Thống kê bình quân 7 ngân hàng đã có báo cáo tài chính tăng trưởng đến 37,6% và tốc độ cho vay bình quân đạt 18,1%.
Vốn ngoại rời khỏi Trung Quốc sẽ “chảy” vào Việt Nam?
- Cập nhật : 27/09/2015
(Kinh te vi mo)
Đang có một sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là Việt Nam...
Công ty tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động của các khu công nghiệp trên cả nước. Theo đó, báo cáo nhận định, đang có một sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là Việt Nam.
Báo cáo cho biết, trong nửa đầu năm 2015, những dự án công nghiệp dệt may quy mô lớn được phê duyệt đã thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, đóng góp 4,18 tỷ USD (tương đương 76%) nguồn vốn đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam.
Đồng thời, với hiệp định TPP, ngành vải sợi - dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển với tốc độ 2 con số khi TPP được kí kết, mặc dù hiệp định này vẫn chưa được thống nhất vào cuối tháng 7 vừa qua.
TPP sẽ ràng buộc các loại vải và hàng may mặc xuất khẩu phải có nguồn gốc nguyên liệu từ các nước tham gia vào hiệp định. Do đó, rất nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông đã lên kế hoạch đầu tư để đón đầu cơ hội này.
Savills dẫn một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy có một sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối ASEAN để tận dụng cơ hội từ các hiệp định sắp tới.
Khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam do có một thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào.
Đáng chú ý là Tập đoàn Microsoft đã công bố đóng cửa hai nhà máy sản xuất điện thoại Nokia ở Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam. Tập đoàn này sẽ mở rộng nhà máy quy mô đầu tư lên đến 210 triệu USD tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đặt tại Bắc Ninh, đồng thời sẽ tăng gấp ba tổng số nhân công so với hai nhà máy cũ.
Sự nhạy bén của các nhà đầu tư Singapore
Đồng thời, báo cáo cũng nhận định, Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), trong đó Việt Nam và Singapore là thành viên, sẽ tạo điều kiện cho các cơ hội đầu tư song phương giữa hai nước.
KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), đặt tại tỉnh Quảng Ngãi, đến nay đã thu hút 7,8 triệu USD vốn FDI kể từ khi khai trương vào cuối năm 2013.
Tập đoàn Mapletree Singapore đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho việc phát triển các KCN, tòa nhà văn phòng và căn hộ ở Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà đầu tư Singapore khác như Famed Banyan Tree, Keppel Land và Capital Land cũng thông báo kế hoạch đầu tư vào những dự án bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam.
TP HCM vẫn nhận được số lượng dự án FDI lớn nhất
Tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, KCN trọng điểm phía Nam bao gồm 106 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 33.500ha. Các KCN này có lợi thế nằm gần đường quốc lộ, đường liên tỉnh, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.
Trong đó, TP HCM là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên nhận được số lượng dự án FDI lớn nhất. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2015, các doanh nghiệp Anh Quốc đầu tư nhiều nhất vào thành phố, chiếm 59% vốn FDI, theo sau là các nhà đầu tư đến từ quần đảo British Virgin (15%) và Hàn Quốc đứng thứ 3 (10%).
Theo thống kê, trong Qúy I/2015, TP HCM đã có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với 2.300ha diện tích đất cho thuê. Địa phương này đã thu hút 425 triệu USD từ FDI, tăng 50% so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng công bố kế hoạch mở 7 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 2.000ha để đón dòng vốn FDI trong ngành dệt may, dịch vụ và các ngành chế biến thực phẩm.