Rất nhiều các hãng sản xuất lớn của Nhật Bản hoàn toàn trông cậy vào việc nhập khẩu linh phụ kiện từ khu vực miền nam Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cần dồn sự chú tâm vào việc nuôi dưỡng các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất được linh phụ kiện thay vì phải nhập từ Trung Quốc - đại diện JETRO cho biết.
Chuyên gia kinh tế Mỹ: Việt Nam học được gì từ bất ổn kinh tế Trung Quốc
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Là quốc gia có quan hệ kinh tế gắn bó với Trung Quốc, Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng và cần những biện pháp phòng vệ sớm, theo tiến sĩ David Dapice, Đại học Harvard.
Thị trường chứng khoán bất ổn, đồng nội tệ hạ giá, tăng trưởng thương mại và công nghiệp chậm hơn dự kiến là những dấu hiệu đáng báo động cho Trung Quốc. Nhiều người băn khoăn Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những gì tiếp theo và Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào. Tiến sĩ David Dapice, chuyên gia kinh tế nghiên cứu về Việt Nam tại trường Đại học Harvard (Mỹ) đã có bài viết chia sẻ với độc giả VnExpress về chủ đề này.
Trung Quốc đang trong thời kỳ chuyển mình từ nền kinh tế định hướng đầu tư và xuất khẩu sang tập trung vào chi tiêu cá nhân và dịch vụ. Mức tiêu thụ điện giữ nguyên, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và doanh thu ô tô giảm; nhiều ngành công nghiệp và bất động sản đạt thặng dư. Tăng trưởng GDP chỉ đạt 7%. Một số nhà phân tích cho đây là kết quả của quá trình chuyển đổi sang chú trọng dịch vụ, một ngành tiêu thụ ít năng lượng, trong khi những người khác nghĩ đây là dấu hiệu của tăng trưởng sụt giảm suy thoái.
Một điều không thể chối cãi là nợ đang tăng nhanh hơn thu nhập. Năm 2007, tổng nợ trên GDP của Trung Quốc là 158%, tới năm 2014 con số này đã tăng lên 286%, theo báo cáo của McKinsey.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cho rằng thị trường chứng khoán bùng nổ sẽ tạo hiệu ứng tích cưc và kích thích tiêu dùng. Họ làm nóng thị trường bằng chính sách tín dụng dễ dàng để ai cũng có thể vay tiền mua cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài thì khó khăn hơn, chỉ sở hữu chưa tới 5%. Điều này khiến giá giảm mạnh, thậm chí cả khi chính phủ đã tiến hành thu mua, ngừng chào bán cổ phiếu, cảnh cáo những người bán khống, ngăn chặn các cổ đông bán cổ phiếu và nới lỏng chính sách tiền tệ. Những việc làm này đi ngược lại với mục đích của cải cách là đưa nền kinh tế theo định hướng thị trường.
Những thất bại này dấy lên mối nghi hoặc về năng lực của Chính phủ. Luồng vốn ra khỏi thị trường, dù vẫn nằm trong kiểm soát, đã đạt mức 150 tỷ USD trong quý hai và còn tăng cao hơn tại thời điểm hiện tại. Việc phá giá đồng Nhân dân tệ cũng không giúp cải thiện tình hình, dù có thể lý giải rằng việc điều chỉnh đồng Nhân dân tệ là hợp lý và đã được tính toán trước. Thêm vào đó, việc thả nổi giá cho thấy giá chứng khoán khiến nhiều người sẽ thấy đây là một chính sách rủi ro và hỗn loạn - chứng tỏ rằng kinh tế nước này đã bị mất kiểm soát.
Sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán thời gian qua là hồi chuông báo động cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Mxtrade
Thông tin sai lệch (khai gian từ cấp địa phương khiến các chuyên gia thống kê cấp trung ương không nắm rõ được những gì đang diễn ra) và việc giữ bí mật các chính sách sắp được ban hành khiến tình hình càng khó nhận định và phán đoán. Hơn nữa, nhiều biện pháp có xu hướng lờ đi các chính sách và tập trung chủ yếu vào nguồn lực trên thị trường. Điều này thường dễ gây ra nhầm lẫn.
Mặt khác, Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, cho phép cắt giảm lãi suất và thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, đặc biệt trong kiểm soát ô nhiễm và điều tiết giá nhà đất. Những ngân hàng với khoản nợ xấu vẫn có thể được giải cứu. Không dễ để thực hiện cải cách với một nền kinh tế lớn như vậy, nhưng cũng không có nghĩa là tổng sản lượng sẽ giảm, dù vẫn không thể loại trừ khả năng. Một điều gần như chắc chắn là tăng trưởng sẽ còn xuống dưới mức 6-7%. Nếu chỉ là tạm thời thì cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng tăng trưởng giảm có thể dẫn đến các cuộc đấu đá chính trị, gây bất lợi cho đầu tư và tổn thương nền kinh tế.
Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam? Chiến lược phát triển của Việt Nam nhằm vào ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp và tỷ giá tương đối ổn định, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thúc đẩy xuất khẩu. Đây là một khởi đầu tốt nhưng chưa đủ. Khu vực tư nhân còn yếu, các doanh nghiệp mới chỉ ở quy mô nhỏ và vấp phải rất nhiều khó khăn. Có rất ít tổ chức có chức năng giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ tìm ra giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề sản xuất hoặc tiếp cận nhu cầu ở thị trường nước ngoài. Nhiều công ty dựa vào các mối quan hệ, thương vụ bất động sản và lợi nhuận ngắn hạn thay vì đầu tư dài hạn để tích lũy tài sản bền vững và khả năng tạo dựng giá trị.
Nhưng đây cũng không hoàn toàn là lỗi của họ. Bất động sản thì đắt đỏ. Tín dụng dài hạn với lãi suất hợp lý rất hiếm. Thủ tục hành chính phức tạp và dài dòng. Khu vực doanh nghiệp cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa với Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ thay vì quản lý. Khu vực nhà nước cần tăng tính cạnh tranh và tự dỡ bỏ các đặc quyền về bất động sản, vốn và hợp đồng.
Nông nghiệp cũng cần được chuyển đổi từ tập trung vào số lượng sang chất lượng, để đáp ứng tiêu chuẩn của các nước lớn. Khó khăn về sinh thái sẽ ngày càng lớn, đòi hỏi nhiều nỗ lực để giải quyết. Các chính sách và luật về đảm bảo trong sở hữu nhà đất cũng cần cải thiện.
Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn của Việt Nam, nhưng lại không phải thị trường xuất khẩu và nguồn cung FDI lớn. Hàng Trung Quốc vào Việt Nam phần nhiều là hàng trung cấp (như smartphone…) được lắp ráp và xuất đi nhiều nơi. Những vấn đề của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều tới những mặt hàng xuất khẩu. Nếu chi phí lao động tăng, kèm theo vĩ mô bất ổn thì xu hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục.
Suy thoái Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu của Việt Nam sang các nước phát triển. Dù vậy, việc giữ giá tiền đồng và giá cả nội địa ở mức cạnh tranh với Trung Quốc có thể giảm bớt những tác động tiêu cực. So với các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn nếu cải thiện được khả năng cạnh tranh trong các ngành kinh tế chủ đạo.
Biên dịch: Hà Tường
Theo Vnexpress.net