Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, lao động trong 8 lĩnh vực ngành nghề bao gồm dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ và du lịch sẽ được tự do dịch chuyển.
Lương “ông lớn” Nhà nước: Nhân viên 13 triệu, sếp 40 triệu/tháng
- Cập nhật : 19/02/2016
(Kinh te)
Tại 31 tổng công ty mẹ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty hạng đặc biệt, mức lương của người lao động đạt khoảng 13 triệu đồng/tháng, lương viên chức quản lý khoảng 40 triệu đồng/tháng.
“Cơ quan soạn thảo xây dựng Nghị định theo hướng tiền lương phải hướng tới thực hiện tính toán, chi trả theo giá thị trường” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo tại cuộc họp cho ý kiến về 3 dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý tiền lương công ty 100% vốn Nhà nước và công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước ngày 18/2.
Đó là các dự thảo về Nghị định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động (thay thế Nghị định số 50/2013/NĐ-CP); Nghị định quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý (thay thế Nghị định số 51/2013/NĐ-CP) và Nghị định quy định về lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua 3 năm thực hiện các Nghị định của Chính phủ về tiền lương, thưởng tại doanh nghiệp Nhà nước, tiền lương của người quản lý đã gắn chặt với quy mô và lợi nhuận, khống chế mức tối đa, giảm khoảng cách giữa các doanh nghiệp và giữa người quản lý với người lao động.
Tiền lương của người lao động tăng ổn định từ 7- 8%/năm, năm 2015 đạt khoảng 7 triệu đồng/tháng (trong khi lương, thưởng trung bình của người lao động trong khối doanh nghiệp nói chung là 5 triệu đồng/tháng), viên chức quản lý khoảng 25 triệu đồng/tháng.
“Tại 31 tổng công ty mẹ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty hạng đặc biệt, mức lương của người lao động đạt khoảng 13 triệu đồng/tháng, lương viên chức quản lý khoảng 40 triệu đồng/tháng.” – báo cáo cho biết.
Đặc biệt, theo ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, dự thảo Nghị định còn khuyến khích doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch thì cho bổ sung thêm tiền lương theo nguyên tắc cứ tăng 1% lợi nhuận so với kế hoạch thì được bổ sung 1% tiền lương, nhưng không quá tối đa 20% tiền lương kế hoạch.
Ông Phạm Minh Huân cho rằng, nội dung cơ bản của các dự thảo tiếp tục quy định giao quyền tự chủ tuyển dụng, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật cho doanh nghiệp nhưng phải gắn chặt với kế hoạch sản xuất, kinh doanh, định mức lao động, dựa trên cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại lao động hợp lý và phải chịu trách nhiệm trước đại diện chủ sở hữu.
Đồng thời, kế hoạch lao động phải báo cáo đại diện chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện; khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm lao động để tăng năng suất và tiền lương.
Để chi trả lương, thưởng cho lao động của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh, định mức lao động để xác định số lao động, quỹ lương kế hoạch, đơn giá tiền lương gắn với tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở mức độ hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh để xác định quỹ lương thực hiện và trả lương cho người lao động theo kết quả, năng suất và mức độ đóng góp của từng người dựa trên quy chế trả lương của doanh nghiệp.
Còn với viên chức quản lý doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước thì sẽ xác định tiền lương gắn với quy mộ độ phức tạp quản lý và hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo mức lương cơ bản (tối đa là 36 triệu đồng) nhưng có điều chỉnh hệ số tăng thêm tiền lương theo hướng mở rộng.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả thấp thì giữ nguyên nền tối đa hiện hành và giao cho đại diện chủ sở hữu quy định mức cụ thể.