Nông nghiệp là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất khi Việt Nam tham gia TPP, song một số doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng với sân chơi mới bằng cách lựa chọn những sản phẩm mà các "ông lớn" không làm.
Chiêu mới sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
- Cập nhật : 20/01/2016
(Chan nuoi)
Người nuôi heo mới đây khai nhận đã thay đổi phương thức sử dụng chất cấm. Người chăn nuôi vẫn trộn salbutamol với thức ăn cho heo ăn nhưng cơ quan chức năng khó phát hiện.
Ông Phạm Văn Chiến, chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết trong đợt kiểm tra mới nhất tại xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo), đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện có tới 6/7 đàn heo được lấy mẫu dương tính với salbutamol.
Trong đó một mẫu cho kết quả hàm lượng salbutamol gấp 4.500 lần mức cho phép. Trước đó, vào tháng 8-2015, Xuân Đông từng là điểm “nóng” nhất của tỉnh khi hầu hết trại nuôi heo được lấy mẫu đều dương tính với chất cấm salbutamol.
Một thành viên đoàn kiểm tra liên ngành cho biết người nuôi heo khai nhận đã thay đổi phương thức sử dụng chất cấm.
Cụ thể, thay vì trộn salbutamol với thức ăn cho heo ăn trước khi xuất chuồng gần một tháng như trước, người chăn nuôi cho ăn từ lúc heo chỉ mới 50-60kg, đủ thời gian chất này bị loại thải khi heo đạt 100kg/con, khi lấy mẫu nước tiểu phân tích thì không phát hiện chất cấm nữa.
Với những đàn heo được cho ăn thức ăn có trộn chất cấm lúc gần xuất chuồng, người nuôi cho heo uống sorbitol để đi tiểu nhiều nhằm thải chất cấm ra nhanh hơn.
* Ngày 19-1, Chi cục Thú y TP.HCM cho biết sau chín ngày ra quân (từ ngày 8 đến 17-1) kiểm tra tồn dư chất cấm tại các lò mổ quy mô lớn trên địa bàn, cơ quan này phát hiện nhiều nguồn heo từ các tỉnh đổ về TP.HCM chứa chất cấm với hàm lượng cao báo động.
Đặc biệt, trong số năm tỉnh có heo chứa chất cấm lần này, Bình Thuận chiếm áp đảo 8 lô với 456 con heo. Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo đợt này khá cao, gấp trên 4.700 lần mức cho phép.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, trong số 15 chủ hàng vi phạm lần này có tới 13 người tái phạm nhiều lần. Trong đó, bà Lê Thị Bích Liễu (có chồng là ông Trần Vĩnh Long, Bình Thuận) vi phạm đến lần thứ 5.
“Điều chúng tôi đặt nghi vấn là huyện Hàm Tân, Bình Thuận đứng đầu về danh sách số lô và số lượng heo dính chất cấm trong khi huyện này có tổng đàn heo không cao, nhưng trong vòng hơn một tuần đã xuất bán gần 500 con.
Nhiều khả năng heo được chuyển từ các tỉnh về Bình Thuận, sau đó cấp giấy chứng nhận vào TP.HCM tiêu thụ” - một cán bộ thú y đánh giá.