Theo thống kê, nợ công Việt Nam đã đạt 62,2% GDP, khoảng 126,9 tỷ USD, phần nhiều dùng trong các dự án ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng.
4 thách thức đe dọa đồng bằng sông Cửu Long
- Cập nhật : 24/04/2016
(Tin kinh te)
Toàn cầu hóa kinh tế, tác động kép từ biến đổi khí hậu, phát triển các dự án thiếu trách nhiệm trên dòng Mekong và khai thác bất hợp lý tài nguyên đang đe dọa sự tồn tại của miền Tây.
Các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra nhận định trên khi đánh giá các thách thức đã và đang diễn ra đối với đồng bằng sông Cửu Long.
Vắt kiệt nước vùng trũng để tăng vụ
Nằm ở tận cùng của châu thổ sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long được hình thành khoảng 6.000 năm nay từ trầm tích của dòng sông này chảy ra biển cộng với quá trình biển lùi.
Sau 1975, Việt Nam bắt tay vào quy hoạch và khai thác vùng đất này. Các vấn đề cần hiểu rõ, giải quyết cho được và đúng quy luật để khai thác 3 tiểu vùng "đất rộng người thưa" Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau là: phèn, chua và mặn.
Việt Nam vượt qua khá thành công thách thức này. Cụ thể là sau một thời gian quyết liệt đầu tư khai phá, miền Tây có "vạn lý đường kênh" cho phép ém phèn để canh tác lúa, tháo chua, rửa mặn. Mặt khác, chính quyền và người dân xây dựng nhiều cống ngăn mặn, giữ ngọt và ngọt hóa những vùng nhiễm mặn. Mục đích là để tăng diện tích lúa 2 vụ... Tổng sản lượng lúa năm 1986 của đồng bằng sông Cửu Long khoảng 7 triệu tấn, nay xấp xỉ 25 triệu tấn, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước.
Theo GS Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia), cái giá phải trả cho nỗ lực đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, làm tròn nhiệm vụ "vựa lúa của cả nước" là diện tích rừng tràm biến mất nhanh chóng ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, tại vùng U Minh Thượng và Hạ.
"Các vùng trũng bị chắt nước để tăng vụ, chứa đựng nguy cơ mực nước thủy cấp trong khu vực sẽ hạ thấp khi nước Mekong về đồng bằng không dồi dào như trước", GS Trân nói.
Tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, từ những năm 1990, nhiều địa phương trong vùng, bắt đầu từ An Giang, Đồng Tháp... bao đê vượt lũ để làm lúa vụ 3 với tổng diện tích có khi đến 600.000 ha. "Tăng trưởng được đánh đổi bằng chế độ thủy văn bị xáo trộn bên ngoài đê bao. Bên trong đê thì độ màu của đất giảm sút, môi trường suy thoái", GS Trân chỉ rõ.
Quy hoạch diện tích nuôi tôm 5 năm được các tỉnh ven biển hoàn thành trong một, hai năm. Nhiều cống ngăn mặn bị tháo ra để lấy nước mặn nuôi tôm…. Rừng ngập mặn bị mất dần; đáng quan ngại nhiều nơi trong vùng ngọt hóa, người dân khoan giếng bơm nước ngầm mặn lên nuôi tôm…
Những thách thách đe dọa miền Tây
GS Trân nêu rõ: "Hiện nay và trong thời gian tới, miền Tây phải đương đầu với ít nhất 4 thách thức cấp toàn cầu, khu vực và chính trong sự khai thác của đồng bằng".
Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở miền Tây làm hàng trăm nghìn ha lúa bị thiệt hại. Chuyên gia xác định ngoài biến đổn khí hậu, các đập thủy điện ở Trung Quốc, Lào, Campuchia không thể ngoài cuộc. Ảnh: Cửu Long
Theo đó, biến đổi khí hậu - nước biển dâng và toàn cầu hóa kinh tế - hội nhập quốc tế là các thách thức toàn cầu. Trái đất càng ấm lên, băng tan càng nhanh, đồng bằng sông Cửu Long đối đầu với ngập, lún chìm, bờ biển xâm thực và mặn càng xâm nhập sâu. Trong bối cảnh bị đe dọa như vậy, thách thứ từ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế buộc nền kinh tế đồng bằng sông Cửu Long phải có sức cạnh tranh cao hơn, có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thách thức khu vực là việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ. Trong đó có việc chuyển nước sang lưu vực sông khác và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống trong khi nhu cầu về nước ngày càng gia tăng.
Theo ủy hội sông Mekong, 6 đập thủy điện của Trung Quốc cùng với 11 đập ở hạ lưu vực và 30 đập trên các chi lưu sẽ tích lại một lượng nước của sông Mekong vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3 trong khi nhu cầu về nước trong hạ lưu vực tăng 50% so với năm 2.000.
Các chuyên gia cho rằng, tác động của các đập Trung Quốc đối với trầm tích sông Mekong rất lớn, trong hàng trăm năm. Tổng lượng trầm tích của sông Mekong đổ về vùng châu thổ sẽ bị các đập Trung Quốc giữ lại 1/3-1/2, gây nên thâm hụt cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông và cửa biển…
Sự sạt lở nghiêm trọng ở đê biển Gành Hào, đường phòng hộ ven biển Bạc Liêu vừa qua là một minh chứng của tác động kép lên đồng bằng từ biến đổi khí hậu và khai thác nước ở thượng nguồn... "Tác động kép sẽ mãnh liệt hơn. Đồng bằng đang bị đe dọa trong chính sự tồn tại của mình", GS Nguyễn Ngọc Trân xác định.Theo ông Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia sinh thái vùng đồng bằng sông Mekong, việc mua điện từ hệ thống đập này sẽ đáp ứng 4,4% nhu cầu của Việt Nam đến năm 2025. Tổng lợi ích mà kinh tế Việt Nam có được từ các đập này là 5%. "Các lợi ích mà các đập đem lại cho Việt Nam là hạn chế; trong khi tác động tiềm tàng đối với đồng bằng sông Cửu Long lại rất nhiều; có tính lâu dài và không thể đảo ngược; có thể đe dọa đến sự tồn tại tự nhiên của vùng đất này", ông Thiện nói.
Cùng với việc mất rừng ngập mặn và rừng tràm, khai thác bừa bãi là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của miền Tây. Ảnh: Cửu Long
Ngoài việc mất rừng ngập mặn và rừng tràm, các thách thức địa bàn là việc khai thác tài nguyên bất hợp lý. Việc hút cát sông Tiền, sông Hậu làm nghiêm trọng hơn sự thâm hụt cán cân trầm tích. Khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún kéo theo mực nước biển dâng thực tế nhanh hơn. Phát triển nông nghiệp vẫn thiên nhiều về chiều rộng và số lượng dẫn đến lãng phí tài nguyên, đặc biệt là đất và nước.
Phải xem nước mặn là tài nguyên
Theo các chuyên gia, hơn bao giờ hết trong bối cảnh mới, phải rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phải tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn, mặn. Khai thác nước mặn như một tài nguyên mà nhiều nước đã thành công.
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ khuyến cáo: "Đối với các tỉnh có nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp và một phần tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, thì cần tập trung đầu tư cho cây lúa nhưng sử dụng nước tiết kiệm hơn. Còn vùng mặn thì linh hoạt theo hướng đầu tư cho cây lúa trong mùa mưa và nuôi tôm mùa khô".
Ông Brian Eyler - Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson, Mỹ), cho rằng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long thêm trầm trọng. Nguyên nhân, ngoài việc biến đổi khí hậu, các đập thủy điện ở Trung Quốc, Lào, Campuchia không thể ngoài cuộc.
"Điều hết sức quan trọng là phải tối ưu hóa những sự đánh đổi các dòng lợi ích này trên phạm vi toàn lưu vực, để cho các tác động và lợi ích được chia sẻ một cách công bằng giữa các quốc gia ven sông Mekong và không làm căng thẳng trong khu vực", ông Brian Eyler nói.
"Đã đến lúc 6 nước trong lưu vực sông Mekong phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước. Trong đó, quyền và lợi ích mỗi quốc gia phải di đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác cùng phát triển", GS Nguyễn Ngọc Trân xác định.
Cửu Long
Theo VNexpress