Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, ưu tiên của TPHCM trong gần 3 năm qua là cho vay các doanh nghiệp cần tiền để phục hồi sản xuất nhưng không vay được do vẫn còn vướng nợ xấu.
Chủ tịch WB: Kinh tế tư nhân đang đòi hỏi Việt Nam cải cách nhanh hơn
- Cập nhật : 24/02/2016
(Kinh te)
Trả lời báo chí sau lễ công bố báo cáo “Việt Nam 2035- Hướng tới Thịnh Vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” được tổ chức sáng nay tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim khẳng định: Việt Nam là mẫu hình cho tăng trưởng và phát triển của thế giới.
Ông Kim nhấn mạnh: gần 30 năm trước đây, Việt Nam là nước nghèo, đói và bị chiến tranh tàn phá. Nhưng đến nay, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới và đạt nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ như: phát triển con người, dân chủ và cải cách.
Báo cáo "Việt Nam 2035 - Hướng tới Thịnh Vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" của Ngân hàng Thế giới được công bố sáng nay 23/2 đã đưa ra nhiều dự đoán và con số ấn tượng dành cho nền kinh tế Việt Nam
Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu vào năm 2035 như: Quy mô GDP gấp 5 lần hiện nay, tốc độ tăng trưởng lý tưởng 6 - 7%, thu nhập đầu người đạt và ngang bằng các nước trong khu vực và đặc biệt nhóm dân giàu (tầng lớp trung lưu) tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 nửa số dân, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Ông Kim nhấn mạnh: Trước hết, môi trường đầu tư của Việt Nam dù đã được đổi mới, mở cửa song vẫn còn khác biệt nhiều so với khu vực và thế giới. Kinh tế Nhà nước đang chiếm chủ đạo, nhưng cải cách khu vực này còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ lộ trình đổi mới, phát triển của Việt Nam. Kinh tế tư nhân còn chịu nhiều thiệt thòi, đòi hỏi Việt Nam phải cải cách nhanh chóng, triệt để hơn.
“Nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế là cốt yếu giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xây dựng bộ máy hành chính minh bạch, đổi mới và sáng tạo sẽ góp phần đưa kinh tế Việt Nam hội nhập thuận lợi hơn đối với môi trường kinh tế khu vực, toàn cầu”, ông Kim nói.
Theo ông Kim, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, hội nhập đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam xóa nhòa khoảng cách với các nước lớn trên thế giới. Tuy nhiên, không nên ngủ quên với những thành quả đạt được, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách khu vực kinh tế nhà nước hơn nữa, xây dựng kinh tế tư nhân trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển trong dài hạn.
“Nếu xem vào 3 trụ cột trong báo cáo, tập trung rất nhiều vào trụ cột thứ 3 và đầu tiên: Là muốn có tăng trưởng, Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động, phải đầu tư vào con người. Đây cũng là bài học mà những thập kỷ 60, Hàn Quốc lấy làm động lực để phát triển đất nước và sau hơn 20 năm đổi mới, chúng tôi đã thực sự chuyển đổi thành công. Song song với đó, cần chuyển đổi Nhà nước trở thành người kiến tạo, bộ máy hành chính thực sự đổi mới và tinh thần hội nhập”, ông Kim nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình, giải pháp nào để tránh hoặc thoát khỏi bẫy này, Chủ tịch WB nhấn mạnh: Hiện thu nhập đầu người của Việt Nam đã đạt hơn 2.000 USD/năm, để có được thu nhập vào khoảng 18.000 USD - 22.000 USD vào năm 2035, còn rất nhiều việc phải làm và nhiều thách thức cần vượt qua.
Để chuẩn bị cho giai đoạn 20 năm tới, Việt Nam cần đảm bảo từng tế bào não bộ, từng chất xám, năng lực trí tuệ của công dân đều được cơ hội phát triển và tỏa sáng. Mỗi người dân, doanh nghiệp đều phải được tiếp nhận thông tin và có môi trường bình đẳng.
Theo người đứng đầu WB, trong những thách thức lớn, nổi lên đối với các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, ở Việt Nam có hai thách thức lớn nhất. Thứ nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, đây là cốt yếu giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới. Thứ hai, nâng cao năng suất lao động quốc gia, lấy đó là động lực cốt yếu cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu giải quyết được hai chướng ngại và thách thức lớn này, Việt Nam sẽ đuổi kịp và vượt các nước trong khu vực.