Tỉ lệ 10 doanh nghiệp khai sinh thì 9 doanh nghiệp khai tử là minh chứng cho thế yếu nhiều mặt của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Để doanh nghiệp Việt không thua trên sân nhà
- Cập nhật : 18/09/2015
(Doanh nghiep)
Vi phạm pháp luật trong việc đấu thầu nếu không được xử lý rốt ráo sẽ khiến nhiều DN ngành cơ khí bị thua ngay trên sân nhà.
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các DN trong nước vẫn đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa để được “ưu tiên” sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi sản phẩm của DN Việt đã đạt chất lượng lẫn giá cả cạnh tranh thì họ vẫn khó được “ưu tiên” khi mà đó dây vẫn còn có sự phân biệt đối xử về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Hàng rào kỹ thuật ở… sân nhà
Câu chuyện của ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai là ví dụ cho thấy sự thua thiệt của hàng “made in Việt Nam” ngay trên chính sân nhà của mình.
Ông Trọng chia sẻ rằng, tại các gói thầu mà Sáng Ban Mai tham gia dự thầu bằng sản phẩm SBMPOWER®, giá dự thầu luôn rẻ hơn sản phẩm nhập nguyên chiếc từ 15-30% và đảm bảo chất lượng như sản phẩm nhập khẩu từ các nước G7 vì thiết bị và công nghệ như nhau.
Tuy nhiên, với cách lập hồ sơ mời thầu của các chủ đầu tư có quy định: “Chủng loại hàng hóa phải được sản xuất và nhập khẩu đồng bộ (C/O phải do phòng thương mại của nước sở tại cấp” và nguồn gốc xuất xứ tại các nước thuộc G7 (hệ số K1 1,0), tại các nước thuộc EU, Singapore (trừ G7 - hệ số K1 1,05) và tại các nước Trung Quốc và các nước còn lại (hệ số K1 1,4)... với yêu cầu như vậy dù sản phẩm của DN Việt có tốt, có rẻ bao nhiêu, thì cũng bị loại ngay từ đầu.
Biết được thông tin này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lập tức yêu cầu Cục Quản lý đấu thầu thanh, kiểm tra, xử lý ngay những trường hợp mà ông Trần Thành Trọng phản ánh. Kết quả chỉ đạo của vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư đã cho ra kết luận số: 5580/BKHĐT-QLĐT về việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước sản xuất được tại một số gói thầu cung cấp máy phát điện công nghiệp thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Theo kết luận này, qua kiểm tra các gói thầu cung cấp máy phát điện công nghiệp (của các chủ đầu tư: Bệnh viện tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Chỉ sợi Cao su V.R.G SA DO, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1…) cho thấy, hầu hết các chủ đầu tư đều không có chuyên môn về đấu thầu, quản lý dự án, do đó đều thực hiện thuê tư vấn quản lý dự án và tư vấn đấu thầu để thực hiện lựa chọn nhà thầu.
Hơn nữa, năng lực của các đơn vị tư vấn còn yếu và có dấu hiệu không tuân thủ quy định trong quá trình lựa chọn nhà thầu, không đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc cạnh tranh…
Lộ rõ vi phạm pháp luật về đấu thầu
Việc đưa các nội dung yêu cầu về xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đã tạo lợi thế cho một số nhà thầu, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác, không đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trong đấu thầu. Đây là hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, điểm i khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 hoặc vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị định 85/2009/NĐ-CP,..
Hỗ trợ sản xuất trong nước phát triển bằng những chính sách, chương trình cụ thể là chủ trương đúng đắn mà Chính phủ đã thực hiện từ nhiều năm qua.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu có mục ưu đãi đối với sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai các chủ trương, chính sách này lại chưa được như mong muốn. Hàng loạt các chủ đầu tư vẫn có sự phân biệt đối xử với sản phẩm trong nước để ưu tiên cho hàng nhập ngoại khi đấu thầu.
Không chỉ Công ty Sáng Ban Mai, một số DN sản xuất thiết bị máy móc công nghiệp khác như: Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam; công ty Cổ phần Điện Trường Giang,… đang chịu chung số phận bị phân biệt đối xử khi tham gia đấu thầu cung cấp máy móc thiết bị cho các dự án trong nước.
Ai cũng biết, cơ khí là ngành khoa học cơ bản, là nền tảng của các ngành công nghiệp khác. Thế nhưng, khi ngành này không thể “ngóc đầu lên được” vì bị phân biệt đối xử, sẽ dẫn đến hệ quả là sản xuất trong nước bị phụ thuộc ngày càng lớn vào nhập khẩu. Mà như vậy, DN trong nước sẽ không thể lớn lên được và bị thua thiệt trong cạnh tranh ngay trên sân nhà của mình.
Nói như ông Trần Thành Trọng: “Không có cơ hội thắng trên sân nhà, chúng tôi rất bức xúc. Không cần ưu đãi, chỉ cần chúng tôi được đối xử bình đẳng đã tốt lắm rồi!”.
Từ câu chuyện của Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai và kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kể trên, hy vọng cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp hữu hiệu nhất hỗ trợ DN không thua trên sân nhà trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do mở toang cánh cửa hội nhập đang được tính bằng ngày.