tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhà máy giấy 3.000 tỷ “đắp chiếu”, nghìn nông hộ nuốt trái đắng

  • Cập nhật : 06/07/2016

(Cong nghiep)

Sau 10 năm kể từ ngày khởi công, Nhà máy Bột giấy Phương Nam với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp, cùng với đó là xóa sổ 9.000ha đay...

Nhà máy đắp chiếu

Ngày 4/7, ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, Nhà máy Bột giấy Phương Nam đến nay vẫn chưa được thanh lý và toàn bộ vùng nguyên liệu đay đã bị xóa sổ vì hơn 10 năm nay, nhà máy này không hề hoạt động.

“Toàn bộ nguyên liệu đay nhà máy mua về đã bỏ cho mục, vì sợi đay đưa vào dây chuyền không cho ra giấy dù nhiều lần sửa chữa. Nhà máy này do Trung ương quản lý, vốn vay cũng do Trung ương bảo lãnh và Long An chỉ dự họp để nắm thông tin chứ không quản lý nhà máy” - ông Hồng nói.

nha may bot giay phuong nam tai thoi diem dang xay dung. anh: h.d

Nhà máy Bột giấy Phương Nam tại thời điểm đang xây dựng. Ảnh: H.D

cong trinh co von dau tu hon 3.000 dong da bo hoang, cho thanh ly. anh: h.d

Công trình có vốn đầu tư hơn 3.000 đồng đã bỏ hoang, chờ thanh lý. Ảnh: H.D

Theo hồ sơ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi, tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6, do ông Phan Thanh Nam làm Tổng Giám đốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.487 tỷ đồng. Dự án này được chính quyền Long An và người dân vùng lũ Đồng Tháp Mười kỳ vọng nhiều bởi cây đay rất phù hợp để trồng thay lúa vụ hè - thu. Báo cáo khả thi nêu ra hiệu quả kinh tế của dự án với thời gian hòa vốn là 10 năm 7 tháng. Tháng 3.2006, Tracodi khởi công xây dựng nhà máy, với lời quảng bá “sẽ sản xuất ra loại bột giấy tốt nhất Việt Nam, tương đương chất lượng châu Âu”.

Cùng thời điểm, chính quyền tỉnh Long An cũng nhanh chóng phát động nông dân trồng đay nguyên liệu, với vùng đay chuyên canh gần 9.000ha và được quy hoạch tại 3 huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh. Đến tháng 11.2007, Tracodi có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 2.286 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn tất đầu tư. Tháng 6.2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam chuyển từ Tracodi sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), vốn đội lên thành hơn 3.000 tỷ đồng.

Trong năm 2007-2008, Tracodi đã ký hợp đồng trồng nguyên liệu với nông dân 2 huyện Thạch Hóa và Mộc Hóa với diện tích 450ha - chỉ chiếm 5% diện tích đay của cả vùng. Số lượng đay đã thu mua được là hơn 10.614 tấn đay tươi và hơn 655 tấn đay sợi. Hơn 11.000 tấn đay này được Vinapaco (chủ mới) đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình chạy thử có tải, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn. Trong đó, khâu sản xuất, chế biến nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất là chặt mảnh đã không đạt chất lượng theo yêu cầu.

Vì tắc ngay khâu đầu tiên, nên toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử được. Vinapaco đã mời chuyên gia nước ngoài sang và các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam tham gia khắc phục sự cố trong khâu chặt mảnh. Đồng thời, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo cũng đã tổ chức nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng. Tuy nhiên, tất cả các kết quả nghiên cứu này đều khẳng định: Không có khả năng khắc phục được sự cố, không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.

Vùng đay biến mất

Nhà máy sửa chữa nhiều lần nhưng không một mảnh giấy nào được sản xuất. Lưu kho đến năm 2011, hơn 11.000 tấn đay mục nát, hư hỏng, làm thức ăn cho chuột, dế. Ông Nguyễn Xuân Hồng nói: “Công nghệ không phù hợp. Có sửa chữa hay cải tiến thì cũng không phù hợp”.

Đến tháng 4.2014, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép Vinapaco dừng đầu tư dự án và tiến hành tái cơ cấu toàn bộ dự án. Ngày 12.5.2014, tại Văn bản số 195/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đồng thời giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý với dự án (thanh lý, nhượng bán) trình Chính phủ. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Được - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhà máy này đến nay chưa có ai mua.

Ông Đào Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kiến Tường (huyện Mộc Hóa cũ) nói: “Dân háo hức vì nghĩ rằng cây đay sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo. Nào ngờ ồ ạt trồng không ai mua. Bản thân tôi cũng là người từng vận động dân trồng đay. Nay thì người dân tự an ủi nhau, may mà nhà máy này không hoạt động nên vùng Đồng Tháp Mười không bị ô nhiễm”.

Ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An xác nhận: “Cả tỉnh Long An không còn cây đay nào. Vùng nguyên liệu đay đã bị xóa xổ”.

Ông Phan Thanh Nam (đã nghỉ hưu) cho rằng: “Muốn nhà máy này hoạt động được, thì nên sang Nga mua bột gỗ mềm về làm nguyên liệu. Hiện nay người dân không trồng đay nữa”. Cũng theo ông Nam, trước khi đầu tư làm nhà máy bột giấy, ông có kinh nghiệm làm các công trình xây dựng. Do công ty ông không có tiền nên toàn bộ vốn đều phải đi vay và được Chính phủ bảo lãnh.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục