tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thu nhập hàng tỷ đồng từ việc nuôi cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn

  • Cập nhật : 08/05/2017

Lặn lội quãng đường 700km suốt 7 tháng ròng, từ đỉnh núi Mẫu Sơn sang Sapa học hỏi kỹ thuật nuôi cá hồi, ông Hoàng Văn Tạ, thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn (Lộc Bình, Lạng Sơn) đã thành công với mô hình làm giàu mới trên chính quê hương giá lạnh của mình và thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Vất vả hơn chăm con nhỏ

Nhờ một lần đi du lịch Sapa, ông Tạ đã được thăm quan mô hình nuôi cá hồi, qua tìm hiểu ông nhận thấy khí hậu của Mẫu Sơn cũng tương tự như Sapa và có thể nuôi được giống cá này. Khi về quê hương, ông đã tự mở trại nuôi cá hồi nhiều lần nhưng không thành công, để có được thành công như ngày hôm nay ông đã trải qua nhiều lần thất bại.

Khi đó ông chưa nắm chắc kỹ thuật làm bể nuôi, mực nước, lượng nước đến kỹ thuật chăm sóc cá nhỏ, cá khi lớn ra sao và đặc tính của giống cá hồi theo mùa như thế nào, nên cứ nuôi được một thời gian ngắn cá lại chết. Chính vì vậy, ông Tạ quyết tâm liên hệ với người dân có nhiều kinh nghiệm nuôi cá hồi tại Sapa để xin học hỏi. Ông Tạ đã phải liên tục đi lại quãng đường suốt 700km, từ Mẫu Sơn lên Sapa và ngược lại trong suốt 7 tháng để vừa học hỏi, vừa thực hành tại trại nuôi cá của mình.

Theo ông Tạ, quá trình học nắm chắc lý thuyết là thế nhưng khi áp dụng vào thực tế lại rất khó, vì mọi thứ đều phải được tính toán kỹ lưỡng, không phải nói sao là làm được như vậy. Cá hồi là giống cá rất ưa sạch sẽ, cần lượng oxy cao, lượng nước nhiều và nhiệt độ nước phải lạnh, cá hồi có thể sống được ở cả nước ngọt và nước mặn nên yêu cầu kỹ thuật rất cao. Điều kiện khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp, nhưng những ngày đầu sau khi học hỏi được kinh nghiệm vẫn còn nhiều gian nan.

Ông phải mua giống cá con trên Sapa vận chuyển về Mẫu Sơn, khi đó chưa có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường xá xa xôi, vận chuyển vất vả, mà cá giống chỉ có thể vận chuyển vào ban đêm khi nhiệt độ hạ thấp, điều kiện giao thông thuận tiện để đưa cá về được nhanh nhất có thể, nếu không cá sẽ chết.

Từ khi còn là cá giống, cá được nuôi 1.000 con/bể, đến khi 2-3 lạng sẽ tách ra thành 3 bể, khoảng 7-8 lạng sẽ tách ra thành 5 bể và nuối đến khi được bán. Do đây là giống cá nước ngoài, nên khi nuôi tại Việt Nam con to nhất chỉ nặng 2,3kg.

“Vào mùa mưa tôi bỏ những vòi nước tự nhiên và dùng máy bơm để bơm nước vào bể. Những ngày đầu chưa có điện lưới, phải dùng máy nổ để chạy. Vì nước mưa ngấm xuống đất kéo theo các tạp chất, các chất từ lá cây rất độc với cá và hơn nữa là nước đục cá sẽ không sống được. Có những hôm tôi phải thức cả ngày, cả đêm, mất ăn mất ngủ canh bể cá, vất vả hơn chăm con nhỏ”, ông Tạ kể.

Mô hình làm giàu mới

Do giống cá hồi rất ưa sạch, vì thế từ khi cá còn nhỏ phải dùng rất nhiều muối hòa vào nước cho cá tự sát trùng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Ông Tạ hóm hỉnh nói: “Có tháng tôi phải mua cả tấn muối cho cho cá tắm”. Nước được dẫn từ các khe nước sạch trong rừng sâu về, nhiệt độ nước trung bình từ 12-130C, cao nhất là 17-180C, phải tuần hoàn nước liên tục vừa để tạo lượng oxy cho cá, vừa để giữ cho bể nước luôn sạch sẽ.

Đặc thù của loại là cá hồi nuôi không thể ấp trứng nở được, phải dùng trứng cá tự nhiên lấy ngoài biển và được nhập khẩu từ nước ngoài về. Vì cá nuôi cứ to, có trứng là sẽ tự động chết, trứng cá hồi tự nhiên chỉ có thể ấp trứng 1 lần/năm nên giá cá giống có phần đắt đỏ, 18.000 đồng/con chưa tính công vận chuyển và thức ăn cho cá. Cá hồi phải có thức ăn riêng chứ không thể cho ăn tạp, tổng số vốn ban đầu ông Tạ bỏ ra mở trại cá khoảng 1 tỉ đồng, chưa kể những lần cá chết do bị nước mưa vào, bị bềnh mà ông chưa kịp phát hiện.

Ông cho biết thêm: “Hiện nay, nhờ có khoa học kỹ thuật tiến bộ có thể giữ được trứng cá giúp tôi nuôi được hai lứa cá/năm thay vì một lứa như trước, mỗi lứa nuôi được 1.000 con. Kinh nghiệm đã có giúp cho độ rủi ro ít, cá giống rẻ còn 8.000 đồng/con, cá nuôi lớn có nguồn tiêu thụ tốt, ngoài việc bán cho khách ăn ngay khi đến du lịch Mẫu Sơn, tôi còn xuất đi các thành phố Lạng Sơn, Hà Nội…với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg nên thu nhập đem lại cho gia đình tôi từ 4-5 tỉ đồng/năm”.

Để tạo điều kiện cho người dân địa phương cùng học hỏi, giúp phát triển kinh tế địa phương, vừa để tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông Tạ đã hợp tác với anh Triệu Văn Trình (Mẫu Sơn, Lạng Sơn) mở rộng thêm các bể nuôi cá hồi. Nhưng do lượng nước tự nhiên có hạn nên chỉ có thể mở thêm được 6 bể. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm một số bể cá tầm, đây là loại cá dễ nuôi hơn cá hồi rất nhiều, năng suất cao và mau lớn, có những con nặng tới 9kg. Nhưng hiện nay, cá tầm Trung Quốc xuất sang nước ta nhiều khiến giá thành trong nước rẻ, lợi nhuận đem lại thấp nên ông Tạ không nhân rộng.

Theo ông Ninh Văn Xa, Phó trưởng Ban quản lý khu du lịch Mẫu Sơn thì: “Mô hình nuôi cá hồi của gia đình ông Hoàng Văn Tạ là mô hình làm giàu mới và đầu tiên tại Mẫu Sơn, nhờ đó đã góp phần thu hút được đông đảo du khách đến du lịch Mẫu Sơn. Ngoài ra, mô hình nuôi cá của ông Tạ còn giúp cho người dân địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, đây là việc làm rất đáng tuyên dương và nhân rộng”.

Theo Lao Động

Trở về

Bài cùng chuyên mục