tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh đang chậm lại

  • Cập nhật : 20/11/2015

(Kinh te)

Tập hợp và đánh giá sơ bộ các quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh cho thấy, đang có quá nhiều quy định, lại phân tán, dàn trải trong rất nhiều các văn bản khác nhau.

ts. nguyen dinh cung

TS. Nguyễn Đình Cung

“Tôi đi, tôi đến, tôi ngồi nghe mà nhiều khi cười ra nước mắt”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ như vậy trước câu hỏi của phóng viên TBNH về thành tích cải thiện môi trường kinh doanh.

Đồng thời là Giám đốc Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV), ông luôn trăn trở làm sao để Nghị quyết 19 thực sự mang lại kết quả như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, như cộng đồng DN mong muốn. Nhưng, kết quả thì nhiều phần chưa như kỳ vọng…

Sang năm 2015, cảm nhận chung của cộng đồng DN là dường như tốc độ cải cách môi trường kinh doanh đang chậm lại. Thay vì như kỳ vọng là mức độ tự do kinh doanh được mở rộng sau khi Hiến pháp và các luật mới có hiệu lực, Nghị quyết 19 được ban hành, thì dường như quyền tự do kinh doanh vẫn còn bị hạn chế?

Đó là một thực tế.

Những nhóm quy định và thủ tục ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN là những quy định về điều kiện kinh doanh, nộp thuế và xuất nhập khẩu. Tập hợp và đánh giá sơ bộ các quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh cho thấy, đang có quá nhiều quy định, lại phân tán, dàn trải trong rất nhiều các văn bản khác nhau.

Và có thể rút ra đặc điểm “tám không” của tập hợp các quy định đó: không rõ ràng, không đầy đủ, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được và không hiệu quả, không hiệu lực. Các quy định đó đã tăng thêm rủi ro, tăng thêm chi phí và hạn chế đáng kể quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh của người dân và DN.

Ngay như với chỉ số nộp thuế được biết là đã cải cách rất mạnh trong năm 2014, nhưng DN nói còn phức tạp hơn trước và vẫn đầy bức xúc?

Về chỉ số nộp thuế trong đó gồm số giờ nộp thuế và số giờ làm thủ tục bảo hiểm xã hội. Thủ tục bảo hiểm xã hội tùy theo giấy tờ mới giảm được 100 giờ nhưng thời gian thực tế làm thủ tục của DN lại không giảm được gì, nhiều trường hợp còn mất thời gian và công sức hơn. Bởi khi ngành bảo hiểm thay đổi với thủ tục mới, tờ khai mới, nhìn thì thấy giảm được số giờ thực hiện, nhưng họ không hướng dẫn.

DN không biết, vẫn làm theo thủ tục cũ hồ sơ cũ. Khi đến nộp, cơ quan bảo hiểm không chấp nhận, và DN làm lại theo thủ tục mới. Khi DN làm xong, đến nộp lại thì lại phải giải trình “vì sao nộp chậm” và bị phạt nộp chậm. Trường hợp này, lỗi không phải từ DN nhưng DN lại trở thành có lỗi.

Ngay ở lĩnh vực cải cách tích cực là lĩnh vực thuế vẫn còn chuyện vô lý. Có DN kinh doanh đàng hoàng, nộp thuế đàng hoàng lại bị phạt nặng tới mấy chục triệu đồng chỉ vì mua hàng của DN đang nợ thuế. DN là người mua làm sao biết được DN là người bán có nợ thuế hay không? Hay DN phải xuất trình được hóa đơn gốc của các giao dịch mua bán từ nước ngoài nếu muốn được tính đó là khoản chi phí hợp lý.

Với nước ngoài, hóa đơn là hóa đơn, họ không có khái niệm hóa đơn gốc. Để đáp ứng yêu cầu xuất trình hóa đơn gốc, có DN FDI cho biết hàng năm phải chuyển tới 8.000 - 9.000 hóa đơn từ nước ngoài về và chi phí mất tới 3-4 tỷ đồng/năm…

thoi gian lam thu tuc nop thue cua dn chua giam duoc nhieu

Thời gian làm thủ tục nộp thuế của DN chưa giảm được nhiều

Liên quan tới chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, hải quan cho biết các chứng từ trong bộ hồ sơ được đơn giản hóa và tích hợp trong 1 tờ khai duy nhất. Nhưng DN nói để có thể làm được điều đó thì DN đã phải mất hàng chục ngày trước để chuẩn bị. Vậy, thực tế là cải cách ở đâu?

Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới liên quan tới 11 bộ. Dưới các bộ là các vụ, cục, tổng cục, các cơ quan khác nhau đếm ra tới khoảng 30 đơn vị. Vậy để cải thiện chỉ số này thì buộc 30 đơn vị, và 11 bộ cùng phải chuyển động, cả bộ máy phải cùng ý thức vận hành đồng bộ với sự phối hợp cùng cải cách.

Trong việc cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới, một số bộ trưởng các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, hay Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã tích cực trong việc cải cách thủ tục thông quan. Còn lại các bộ liên quan khác như chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc cải cách các nhóm quy định liên quan đến môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19. Thậm chí, một số bộ còn ban hành những văn bản trái về nội dung, trái về thẩm quyền, tạo thêm rào cản cho DN.

Với chỉ số này, ngành hải quan đang không gặp được sự chuyển động cải cách cùng nhịp. Và chỉ số này, theo quan sát của tôi, vẫn mắc. Đó là điểm cá nhân tôi cũng thấy bức xúc.

Thực tế ghi nhận Nghị quyết 19 chưa tác động mạnh để tạo ra các thay đổi tích cực ở một số bộ, ngành và địa phương, thưa ông?

Chúng tôi được giao nhiệm vụ tập huấn về thực hiện Nghị quyết 19 ở các địa phương. Qua các đợt tập huấn tôi thấy các địa phương phía Nam quan tâm hơn. Các buổi tập huấn, cán bộ địa phương đến đầy đủ, nghiêm túc.

Ngay như TP. Hồ Chí Minh có tới 60 cán bộ công chức các sở ngành tham dự. Cần Thơ cử tới 30 cán bộ, công chức dự. Trong các buổi tập huấn, họ rất trăn trở và trao đổi những tình huống, những vướng mắc thực tế để cùng tìm hướng gỡ. Ngược lại tập huấn với các địa phương phía Bắc, số người đi thưa thớt, nửa buổi đã về vãn.

Khi đi thảo luận với các bộ, về địa phương như chỉ số giấy phép xây dựng - chỉ số liên quan tối thiểu đến năm cơ quan, chúng tôi có hỏi những thủ tục hiện hành có vô lý không có phải thay đổi không. Buồn rằng, tuyệt đại bộ phận người được hỏi trả lời luôn là “quy định thế thì làm thế”. Tôi đã hy vọng rằng họ sẽ nói cần phải thay đổi, và chính họ sẽ gợi mở cần phải thay đổi thế nào.

Giả sử ông chấm điểm về cải thiện môi trường kinh doanh đạt được sau khi Nghị quyết 19 có hiệu lực thì như thế nào?

So với mục tiêu thì chỉ số khởi sự kinh doanh đạt mục tiêu; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư cơ bản đạt; chỉ số tiếp cận điện dù nỗ lực lớn nhưng vẫn còn xa mới đạt, do khoảng thời gian nhà đầu tư phải xin giấy phép các loại.

Nói chung, những chỉ số mà bên hành pháp chịu trách nhiệm thực hiện thì có thúc đẩy, nhưng những chỉ số bên tư pháp như phá sản DN và giải quyết tranh chấp qua biên giới thì chưa thấy có sự cải thiện nhiều. Họ không có ý thức cần thay đổi, không có động lực phải thay đổi, họ cũng không có sức ép nào buộc phải thay đổi. Đấy thực sự là thách thức.

Trong khi, đáng lẽ với sự vô lý của thủ tục hiện nay, những người trực tiếp làm phải tìm cách phối hợp với nhau để làm sao giải quyết công việc tốt nhất trong khuôn khổ luật pháp. Rõ ràng, tôi không thấy công chức trăn trở suy nghĩ làm sao để cho tốt hơn, làm thế nào để hướng dẫn người dân, DN hoàn thành thủ tục đúng và nhanh. Điều này cũng lý giải vì sao một chủ trương tốt mà thực hiện thì chậm, dù Thủ tướng - người đứng đầu Chính phủ - rất quyết tâm cải cách.

Vậy phải kích vào đâu, thúc vào ai để những cải cách như Nghị quyết 19 yêu cầu mang lại lợi ích thực sự cho DN, cho người dân có hiệu lực, hiệu quả?

Trước hết là ở ý thức vai trò của các bộ trưởng và lãnh đạo địa phương. Nếu bộ trưởng quan tâm chỉ đạo là xong ngay, sửa một thông tư đâu có khó. Thế nhưng ngược lại, có bộ lại ký ngay một văn bản giải trình ngược lại Nghị quyết 19 với tư tưởng họ phải làm thế mới đúng để quản lý.

Nhiều bộ và địa phương hiện vẫn còn mang nặng cách thức quản lý kiểu phải thanh tra kiểm tra để phát hiện ra lỗi, hơn là ý thức tăng cường thanh tra kiểm tra để người dân và DN tuân thủ pháp luật, không vi phạm, không gặp lỗi.

Ông có tin các mục tiêu Nghị quyết 19 đặt ra sẽ đạt được?

Tôi cho rằng không nên kỳ vọng sẽ thay đổi được tất cả ngay, nhưng cũng không bi quan. Quyết tâm chính sách đã có đủ, quan trọng bây giờ là sự quyết liệt thực thi ở cấp bộ và địa phương, cấp cơ sở để những mục tiêu cải cách thực sự đi vào cuộc sống. Chúng ta sẽ làm được. Trước hết là phát hiện vấn đề, chỉ ra vấn đề để thay đổi nhận thức, tạo nên động lực và sức ép thay đổi.

Xin cảm ơn ông!

Phải thấy rằng có những vướng mắc tưởng đơn giản như câu chuyện hóa đơn gốc, hay thời gian thông quan… nhưng hệ quả của nó là khiến Việt Nam tự đẩy mình ra khỏi cuộc chơi toàn cầu.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục