tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Việt Nam giữa ranh giới công xưởng và gia công

  • Cập nhật : 18/07/2017

Quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI có thể khiến Việt Nam có hai nền kinh tế và khó thoát khỏi mô hình kinh tế gia công với nhiều hệ lụy.

Dù được dự báo sẽ trở thành một “công xưởng mới” tại châu Á nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang ở tầng thấp trong chuỗi giá trị vì nặng về mô hình sản xuất gia công.

Đường cong cười và đôi giày Nike

Tháng 2.2016, vài chục ngàn công nhân nhà máy Pou Chen đình công phản đối chế độ lương thưởng bất hợp lý. Trong số các đơn vị truyền thông đưa tin có Reuters, Telegraph, CNN... Cuối tháng 4.2017, Tập đoàn Pou Chen ký hợp đồng đầu tư thêm nhà máy trị giá 20 triệu USD tại Khu Công nghiệp Tân Tạo. Cuối tháng 5.2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gây sốt trên các trang truyền thông Việt Nam với hình ảnh minh họa lợi nhuận của Việt Nam trên 1 chiếc giày Nike có giá 100 USD chỉ ở mức 22USD, cho rằng người Mỹ hưởng lợi hơn Việt Nam rất nhiều.

Cuối tháng 6.2017, một số báo trích dẫn các trường hợp người lao động lớn tuổi tại các doanh nghiệp FDI (trong đó có Pou Chen) được khuyến khích nghỉ sớm bằng các khoản thưởng nghỉ việc. Lý do được phân tích là do sự chênh lệch trong mức lương của lao động lâu năm và lao động mới. Bốn sự kiện này đều liên quan đến hệ quả tất yếu của một Việt Nam “lọt bẫy” giá trị gia tăng thấp trong ngành da giày. Đáng nguy ngại hơn là không chỉ ngành da giày mà còn nhiều ngành khác như dệt may, điện tử, những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao mà Việt Nam luôn lấy làm tự hào, đều theo vết xe đổ của ngành da giày.

nganh det may cua viet nam chua tham gia chuoi cung ung gia tri cao, chu yeu la lam gia cong. anh: truong nikon

Ngành dệt may của Việt Nam chưa tham gia chuỗi cung ứng giá trị cao, chủ yếu là làm gia công. Ảnh: Trường Nikon

“Đường cong cười” là một khái niệm được Stan Shih, nhà sáng lập Công ty Acer có trụ sở chính tại Đài Loan, sử dụng để chỉ ra rằng các hoạt động lắp ráp, xử lý linh kiện máy tính là hoạt động mang giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành. Vì lý do này mà Acer cần lập chiến lược để di chuyển dần lên các phân khúc khác của chuỗi giá trị như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu và marketing. Chỉ khi thoát khỏi vùng trũng của đường cong này, Acer mới có thể thoát khỏi số phận là một đơn vị chuyên lắp ráp các linh kiện của máy tính được nhập khẩu bởi các công ty như Intel, HP. Lúc bấy giờ, ngành công nghiệp máy tính của Đài Loan tăng trưởng mạnh, với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng, thu hút nhiều dự án đầu tư của những hãng sản xuất máy tính hàng đầu trên thế giới.

Sở dĩ Đài Loan đạt được những bước phát triển trong ngành máy tính như vậy là do chi phí nhân công khá rẻ (lúc bấy giờ) so với chất lượng nhân công cao, được đào tạo. Stan Shih đưa ra những lập luận như vậy có thể được cho là quá bi quan. Tuy nhiên, thực tế là chỉ một vài năm sau, hoạt động lắp ráp, sản xuất đã được dịch chuyển sang Trung Quốc, tự nhiên và tất yếu như việc hoạt động lắp ráp, sản xuất dịch chuyển từ Nhật sang Đài Loan.

Viet Nam giua ranh gioi cong xuong va gia cong

Hơn 25 năm sau, bài học này là quá rõ ràng tại Việt Nam. Trong chuỗi giá trị ngành da giày thế giới, Việt Nam đóng vai trò công xưởng, với hoạt động chủ lực và thế mạnh là cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành chiếc giày. Mặc dù là một nước có sản lượng cao về cao su (nguyên liệu có thể dùng làm đế giày), da và vải (nguyên liệu có thể dùng làm thân giày), Việt Nam không thể sản xuất được những cấu phần này trong nước đủ tinh xảo và đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nguyên liệu hầu hết đều được các công ty nước ngoài như Decathlon, Pou Chen nhập về.

Bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng không hưởng hết giá trị của hoạt động cắt, may, dán, đóng này. Các doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan như Pou Chen, Feng Tay, với hàng loạt các siêu nhà máy có sức chứa mấy trăm ngàn công nhân. Doanh nghiệp nội địa Việt Nam làm hàng xuất khẩu có thể tạm kể tên là Giày Thái Bình (TBS), Bình Tiên (Biti’s), Nam Bình (Prowin) với quy mô không thể so sánh được với các doanh nghiệp FDI và thị phần ngày một giảm. Một số chính sách ưu đãi thuế cũng đã giúp Việt Nam trở thành công xưởng lớn khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu da giày, dệt may về 0%. Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, khi đánh giá về dự thảo Quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, cũng chỉ ra thực trạng là phần lớn sản lượng xuất khẩu da giày đến từ khối FDI có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc; các doanh nghiệp nội địa không hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do.

Một khi Việt Nam chỉ được xem như một công xưởng với nhân công rẻ, thuế ưu đãi, thì mục tiêu của những nhà đầu tư FDI chỉ giới hạn ở việc tối ưu hóa chi phí của công đoạn sản xuất tại Việt Nam, mà ở đây có nghĩa là thay thế lao động có tay nghề, làm việc lâu năm, lương và chế độ cao với nhân viên mới, trẻ, có sức khỏe, chỉ tốn 2-3 tháng để huấn luyện kỹ năng. Thứ hai là xu hướng rời bỏ Việt Nam của các ngành khi giá nhân công của Việt Nam không còn rẻ so với năng suất lao động, hay do các chính sách ưu đãi thuế không còn. Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), nhiều đơn hàng dệt may, giày thể thao đã dịch chuyển về các nước như Myanmar, Campuchia, Bangladesh và các nước châu Phi, nhiều công ty FDI đang đầu tư ở Việt Nam cũng mở các nhà máy nhỏ và vừa ở các nước lân cận có chi phí nhân công thấp hơn, luật lao động lỏng lẻo hơn.

Viet Nam giua ranh gioi cong xuong va gia cong

Khi mở cửa thị trường, Chính phủ đã không kịp cho các cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất đối với các doanh nghiệp nội địa, bản thân các doanh nghiệp nội địa cũng không tìm hiểu bài học lịch sử của các nền kinh tế như Đài Loan, Hàn Quốc đã từng là các phân xưởng lớn của thế giới một vài thập niên trước. Mặt khác, các doanh nghiệp nội địa phần lớn đã quá chủ quan khi đơn hàng về dồn dập, thiếu tầm nhìn 10-20 năm, để đưa ra các chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp nhằm làm chủ thị trường trong 1-2 thập niên tới.

Tại thời điểm này, chỉ có một hai doanh nghiệp nội địa bắt đầu đầu tư cho các công đoạn khác của chuỗi giá trị như Biti’s với dòng sản phẩm Hunter. Dù vậy, Biti’s chỉ mới dừng lại ở việc xây dựng thương hiệu, còn về mặt công nghệ vẫn “ăn theo” công nghệ Flyknit của Nike, đặt lại thành Liteknit. Cầm một đôi Biti’s Hunter Liteknit trên tay vẫn thấy khác đẳng cấp so với một đôi Nike Flyknit. Tuy nhiên, Biti’s vẫn là một trường hợp rất thành công trong ngành. Bằng việc đầu tư thương hiệu, thiết kế, R&D, Biti’s xây dựng tương lai của mình khi nhân công Việt Nam không còn rẻ bằng cách hướng nội, phục vụ thị trường trong nước. Có thể trong tương lai, chính Biti’s có thể xây dựng các công xưởng tại Myanmar, Campuchia và xuất khẩu giày mang thương hiệu Biti’s sang các nước này.

Mô hình công xưởng hay gia công?

Những lo ngại về sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào khu vực có vốn FDI tiếp tục được đặt ra trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II của Viện Nghiên cứu Chính sách Phát triển công bố ngày 10.7. Xuất khẩu của khối FDI nửa đầu năm 2017 chiếm tới 72,4% tổng kim ngạch, tương tự như bức tranh xuất khẩu năm 2016 với con số 70,2%. Ngay cả những ngành được đánh giá công nghệ cao như điện, điện tử, điện thoại thực chất Việt Nam cũng chủ yếu là gia công và doanh nghiệp nội đóng góp ở mức thấp nhất trong chuỗi giá trị.

Đáng lưu ý, ngoài nguy cơ phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI hay hai nền kinh tế trong một quốc gia, cũng có những yếu tố mới xuất hiện rất cần được làm rõ. Một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian vừa qua là đã có những động thái đầu tiên về việc xem xét, điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện, phụ tùng ô tô. Theo lý luận của các nhà sản xuất, trước mức giá cạnh tranh của dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc khi những hàng rào thuế quan lần lượt được gỡ bỏ theo cam kết của Việt Nam, ưu đãi việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô sẽ tạo điều kiện để họ giảm giá thành, tăng khả năng tồn tại.

san xuat giay dep chu yeu theo hinh thuc gia cong xuat khau, mau ma san xuat theo chi dinh cua khach hang. anh: quy hoa

Sản xuất giày dép chủ yếu theo hình thức gia công xuất khẩu, mẫu mã sản xuất theo chỉ định của khách hàng. Ảnh: Quý Hoà

Sẽ không có gì đáng nói nếu theo số liệu của cơ quan thống kê, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu về 3,32 tỉ USD từ xuất khẩu phương tiện vận tải và linh phụ kiện ôtô. Khi các nhà sản xuất linh kiện ôtô Việt Nam đã có và tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở cơ hội nhập khẩu linh phụ kiện ôtô từ nước ngoài sẽ đồng nghĩa với việc khép bớt cánh cửa xuất khẩu tại chỗ của nhóm doanh nghiệp này. Dù gì các doanh nghiệp lớn trong ngành ôtô này đều muốn tiêu thụ linh phụ kiện từ chính doanh nghiệp thuộc tập đoàn của họ.

Tất nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn đang dò dẫm tham gia vào chuỗi công nghiệp phụ trợ nhưng mọi cánh cửa hầu như đóng chặt. Cần nhắc thêm rằng, phát triển công nghiệp phụ trợ là yêu cầu được đặt ra từ hàng chục năm nay và chúng ta cũng chưa bao giờ có ý định từ bỏ mục tiêu trên. Dường như trong trường hợp này, nguyên nhân không chỉ nằm ở quan điểm ưu đãi doanh nghiệp FDI. Việc hãng xe Nhật Toyota đã hơn một lần dọa muốn rút khỏi Việt Nam để được thêm các ưu đãi chứng tỏ khi đã ý thức được đóng góp của họ trong nền kinh tế sở tại, họ không cần cân nhắc phải kiêng nể điều gì nữa. Có thể dự đoán những yêu sách như trên sẽ không dừng lại.

Một con số đáng lưu ý là Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) vừa công bố số liệu cho thấy Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành nước mang về nhiều lợi nhuận hơn cho các doanh nghiệp Nhật. Số liệu của BoJ cho thấy vốn FDI của Nhật vào Việt Nam đem lại nguồn thu 198,1 tỉ yen (1,74 tỉ USD) trong năm 2016, tăng 70% so với năm 2014, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam gia tăng và nền kinh tế Việt Nam đi lên.

Viet Nam giua ranh gioi cong xuong va gia cong

Khác với mô hình nền kinh tế công xưởng (điểm tựa để phát triển công nghệ phụ trợ), nền kinh tế gia công như Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài và nhằm phục vụ nhu cầu của nước ngoài. Mô hình này không những phải nhập khẩu nguyên vật liệu mà còn có thể lại phải vay mượn nhiều để xây dựng nhà máy và bán khoáng sản để trả nợ. Nền kinh tế gia công đòi hỏi quá nhiều đầu tư cho một giá trị gia tăng tạo thành GDP. Đây cũng là lý do mà tỉ lệ ICOR, tức là tỉ lệ đầu tư trên GDP ở Việt Nam ngày càng tăng. Chỉ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2010-2015 là 4,57. Nghĩa là để làm ra một đồng sản phẩm, Việt Nam phải đầu tư hơn rất nhiều, từ 40-80% so với Trung Quốc hay Hàn Quốc. So sánh với các nước trong khu vực, ICOR của Việt Nam chỉ tương đương với Malaysia, cao hơn Myanmar, Philippines và Campuchia.

Cũng có ý kiến cho rằng việc gia công là hội nhập sâu hơn vào chuỗi phân công lao động toàn cầu và những nước đi sau như Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi này. Nhưng có thể thấy, dù khoác chiếc áo đẹp đến thế nào cho những lời hứa chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI, thực tế là lao động Việt Nam chỉ gia công đơn giản và nhiều nhà đầu tư chỉ cần nhân lực ở giai đoạn sung mãn nhất, hiệu quả sử dụng cao nhất. Khi khu vực kinh tế trong nước đang vật lộn với khó khăn, cử nhân thất nghiệp phải giấu bằng xin đi làm công nhân, họ vẫn có quá nhiều lựa chọn. Thảm đỏ FDI dường như đã bỏ qua những ràng buộc về quyền lợi được làm việc và được nâng cao trình độ thích hợp với những công việc kỹ thuật cao.  Theo dự báo của World Bank, trong 18-20 năm nữa, Việt Nam sẽ bước qua giai đoạn dân số vàng. Nếu không có những điều chỉnh kịp thời, người lao động sẽ gánh hậu quả, chính xác phải nói là nền kinh tế Việt Nam sẽ gánh hậu quả.

Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh với NCĐT, đừng coi doanh nghiệp FDI là “tội đồ”. Ông dẫn chứng, Singapore đạt được sự phát triển thần kỳ với thu nhập bình quân đầu người hơn 80.000 USD/năm, một phần lớn nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI. Đến năm 2016, quốc đảo này vẫn đứng thứ 5 thế giới khi thu hút được 50 tỉ USD vốn FDI. Như vậy, có thể hiểu rằng, vấn đề cốt lõi nằm ở câu hỏi khó: Việt Nam hấp thụ nguồn đầu tư từ nước ngoài như thế nào? Khi tham gia cuộc chơi chung, chúng ta có thể cung cấp rất nhiều dịch vụ như logistics, quảng cáo, thực phẩm… và có thể tiếp thu kinh nghiệm về sản xuất và quản lý. Chơi với các đối tác lớn nhưng không học được gì mà còn chịu thua thiệt, trước hết, chúng ta phải tự trách mình.

Trong khi đó, trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương), thừa nhận, những ưu đãi vô tiền khoáng hậu cho doanh nghiệp FDI đã làm giảm cơ hội tồn tại của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Song song với đó, năng lực sản xuất trong nước tiến bộ tương đối chậm chạp đã không đi theo kịp tốc độ mở cửa các quan hệ giao thương, tạo sức ép ngược khiến doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó khăn.

“Hàng hóa của doanh nghiệp FDI xuất khẩu được bởi hai yếu tố chất lượng và thương hiệu. Để làm được như vậy, doanh nghiệp Việt phải tham gia vào chuỗi sản xuất, thực hành đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tham gia xuất khẩu cùng với họ với giá trị gia tăng ban đầu có thể rất thấp. Chúng ta buộc phải chấp nhận tiến từng bước một, từ các nhà cung cấp cấp 4, cấp 5, tiến tới cấp 2, cấp 1, từng bước dù chậm vẫn còn hơn không có. Đường thiên lý bước từng bước một…’’, Tiến sĩ Dương Đình Giám nhấn mạnh. Việc tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Việc quá phụ thuộc vào khu vực FDI sẽ có rất nhiều rủi ro khi những lợi thế của nền kinh tế không còn, dòng vốn FDI có thể dịch chuyển sang nước khác.
 

Như Thọ - Hoàng Hạnh
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục