tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bất cập trong đấu thầu các dự án cơ khí: Kỳ 2 – Giải pháp từ “người trong cuộc"

  • Cập nhật : 29/07/2015

(Tin cong nghiep)

Trước những bất cập trong cơ chế đấu thầu, hàng loạt giải pháp đã được cả Bộ Công Thương và các DN cơ khí đưa ra với hi vọng tỉ lệ tham gia vào các dự án sẽ nhiều hơn trong những năm tới.

dn phai day manh viec gioi thieu san pham, hang hoa cua minh tren cac phuong tien thong tin

DN phải đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin

Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh các chính sách của Nhà nước, các DN trong nước phải đẩy mạnh việc giới thiệu rộng rãi sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất trên các phương tiện thông tin và các phương thức khác để các đơn vị có nhu cầu biết, sử dụng. Nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người sử dụng; tăng cường đội ngũ nhân lực trình độ cao, đầu tư trang thiết bị công nghệ và cải tiến quản …

Cơ chế từ… cơ quan chức năng

Trong khi đó, Bộ này cũng đề nghị Nhà nước cần tạo điều kiện tối đa cho các lĩnh vực công nghiệp và tự động hóa phát triển nhằm đổi mới phương thức sản xuất, tạo đà cho ngành sản xuất trong nước phát triển. Trước mắt cần ban hành các chính sách ưu tiên cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt Chỉ thị 494/CT-TTg; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các DN sản xuất và sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được để hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2015.
Bộ KH – ĐT với vai trò là cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực đấu thầu sớm nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 494/CT-TTg theo hướng đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, trong hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa, không được đưa yêu cầu hàng hóa phải nhập khẩu nguyên chiếc… nhằm tránh hạn chế sự tham gia của các nhà thầu là nhà sản xuất, cung ứng trong nước để đảm bảo thúc đẩy sản xuất trong nước…

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, khi cấp phép cho các dự án nhiệt điện, lọc hóa dầu, xử lý hóa chất… nên đưa ra các điều khoản mang tính nghĩa vụ bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa phần nguyên vật tư chính và phần xây dựng hoặc các DN có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn khi tham gia đấu thầu sẽ được áp dụng điểm ưu tiên. Bên cạnh đó, theo quy định của chương trình các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước sản xuất được phải được giao thầu trong nước hoặc chỉ định thầu ký hợp đồng với các nhà cung cấp trong nước về phần sản phẩm đó. Nếu được, Chính phủ nên có chế tài bắt buộc và có cơ chế giám sát để các chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc việc áp dụng các cơ chế chính sách đối với các sản phẩm cơ khí trọng điểm, các dự án điện, lọc hóa dầu, hóa chất… tạo thuận lợi cho các DN trong nước tham gia vào các dự án, phát huy năng lực, thúc đẩy ngành cơ khí phát triển một cách nhanh chóng.

Giải pháp từ DN

Ông Trần Thọ Huy, TGĐ Cty Cổ Phần thang máy Thiên Nam khẳng định, với chất lượng bảo đảm, hoạt động ổn định và độ an toàn cao, nếu các dự án đầu tư công sử dụng hàng Việt, ngoài việc hỗ trợ cho người lao động có việc làm, chắc chắn sẽ tiết kiệm cho ngân sách khoản không nhỏ khi đầu tư và các khoản chi phí bảo trì. “Chính phủ cần có những ràng buộc chặt chẽ hơn trong quy trình đầu tư theo Chỉ thị 494. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp các nhà sản xuất nội địa phát triển để ủng hộ nền sản xuất công nghiệp cơ khí trong nước đi lên trong bối cạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đầy cạnh tranh hiện nay”, ông Huy khẳng định.

Còn ông Nguyễn Ngọc Thông – TGĐ Cty CP Điện Trường Giang (TGE) đề nghị thành lập một ban chuyên trách điều hành giám sát, kiểm tra và tiếp nhận kịp thời các sai phạm trong việc thực hiện các chính sách của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xây dựng được hàng rào kỹ thuật hỗ trợ cho các sản phẩm trong nước sản xuất được, viết hồ sơ thầu theo hướng hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước, tách các sản phẩm mà nhà thầu trong nước thực hiện được thành gói thầu để đấu thầu riêng. Cuối cùng, Chính phủ có chính sách bao tiêu một số sản phẩm mà VN sản xuất đạt chất lượng cao. 

(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục