Ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng trước thách thức vừa bảo đảm đáp ứng đủ nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế, vừa bảo đảm phát triển nền kinh tế bền vững và hội nhập, đó là phát triển kinh tế xanh cho phát triển bền vững.
Báo cáo 2035: VN bị thách thức về kinh tế, dồn ép về xã hội
- Cập nhật : 15/09/2015
(Tin kinh te)
Việt Nam sẽ phải đối diện với những rủi ro lớn về kinh tế, và dồn ép về xã hội - đây là cảnh báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, những người là thành viên xây dựng Báo cáo 2035 mà Ngân hàng Thế giới đang giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện.
Báo cáo này mới ở dạng dự thảo, và rất quan trọng để vạch ra đường hướng phát triển cho Việt Nam với tầm nhìn 20 năm – khoảng thời gian mà một số quốc gia ở Đông Á đã tận dụng được để phát triển vượt bậc.
Thách thức về kinh tế
Những tính toán ban đầu của các nhà kinh tế tham gia viết báo cáo này cho thấy, đây là quá trình không hề dễ dàng về mặt kinh tế.
Tính toán của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho thấy, nếu tăng trưởng 5%/năm thì đến 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 75% GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện nay và bằng 83% GDP bình quân đầu người của Thái Lan hiện nay.
Nếu tăng trưởng 7%/năm từ nay đến 2035 thì đến 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 98% của Malaysia hiện nay và bằng 83% của Trung Quốc hiện nay.
Ông Cung cho rằng, mức tăng trưởng cao 7% là đầy thách thức nếu không tiến hành cải cách hàng loạt các rào cản thể chế với nền kinh tế hiện nay.
Chuyên gia Nguyễn Quang Thái cho biết thêm, Nhóm nghiên cứu “Việt Nam 2035” đã sơ bộ dự tính rằng, GDP bình quân đầu người Việt Nam có thể đạt hơn 10.000 đô la Mỹ/người, hoặc 15.000 đô la Mỹ/người theo sức mua tương đương, tức là đạt tương đương trình độ Malaysia hiện nay.
Malaysia năm 2014 đã đạt bằng mức trung bình thế giới, với GDP bình quân đầu người đạt hơn 10.000 đô la Mỹ/người.
Từ đánh giá trên, ông Thái cho rằng, khi hiện nay GDP Việt Nam mới bằng 20% GDP trung bình thế giới, mà lại mong muốn có thể đạt được tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại là quá tham vọng, và “chưa nhìn thẳng sự thật”.
Mặt khác, bên cạnh chỉ tiêu GDP đã không đạt được, thì các tiêu chí khác về công nghiệp hóa, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại hóa… cũng khó thực hiện để trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.
Ông cho biết, theo tiêu chí kinh tế tri thức (KEI), các năm 2008 - 2012 Việt Nam vẫn đứng thứ 102/103 thế giới.
Ông Thái cho biết, theo dự báo của ADB thì vào năm 2050, Việt Nam trong điều kiện thuận lợi mới có thể gần đạt mức trung bình của thế giới.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sandeep Mahajan đánh giá trong dự thảo báo cáo 2035 rằng, sự phát triển gần đây của Việt Nam đã tận dụng việc tham gia vào các thị trường quốc tế để hỗ trợ cho tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người bền vững và giảm nghèo nhanh chóng.
Tỷ trọng hoạt động thương mại so với GDP của Việt Nam năm 2013 đạt 164%, nằm trong nhóm cao nhất khu vực ASEAN. Từ năm 2000, xuất khẩu hàng hóa sản xuất theo phương pháp công nghiệp của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, đạt tốc độ bình quân danh nghĩa hằng năm là 23%, đạt 94,6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2013.
Ngành công nghệ hiện đang bùng nổ, một phần là nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể từ các công ty công nghệ. Tuy nhiên, phần lớn vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng vận hành một cách khép kín, tạo ra rất ít hy vọng về chuyển giao công nghệ hoặc hiệu ứng lan tỏa xuôi dòng tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông trích dẫn tính toán của nhóm tác giả của Báo cáo 2035, là một nền kinh tế thương mại quy mô nhỏ và ngày càng mở cửa, Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại, ước tính ban đầu cho thấy hiệp định TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm tới 8%.
Dồn ép về xã hội
Tuy nhiên, vẫn ông Sandeep trích dẫn báo cáo, Việt Nam đang trải qua một làn sóng công nghiệp hóa và thay đổi về cấu trúc chưa từng có, đất nước đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”, tạo ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách.
Thanh niên đang rời các vùng quê đến các khu đô thị, rời bỏ nông nghiệp để đến với công nghiệp và dịch vụ. Hiện tượng này đặc biệt không chỉ bởi mức độ hay cường độ sức ép đối với thời gian để phát triển theo tiêu chuẩn trước kia mà còn vì sức ép của quá trình phát triển.
Khái niệm này, vì thế bao gồm cả tốc độ phát triển và khía cạnh cấu trúc để giải thích đặc điểm phát triển muộn của Việt Nam. Trong khi Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển nhanh chóng, đất nước sẽ đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững, đòi hỏi cấp thiết phải có những cải cách tổng thể về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh, cũng như trong các biện pháp chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp. Trong quá trình phát triển dồn ép, vai trò điển hình lý tưởng của nhà nước đã thay đổi từ lên vai trò lên kế hoạch và chỉ huy của nhà nước phát triển sang vai trò hỗ trợ, linh hoạt và sáng tạo hơn.
Ngày nay, một nhà nước phát triển phải đặt câu hỏi họ phù hợp với vị trí nào, bên cạnh việc làm cách nào để phát triển. Điều này đòi hỏi đánh giá tinh tường về thể chế, năng lực công nghiệp và nhân sự trong mối quan hệ với thể chế, năng lực và nguồn lực toàn cầu.
Dự thảo Báo cáo khuyến nghị, vấn đề Việt Nam hiện đang đối mặt không phải là lựa chọn “đúng” doanh nghiệp hay ngành cho 20 năm tới, mà là sắp đặt đúng vị trí cấu trúc, thể chế và hạ tầng để tạo nên một nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ, trong đó các nguồn lực có thể dịch chuyển nhanh chóng về phía những doanh nghiệp có sức cạnh tranh, nhờ vậy họ có thể tăng trưởng và phát triển, từ đó tăng thu nhập quốc dân, đồng thời cũng cải thiện tình hình thị trường lao động và giúp hấp thụ những lao động dư thừa tự do trong quá trình tăng năng suất của ngành nông nghiệp.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)