Kết quả rà soát các khoản thu phí, lệ phí với phương tiện ra vào cửa khẩu dọc tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc mới đây của các cơ quan quản lý đang cho thấy có không ít khoản thu rất bất hợp lý.
Đích ngắm 1 triệu doanh nghiệp: Cần lượng hay cần chất?
- Cập nhật : 04/07/2017
Tỉ lệ 10 doanh nghiệp khai sinh thì 9 doanh nghiệp khai tử là minh chứng cho thế yếu nhiều mặt của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Chỉ cần 1/4 trong số hộ sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi sang doanh nghiệp, hơn 1 triệu doanh nghiệp sẽ xuất hiện ngay như một phép màu. Tuy nhiên, liệu đây có phải là một lựa chọn thông minh?
Mục tiêu không khó
Số liệu của Tổng cục Thống kê quý I/2017 thể hiện tỉ lệ 10 doanh nghiệp khai sinh thì 9 doanh nghiệp khai tử là minh chứng cho thế yếu nhiều mặt của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Thực trạng này không có gì khó hiểu bởi doanh nghiệp không được tạo nội lực, chưa có động lực về công nghệ... Bức tranh buồn không kém ở khối doanh nghiệp nhà nước khiến mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 gặp rất nhiều hoài nghi. Làm cách nào để đạt được con số này và số lượng có đi đôi với chất lượng?
Chưa đầy 1 năm sau khi mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 được đưa ra, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức được thông qua. Một điểm đáng chú ý của luật này là hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích kinh tế hộ gia đình trở thành doanh nghiệp. Ngoài những ưu đãi về vốn vay và sự hỗ trợ về thông tin, doanh nghiệp chuyển đổi sẽ nhận được quyền lợi về quảng bá hình ảnh, không bị thanh kiểm tra trong 1 năm. Phải chăng đây là lời giải cho bài toán đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp?
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từ năm 2014, tổng số hộ sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp trên cả nước là 4,658 triệu hộ. Nếu lạc quan và tự tin có thể nhận thấy, chỉ cần 1/4 trong số hộ sản xuất kinh doanh cá thể nói trên chuyển đổi sang doanh nghiệp, hơn 1 triệu doanh nghiệp là một thực tế chắc chắn. Đây đều là những doanh nghiệp đã có nguồn thu tương đối ổn định. Mũi tên bắn đi có thể trúng cả 2 đích, bởi lẽ trở thành doanh nghiệp đồng nghĩa với việc phải thực hiện những nghĩa vụ đóng góp ngược lại cho ngân sách nhà nước.
Vấn đề được đặt ra tiếp theo là, làm sao để các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp? Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, cả chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Kinh tế và Quản lý TP.HCM, đều thẳng thẳn cho rằng, ở thời điểm hiện tại, không nhiều hộ kinh doanh cá thể muốn trở thành doanh nghiệp. Nguyên nhân, theo cả hai vị chuyên gia, là do môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa khuyến khích kinh tế hộ gia đình trở thành doanh nghiệp. Nói một cách đơn giản, dù có vui vẻ thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về thuế, gánh nặng chi phí không chính thức, áp lực thanh tra kiểm tra... vẽ ra trước mắt họ vô số những khó khăn và rủi ro.
Cái được thấy rõ nhất trong lựa chọn này là vốn. Khả năng tiếp cận tín dụng sẽ tạo ra một sức hút rất lớn chỉ trong trường hợp kinh tế đang phát triển tốt, cơ hội về sản phẩm và thị trường đều rộng mở. Vì thế, lựa chọn không lên doanh nghiệp của nhiều chủ thể kinh tế hộ gia đình không có gì là khó hiểu. Tất nhiên, một yêu cầu hành chính từ phía các cấp quản lý, ví dụ, thay đổi định danh của các chủ thể kinh tế có thể buộc bộ phận kinh tế trên thành doanh nghiệp. Thế nhưng, đây là quyết định ảnh hưởng tới việc làm của xấp xỉ 8 triệu lao động. Nói cách khác, mọi biến động xấu ở khu vực này có thể gây ra những hệ lụy khôn lường.
Cần một cuộc đại phẫu thuật
Số liệu thống kê tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm của Việt Nam vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đồng thời đứng đầu về thâm hụt thương mại. Nhập siêu của Việt Nam với Hàn Quốc ở mức 12,96 tỉ USD, với Trung Quốc 11,5 tỉ USD.
Thâm hụt thương mại với Trung Quốc thể hiện thực tế, đa phần nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp có xuất xứ từ Trung Quốc. Còn đối với Hàn Quốc, buộc phải thừa nhận, thành tích xuất khẩu của Samsung hay các doanh nghiệp FDI công nghệ cao Hàn Quốc cũng chỉ là cách nói đẹp lòng nhau. Khi doanh nghiệp Việt mới tham gia ở việc làm bao bì, phần được lớn nhất của Việt Nam ở khâu gia công. Trong sức ép như vậy, có 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020 có phải cách thức củng cố sức mạnh của khối doanh nghiệp Việt Nam?
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu quan điểm, một nền kinh tế chỉ có những nguồn lực nhất định về không gian chính sách, tiếp cận tín dụng... Càng nhiều doanh nghiệp trông vào đó, cơ hội của các doanh nghiệp mới thành lập càng ít đi. Tư duy nên là làm sao để doanh nghiệp lớn lên, từ đó giúp cho nền kinh tế trưởng thành, chứ không nên chỉ chú trọng vào số lượng doanh nghiệp. Vị chuyên gia khuyến nghị, song song với việc đặt mục tiêu số lượng doanh nghiệp, phải bổ sung thêm một mục tiêu nữa là tạo nên những doanh nghiệp thật sự lớn.
Kẽ hở trong lập luận này là việc cạnh tranh với càng nhiều chủ thể kinh tế bình đẳng sẽ càng khiến những doanh nghiệp trụ lại được thị trường vững vàng hơn. Với cách thức như vậy, 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trên thị trường như mục tiêu năm 2020 sẽ thật sự là những ‘’chú lính chì’’, tạo lực đẩy lớn cho nền kinh tế. Vị chuyên gia bỏ qua khía cạnh này, dường như đơn giản bởi, chọn lọc tự nhiên giữa các chủ thể kinh tế bình đẳng chưa tồn tại. Trong nền kinh tế hiện nay, chọn lọc quan hệ là xu hướng thời thượng.
Thể hiện quan điểm tương tự, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, khi lãi suất quá cao, chi phí vận tải quá cao..., sự thành công của những doanh nghiệp đầu tư vào các mối quan hệ thân hữu, khai thác những sở hở về chính sách... đồng thời cũng triệt tiêu sức tồn tại của phần doanh nghiệp còn lại. Mặt khác, khi không thể kiếm lợi từ các quan hệ thân hữu, doanh nghiệp mới có động lực đầu tư vào khoa học công nghệ, góp phần tạo nên sự thay đổi về chất của khu vực sản xuất công nghiệp.
Việc cần làm đầu tiên, nếu thực sự quan tâm đến 2 phản biện nói trên, là cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế. Khi Nhà nước mở rộng cửa cho tư nhân, không còn ưu ái, quan hệ trong các lĩnh vực mà tư nhân có thể làm và làm rất tốt, vấn nạn “đầu tư thân hữu’’ mới hy vọng bị dẹp bỏ. Đây sẽ là một cuộc đại phẫu rất đau đớn, động chạm tới quyền lợi của rất nhiều người nhưng không thể không làm. Bởi nói như chuyên gia Lê Đăng Doanh, “nếu cứ để như thế hiện nay thì không thể kinh doanh được”.
Hoàng Hạnh
Theo Nhipcaudautu.vn