Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi chim công, anh Trần Văn Toản (ngụ KV Bình Yên B, P.Long Hòa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trồng bồn bồn, nông dân bỗng chốc thành đại gia
- Cập nhật : 23/08/2017
Nhiều hộ gia đình ở Cà Mau đã đổi đời nhờ bồn bồn, một loại đặc sản nổi tiếng của vùng Đất Mũi mà trước kia từng bị triệt hạ vì "giành" đất của cây lúa.
Trước đây, bồn bồn mọc trên vùng đất Cà Mau như một loại cây hoang mà một thời được xem là đối tượng “giành đất sống” chủ yếu của cây lúa mà người dân hay gọi là cỏ nến.
Nhưng nay, bồn bồn đã vươn mình trở thành một loại đặc sản của vùng Đất Mũi Cà Mau, đồng thời, làm thay đổi đời sống của nhiều hộ nông dân nơi đây.
Cây cỏ hoang vươn mình
Trên tuyến đường về với Đất Mũi, du khách phương xa sẽ đi ngang địa phận huyện Cái Nước, nơi được xem là “thủ phủ” của cây bồn bồn hiện nay. Du khách không khó để bắt gặp loài cây này khi ven hai bên tuyến đường là những thửa ruộng bồn bồn mọc đầy xanh mướt cùng những hàng quán bày bán các sản phẩm từ loại đặc sản này.
Theo lời của nhiều lão nông, một thời trên những cánh đồng, cây bồn bồn được xem là đối tượng chính “giành đất sống” của cây lúa. Sức sống của loại cây hoang này rất mãnh liệt, vì thế cho nên, mỗi khi vào vụ lúa người dân đã lao tâm, khổ tứ rất nhiều để phá bỏ.
Bước ngoặc chuyển mình của cây bồn bồn chỉ thật sự diễn ra vào sau những năm 2000, khi mà Cà Mau bắt đầu thực hiện chuyển dịch sang nuôi tôm. Cây bồn bồn mất đi lợi thế sinh trưởng khi nước bị nhiễm mặn. Sau đó, vùng đất Cái Nước được khép kín, nguồn nước ngọt trở lại và cây bồn bồn một lần nữa lại bén rễ trên vùng đất này.
Cây cỏ nến xưa kia nay đã không còn là loài cây hoang dại, là “kẻ địch” với người trồng lúa mà đã “trở mình” biến thành đặc sản, góp phần níu chân du khách mỗi khi về thăm đất Mũi.
Đến nay, toàn huyện Cái Nước có diện tích trồng cây bồn bồn trên 62 ha, tập trung chủ yếu tại xã Tân Hưng Đông; trong đó có gần 150 hộ dân trực tiếp trồng, chế biến bồn bồn dưới dạng tươi và dưa để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, ông Nguyễn Văn Rỡ cho biết: “Trước đây khu vực này theo quy hoạch vùng là tôm - lúa nhưng sản xuất không hiệu quả, sau đổi lại thành vùng giữ ngọt, hơn 60 hộ dân chuyển sang trồng bồn bồn trên diện tích hơn 50 ha”.
Anh Nguyễn Phi Hùng ngụ ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, chia sẻ: "Hơn 10 năm tôi trồng bồn bồn, dần dà đây cũng nguồn thu nhập gần như chính yếu cho gia đình. Cây bồn bồn rất dễ sống và phát triển tốt ở vùng đất này và hầu như không tốn công chăm sóc. Bồn bồn là loại trồng một lần và có thể thu hoạch đến mười mấy năm".
Đời sống kinh tế của người dân nơi đây ngày một được cải thiện, nhiều hộ đã thoát được nghèo nhờ cây bồn bồn. Hiện mỗi kg bồn bồn tươi được người dân bán với giá 30.000-35.000 đồng/kg, bồn bồn làm dưa có giá khoảng 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thành Được, Chi Hội Trưởng Chi hội Nông dân ấp Đông Hưng, phấn khởi cho biết, đây là loài cây mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nông dân, trung bình 1ha mỗi năm có thể thu về từ 100-150 triệu đồng/năm, có hộ còn cao hơn.
Gia đình chị Nguyễn Mỹ Liêm, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước có hơn 0,5ha đất, trước đây nuôi tôm không hiệu quả, cuộc sống thường thiếu trước hụt sau. Từ khi chuyển qua trồng bồn bồn thì thu nhập ổn định hơn, do đầu ra ổn định, giá bán cao, trung bình hàng năm cho thu nhập không dưới 70 triệu đồng.
Sánh vai thương hiệu
Nói đến Cà Mau phải nhắc đến các sản phẩm nổi tiếng như: tôm khô Rạch Gốc, cá bổi U Minh, mật ong U Minh Hạ, cua biển Năm Căn… Nhưng nay, bồn bồn đã sánh vai với các loại đặc sản nổi tiếng đó để trở thành một biểu tượng ẩm thực mới của vùng đất này.
Giá trị kinh tế không ngừng được nâng lên, diện tích trồng bồn bồn trên địa bàn xã Tân Hưng Đông không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, lúc đầu người dân chỉ bán cho thương lái đến thu mua tại chỗ hoặc bán bồn bồn làm dưa, bồn bồn tươi dọc theo tuyến Quốc lộ 1A với giá cả không ổn định.
Đứng trước nhu cầu nâng cao giá trị cây bồn bồn cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chính quyền xã Tân Hưng Đông đã tích cực vận động cũng như tạo mọi điều kiện để Hợp tác xã Bồn bồn Đông Hưng được thành lập. Hiện, Hợp tác xã có 30 xã viên, với diện tích trồng bồn bồn là 30 ha. Các xã viên khi cung cấp bồn bồn tươi cho hợp tác xã sẽ có giá ổn định và cao hơn giá thị trường.
“Nhằm phát triển cũng như tìm đầu ra ổn định cho cây bồn bồn, hiện hợp tác xã đã thành lập được 2 văn phòng đại điện tại thành phố Cà Mau và huyện Cái Nước.
Ngoài ra, còn các đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cũng như thành lập các đại lý ở các huyện trên địa bàn tỉnh, với mong muốn đưa sản phẩm bồn bồn tiếp cận thị trường trong nước và tương lai là tiến tới xuất khẩu”, ông Đặng Việt Hưng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Bồn bồn Đông Hưng, chia sẻ.
Từ năm 2015, tỉnh Cà Mau đã xúc tiến việc đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để được công nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm cây bồn bồn Cái Nước. Vừa qua, vào đầu tháng 8/2017, sản phẩm bồn bồn Cái Nước đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho biết, về giá trị kinh tế, bồn bồn vượt trội hơn cây lúa. Từ loại cây cho thu nhập kinh tế phụ trợ thì nay đã vươn lên cho nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình.
Sản phẩm bồn bồn Cái Nước được chứng nhận nhãn hiệu tập thể là niềm vui lớn đối với hàng trăm hộ dân trồng bồn bồn và là động lực giúp nông dân nơi đây phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời gian tới. Hiện, bồn bồn được xem là loại rau sạch ở Cà Mau, được nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng./.
Nguồn: bnews.vn