF