Liệu Việt Nam có đạt mục tiêu thu hồi ít nhất 50% nợ thuế lớn của các doanh nghiệp trước ngày 30/9? Đây vẫn là câu hỏi chưa có đáp án.
“Ảnh hưởng nghiêm trọng Luật Đầu tư và niềm tin cải cách”
- Cập nhật : 29/09/2015
(Kinh te vi mo)
Ý kiến chuyên gia nhận xét các điều kiện kinh doanh do các Bộ vừa ban hành hoặc đang xây dựng là hiện tượng đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Luật Đầu tư và làm xói mòn niềm tin vào quyết tâm cải cách.
Mới đây, qua Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, nhiều bạn đọc đã cung cấp thông tin về một số thông tư hoặc dự thảo thông tư có quy định về điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, là Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; dự thảo thông tư của Bộ Công Thương quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ do Liên Bộ Tài chính – Công an xây dựng.
Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ KHĐT, khẳng định các quy định nói trên trái Luật Đầu tư. Theo Luật này, các bộ ngành, địa phương không được ban hành điều kiện kinh doanh.
“Từ 1/7/2015, điều kiện kinh doanh do các bộ ngành, địa phương ban hành sẽ đương nhiên không có hiệu lực thi hành. Doanh nghiệp có quyền không chấp hành các điều kiện kinh doanh như vậy. Không thể dùng một công cụ trái pháp luật để quản lý”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Làm xói mòn niềm tin vào cải cách
Các điều kiện kinh doanh này không có hiệu lực thi hành, nhưng liệu có ảnh hưởng gì không, thưa ông?
Những quy định như vậy làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính sách. Điều rất quan trọng của chính sách là lòng tin, khi có lòng tin thì đại bộ phận người dân sẽ tự nguyện chấp hành, vì người ta tin rằng chính sách này là vì mục đích chung. Làm thế này người dân, doanh nghiệp tin vào đâu? Hoặc là họ sẽ không đầu tư, hoặc họ sẽ đối phó với chính sách, khiến môi trường kinh doanh và thị trường trở nên méo mó.
Đây là một nguy cơ với Luật Đầu tư. Các quy định như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nội dung cải cách đã được xác lập tại Hiến pháp, Luật Đầu tư mà người dân, doanh nghiệp rất kỳ vọng. Hôm nay, cơ quan này ban hành được “giấy phép con” thì ngày mai cơ quan khác cũng có thể ban hành. Doanh nghiệp không thể tiên liệu được liệu chính sách, mà thêm điều kiện kinh doanh là tăng thêm đầu tư.
Nhà nước phải giữ cam kết, giữ lời hứa. Tôi vẫn nói rằng hội nhập đầu tiên là hội nhập của hệ thống nhà nước là vì thế. Doanh nghiệp muốn hội nhập được thì chúng ta phải thay đổi luật chơi theo đúng chuẩn mực quốc tế, nếu không, thì doanh nghiệp sẽ phải chơi theo 2 luật, một luật của ta, một luật của người.
Ngoài tính hợp pháp, ông có thể phân tích cụ thể hơn về tính hợp lý của quy định trong các văn bản nói trên?
Nhiều quy định rất vô lý. Thông tư về kinh doanh xăng dầu của Bộ KHCN quy định, khi cột đo xăng dầu bị hỏng, doanh nghiệp phải đề nghị bằng văn bản tới đơn vị cung cấp cột đo; trong vòng 3 ngày, đơn vị đó phải đáp ứng đề nghị sửa chữa. Doanh nghiệp chỉ được chọn đơn vị sửa chữa khác nếu đơn vị cung cấp cột đo đã giải thể hoặc đơn vị đó có văn bản từ chối thực hiện với lý do chính đáng gửi tới doanh nghiệp và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (để báo cáo).
Trong khi đó, đây là quan hệ hợp đồng. Người bán đương nhiên phải bảo đảm chất lượng kèm theo bảo hành của sản phẩm. Mà cũng không phải đợi đến 3 ngày, khi sản phẩm hỏng hóc, khách hàng gọi là anh phải đến ngay. Nếu anh làm không tốt, tôi sẽ chọn ngay đối tác khác, không cần phải thông báo gì cả. Người ta làm là vì lợi ích của họ, chứ không phải vì thông tư quy định như thế.
Còn dự thảo thông tư về dịch vụ đòi nợ có quy định doanh nghiệp phải đăng ký lý lịch nhân viên với công an phường. Theo tôi, hãy để người quản lý chịu trách nhiệm về nhân viên của mình, có vấn đề thì cơ quan chức năng hãy “gõ” người quản lý, nhà nước việc gì “ôm” thêm việc đó? Hay quy định doanh nghiệp phải thống kê các phương tiện phục vụ công tác đòi nợ, để làm gì? Nếu họ sử dụng trái phép các phương tiện vũ khí gây sát thương thì đã có sẵn các quy định khác để quản lý, chế tài rồi.
Về dự thảo thông tư về an toàn thực phẩm, xin nói là nước nào cũng chú ý lĩnh vực này, vấn đề là cách thức thực hiện. Dự thảo yêu cầu chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh trực tiếp phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, đây là một cách thực thi rất tốn kém và chỉ mang tính hình thức. Đúng là Luật An toàn thực phẩm yêu cầu người sản xuất phải có hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với vai trò quản lý, lẽ ra Bộ cần ban hành tiêu chuẩn kiến thức cho các đối tượng, họ muốn học ở đâu thì học, cơ quan quản lý kiểm tra sau. Tinh thần là phải chuyển mạnh sang hậu kiểm và cũng chỉ kiểm tra xác suất, quản lý rủi ro, doanh nghiệp, lĩnh vực nào có nguy cơ lớn thì kiểm tra nhiều, chứ không phải bắt tất cả mọi người đều phải thi để lấy giấy xác nhận. Quy định như thế này sẽ dẫn đến tình trạng giấy xác nhận thì có mà chưa chắc đã có kiến thức gì.
Đây là những quy định “cười ra nước mắt”.
Sẽ báo cáo Chính phủ
Theo ông, nguyên nhân nhân nào khiến các Bộ vẫn tiếp tục ban hành điều kiện kinh doanh?
Tôi có cảm giác là dường như nhiều nơi vẫn chưa hiểu tại sao Luật Đầu tư lại cấm các bộ ngành, địa phương ban hành điều kiện kinh doanh. Phải hiểu rằng đặt ra điều kiện kinh doanh là đặt ra rào cản gia nhập thị trường, thu hẹp quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu anh tự đặt ra điều kiện kinh doanh mà không thảo luận với ai, chỉ dựa trên ý chí và cách nhìn của một nhóm người thì xác suất nhìn thiển cận là rất lớn. Cần phải đưa ra thảo luận để cân bằng lợi ích giữa các nhóm doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các nhóm khác.
Do đó, Luật Đầu tư yêu cầu điều kiện kinh doanh phải được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định. Đặt ra điều kiện kinh doanh phải vì bảo vệ lợi ích chung chứ không phải vì lợi ích của một bộ hay một nhóm doanh nghiệp nào đó. Bản chất vấn đề là như thế, chứ Luật Đầu tư không hạn chế quyền của các Bộ, các bộ vẫn có quyền xây dựng Nghị định về điều kiện kinh doanh và trình Chính phủ ban hành.
Là cơ quan chủ trì theo dõi việc thực thi Luật Đầu tư, Bộ KHĐT có giải pháp gì, thưa ông?
Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật.
Điều kiện kinh doanh cũng là một trong hai trọng tâm của Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã yêu cầu phải cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.
“Giấy phép con” là chuyện không mới, nhưng rất đáng báo động trong bối cảnh đã có luật rõ ràng và chúng ta đang có cơ hội rất lớn để thay đổi tư duy về quản lý nhà nước, về vai trò của quản lý nhà nước. Tôi cho rằng rất cần khôi phục niềm tin của người dân.
Cuối tháng 7 vừa qua, báo cáo Chính phủ về tình hình thi hành Luật Đầu tư, Bộ KHĐT đã chỉ rõ, một số Bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư có quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư. Thông tư 25/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH quy định đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; hay dự thảo Thông tư của Bộ Xây dựng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Trước các văn bản mới nói trên, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ KHĐT tiếp tục tập hợp, báo cáo Chính phủ và có thể sẽ còn phải báo cáo nhiều lần nữa nếu các bộ tiếp tục ban hành các điều kiện kinh doanh. Bộ KHĐT cũng có thể sẽ kiến nghị Thủ tướng phê bình những nơi ban hành điều kiện kinh doanh trái luật.
Xin cám ơn ông!
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)