Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nếu Trung Quốc không tiếp tục phá giá sâu đồng nhân dân tệ.
Nền kinh tế đã tụt hậu?
- Cập nhật : 02/09/2015
(Tin kinh te)
Nếu tăng trưởng cứ mãi “lẹt đẹt” 5%/năm thì kinh tế Việt Nam khó theo kịp các nước trong khu vực.
Lấy tiêu đề “Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và nguy cơ tụt hậu”, báo cáo của Tổng cục Thống kê đã mở đầu hội thảo khoa học “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế hàng đầu phản biện lại rằng, nền kinh tế thực chất đã tụt hậu, chứ không còn là nguy cơ.
“Nguy cơ tụt hậu” của nền kinh tế được ông Đậu Ngọc Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp (Tổng cục Thống kê) phân tích như sau: Nền kinh tế Việt Nam hiện nay dù đang duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ hơn so với các nước trong khu vực. Từ năm 2008, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ bị nới rộng.
Cụ thể, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ tương đương với Malaysia vào năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010, Hàn Quốc năm 1982. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 3/5 Indonesia, 2/5 Thái Lan, 1/5 Malaysia, 1/14 Hàn Quốc và bằng 1/27 Singapore. Đồng thời, xét trên góc độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia 25 năm, Thái Lan 20 năm…
Nếu tính theo sức mua tương đương, kết quả về sự tụt hậu của nền kinh tế cũng thể hiện rất rõ. Trong 5 năm qua, khoảng cách giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực không thu hẹp được nhiều. Đặc biệt so với Trung Quốc thì khoảng cách ngày càng có xu hướng nới rộng thêm. Năm 2006, GDP bình quân đầu người quy chiếu ra sức mua tương đương của Việt Nam bằng 54,2% của Trung Quốc, thì đến năm 2010 con số này giảm xuống còn 44,5% và năm 2013 chỉ bằng 40,8%...
Sự tụt hậu của nền kinh tế càng rõ nét hơn khi con số thống kê cho thấy chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nổi bật nhất là chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua các năm và ở mức cao so với các nước.
Nếu như năm 1989, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế là 43,8%, thì đến năm 1996 tỷ lệ này tăng lên 52,3%. Tỷ lệ tiếp tục tăng đều lên 56,5% vào năm 2000 và 64,1% vào năm 2007. Cho đến năm 2012, ước tính chi phí trung gian đã chiếm tới trên 70% giá trị sản xuất. Trong khi đó, các nước láng giềng có tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 50%.
Trong nhiều năm qua, nền kinh tế vận hành theo mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn, nhưng hiệu quả đầu tư lại thấp. Giai đoạn 2001-2014, tăng trưởng kinh tế dựa vào yếu tố vốn tới 67,9%. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư thấp thể hiện ở hệ số ICOR cao và tăng dần qua các thời kỳ. Giai đoạn 2001-2005, để tạo ra 1 đồng GDP Việt Nam phải đầu tư 4,88 đồng, thì tới giai đoạn 2011-2013, con số này đã là 6,99 đồng.
Do tăng trưởng dựa vào vốn, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP luôn thấp hơn tỷ lệ đầu tư so với GDP và đang có xu hướng giảm dần. Điều này đồng nghĩa Việt Nam phải đi vay nước ngoài để đầu tư. Tình trạng bội chi ngân sách và nợ công đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Trong khi đó, tăng thu ngày càng thấp hơn tăng chi, tăng chi đầu tư thấp hơn tăng chi thường xuyên…
“Đây là một kiểu ngân sách có hại cho cả ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bình luận.
Một nghịch lý khác là nền kinh tế cũng tăng trưởng dựa nhiều vào yếu tố lao động, song tốc độ tăng năng suất lao động lại giảm sút. Hậu quả là cho tới nay năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, và khoảng cách lại ngày càng có xu hướng tăng lên.
Ông Cung bày tỏ lo ngại, năng suất lao động hiện nay có xu hướng dài hạn là đi xuống. Bên cạnh đó, tăng năng suất lao động chủ yếu không phải vì đổi mới công nghệ, nâng cao kỷ luật lao động, mà nhờ chuyển dịch lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao hơn, trong khi tăng năng suất nội ngành rất thấp.
Trước bối cảnh đó, ông Cung cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô là điều cần thiết, nhưng chưa đủ. Vì nguy cơ tụt hậu là rất lớn, nếu tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 5% như hiện nay thì đến 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới bằng 75% của Trung Quốc, 83% của Thái Lan hiện nay. Với kịch bản tốc độ tăng trưởng đạt 7%/năm từ nay đến 2035, khi đó GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 98% của Malaysia, 183% của Trung Quốc hiện nay, là mức tạm yên tâm.
“Nếu tăng trưởng cứ tiếp tục lẹt đẹt ở mức 5%/năm thì nền kinh tế chắc chắn tụt hậu”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.