Trong tổng số các doanh nghiệp trên cả nước, chỉ có 1% chọn làm nông nghiệp với số vốn khoảng 3% tổng vốn kinh doanh.
TPP với lao động nông nghiệp
- Cập nhật : 18/02/2016
(Tin kinh te)
Hiện nay, nước ta có khoảng 46% lực lượng lao động đang lao động trong khu vực nông nghiệp, trong đó chỉ khoảng 250.000 lao động làm việc trong các DN đăng ký theo Luật Doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã.
Còn lại khoảng 23 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, đó là kinh tế hộ gia đình hoặc các công việc không ổn định khác. Tính trên toàn bộ nền kinh tế, cả nước có khoảng 42 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức.
Trước niềm vui TPP được thông qua, người ta nghĩ đến một góc khuất về số phận của những lao động phi chính thức này. Đó là, khi tham gia vào TPP, DN Việt Nam nếu cạnh tranh được sẽ lớn lên, ngược lại một số khác có thể bị thay thế bởi những DN đầu tư khác ở bên ngoài.
Rồi khi hàng nhập khẩu có tính cạnh tranh cao hơn hàng sản xuất trong nước sẽ làm cho nông dân mất việc làm. Ví dụ, hàng hóa nông nghiệp đặc biệt là chăn nuôi từ Mỹ, New Zealand được cho là sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất cao trong ngành chăn nuôi Việt Nam.
Thêm vào đó, hiện nay các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung là có tiêu chuẩn thấp hơn các nước thành viên TPP, do đó nếu dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước thì sẽ vi phạm điều khoản chống phân biệt đối xử.
Ở góc nhìn khác, sự thay đổi về phương thức sản xuất ở trong nước khi đã thích ứng với môi trường cạnh tranh từ bên ngoài buộc phải chuyển sang sản xuất lớn, quy mô công nghiệp, nhưng sản xuất lớn với quy mô công nghiệp sẽ làm cho nhu cầu lao động giảm xuống.
Đơn cử, sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thì có thể cần một nghìn người, thậm chí cả triệu người để tham gia sản xuất chăn nuôi. Nhưng nếu đầu tư trang trại quy mô chuẩn thì chỉ cần vài trăm người là có thể sản xuất quy mô lớn. Như vậy lao động về nông nghiệp sẽ dư thừa lớn.
Trước thực tế không mấy sáng sủa, thậm chí là cửa tử của lao động nông nghiệp Việt Nam, với quan điểm phân tích, TS. Nguyễn Tú Anh đưa ra khá nhiều giải pháp để cải thiện tình hình. Trong đó, vai trò của DN được đặc biệt chú trọng.
Trước hết, muốn cạnh tranh thành công phải hình thành nên các DN sản xuất quy mô lớn và từ đó tạo lập nên các mối liên kết với các DN nhỏ làm các nhà cung ứng đầu vào, cung ứng các dịch vụ đầu ra, liên kết với các tổ chức cung ứng dịch vụ cần thiết như kỹ thuật, lao động, tư vấn… để hình thành nên các cụm liên kết ngành. Sức mạnh cạnh tranh mang tính toàn cụm và do các DN dẫn đầu kiểm soát.
Việc làm sẽ được tối đa hóa nếu hình thành được các cụm liên kết ngành. Nếu chỉ các DN đơn lẻ thì sức mạnh cạnh tranh của các DN sẽ bị chia nhỏ và do đó mức độ việc làm tạo ra sẽ rất hạn chế. Các DN quy mô lớn kể cả trong nông nghiệp đóng vai trò đầu tàu của các cụm liên kết ngành này, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa trong công nghiệp và dịch vụ kết nối và phát triển.
Một yếu tố cũng khá quan trọng là các DN lớn của nước ta sau khi tích lũy tư bản đủ lớn, áp lực dư thừa lao động giảm thì tiến hành đầu tư trực tiếp ở một số nước thông qua việc mua lại DN công nghệ cao của họ để phát triển công nghệ lõi cho chính mình.
Thiết nghĩ, những giải pháp mà vị Tiến sĩ trên đưa ra đang vừa tầm và các DN nếu thiện chí có thể thực hiện ngay được. Sẽ có ý kiến cho rằng việc giải quyết lao động là việc của nhà nước, là vai trò của nhà điều hành. Thế nhưng, có một điều mà DN cần lưu ý rằng một DN hay một đất nước không thể phát triển toàn diện nếu có một đội ngũ tới vài trăm triệu lao động thất nghiệp.
Khi đó, bất bình đẳng trong xã hội gia tăng, nguy cơ bất ổn xã hội lớn, thậm chí dẫn đến bạo loạn. Và đây là bài học của rất nhiều quốc gia từng trải qua, họ đã thất bại trong việc phát triển nếu đời sống xã hội không được giải quyết…
Vũ Hoàng
(Thời báo Ngân hàng)