Thị trường mở trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể trở thành vô nghĩa nếu không biết tận dụng cơ hội và chấp nhận cạnh tranh lành mạnh
Càng hội nhập càng phải quyết liệt với tái cơ cấu
- Cập nhật : 25/11/2015
(Kinh te)
Việc tái cấu trúc quản trị các ngân hàng đã được đặt ra từ rất lâu nhưng không phải ngân hàng nào cũng quyết tâm thực hiện. Dù còn nhiều thác thức song các ngân hàng muốn vững mạnh trong hội nhập buộc phải minh bạch hóa thông tin và hạn chế sở hữu chéo...
Năm 2015 là một năm quan trọng đối với các ngân hàng Việt Nam. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập dự kiến sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn, góp phần thúc đẩy hơn nữa những tiềm năng của đất nước và theo đó sẽ ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến các ngân hàng Việt Nam.
Song song với việc tăng cường hội nhập ASEAN, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng, từ đó dẫn đến những sự hợp nhất cũng như việc tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) Nhà nước.
Tất cả những yếu tố này mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Các ngân hàng phải làm sao đạt được những chuẩn mực cao về quản trị để đứng vững trước các cải cách, duy trì năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài.
Quản trị tốt là yêu cầu đặc biệt quan trọng để bảo đảm sự lành mạnh, ổn định của ngành ngân hàng, từ đó sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng là nơi nắm giữ đáng kể sự tín nhiệm của người dân vì quản lý một phần lớn của cải của đất nước dưới dạng tiền gửi tiết kiệm, cũng như cung cấp một lượng vốn lớn cho các DN. Đồng thời, ngân hàng cũng phải đối mặt với những thử thách riêng trong vấn đề quản trị vì bản chất của ngành này luôn chứa đựng những rủi ro, vì thế cần phải có khung cơ chế vững chắc, chuyên sâu để xử lý, kiểm soát rủi ro. Sự sụp đổ của một ngân hàng không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng đó, mà có thể tác động trực tiếp đến toàn hệ thống.
Theo Đề án 254 của NHNN được ban hành ngày 01/03/2012, quy định Các TCTD yếu kém và các TCTD khác phải củng cố và đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ chuẩn mực quốc tế, trong đó bao gồm 2 giải pháp chính là: minh bạch hoá thông tin và hạn chế sở hữu chéo và thao túng của các cổ đông lớn.
Minh bạch hoá thông tin
Trong nhiều năm gần đây, mức độ công khai, minh bạch của các DN Việt Nam luôn đứng ở vị trí cuối, sau các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan trong Báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng. Đây là một khảo sát về các mô hình quản trị DN của những công ty niêm yết lớn nhất, trong đó có nhiều ngân hàng ở 6 thị trường ASEAN hàng đầu.
Để triển khai các biện pháp trên một cách hiệu quả, các ngân hàng cũng cần phải thay đổi cách thức lập báo cáo tài chính. Hiện các ngân hàng đang thực hiện quy định áp dụng Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). VAS có nhiều khác biệt so với Hệ thống chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính Quốc tế (IFRS) và cần được cải thiện về cách thức thể hiện tình hình tài chính của các ngân hàng. Những khiếm khuyết của VAS phần nào đã bộc lộ qua việc số liệu về tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng được điều chỉnh quá thường xuyên. Việt Nam đang có những nỗ lực và biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa VAS và IFRS, nhưng sẽ mất nhiều thời gian.
Dẫu vậy cũng phải thừa nhận, đã có tiến bộ đáng kể trong quy định về công khai thông tin của các công ty đại chúng, niêm yết, nhất là sau khi các quy chế về quản trị công ty và quy định về công bố thông tin được Bộ Tài chính ban hành năm 2012.
Quan trọng hơn nữa, ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhờ việc có quy chế rõ ràng về quản trị DN, trong đó có các hướng dẫn về công khai, minh bạch. Điều này không chỉ giúp các ngân hàng nâng cao uy tín với nhà đầu tư mà còn giúp các ngân hàng chưa niêm yết chuẩn bị tốt hơn cho việc lên sàn, cũng như tiếp tục hỗ trợ quá trình cổ phần hóa các ngân hàng nhà nước. Những biện pháp này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục củng cố khu vực kinh tế tư nhân để sẵn sàng đối mặt với các thử thách trước mắt.
Tăng cường công khai, minh bạch sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện uy tín của ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng Việt Nam bắt buộc phải niêm yết trong thời gian tới. Các ngân hàng của Việt Nam cần áp dụng những giải pháp sau:
Thứ nhất, Làm rõ cơ cấu sở hữu, bao gồm xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng, sở hữu trực tiếp và gián tiếp của cổ đông, thành viên HĐQT, giám đốc điều hành; công bố những thay đổi lớn về quyền sở hữu.
Hai là, tăng cường minh bạch, độ chính xác của những thông tin tài chính quan trọng như chất lượng tài sản, nợ xấu, dự phòng mất vốn, tỉ lệ bảo đảm an toàn, minh bạch hóa các giao dịch nợ phân loại với các đơn vị khác.
Ba là, công khai quy định kiểm tra, phê duyệt giao dịch với bên liên quan, bao gồm định nghĩa thế nào là bên liên quan, công khai một số hoạt động trong kỳ, đặc biệt là hoạt động cho bên liên quan vay vốn hay hoán đổi tài sản với bên liên quan.
Bốn là, tăng cường công khai những thông tin phi tín dụng như mục tiêu chiến lược, giải trình của ban điều hành, các phân tích, tính toán về tín dụng, rủi ro.
Năm là, tăng cường công khai các thông tin liên quan đến quản trị công ty như cơ cấu, hoạt động của HĐQT, tiểu sử thành viên HĐQT, bao gồm quan hệ với cổ đông, cơ chế thù lao, hoạt động của các ban của HĐQT, số thành viên HĐQT có mặt, các quy định khác về quản trị.
Sáu là, tăng cường công khai các quy chế về hành vi, xử lý mâu thuẫn.
Bảy là, bảo đảm công bố báo cáo tài chính kịp thời.
Tám là, công khai báo cáo tóm tắt của kiểm toán độc lập, bao gồm mọi dịch vụ phi kiểm toán đã thực hiện, mức phí.
Chín là, tăng cường công khai các thông tin chung trên trang web, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Tăng cường hoạt động tích cực của bộ phận quan hệ nhà đầu tư.
Hạn chế sở hữu chéo và thao túng của các cổ đông lớn
Sở hữu chéo luôn có tác động 2 mặt đối với nền kinh tế và với bản thân mỗi chủ thể tập đoàn, ngân hàng và doanh nghiệp tham gia các sở hữu loại này:
Một mặt, trong trường hợp tốt nhất, sở hữu chéo góp phần cải thiện sự hỗ trợ vốn, công nghệ, kinh nghiệm và hiểu biết lẫn nhau giữa các đối tác; thúc đẩy hoạt động liên kết kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và quốc tế; góp phần nâng cao năng lực quản trị, tài chính, công nghệ, nhân sự, mở rộng quy mô, thị phần, cải thiện sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, nhất là đối với DN và ngân hàng nhỏ; hình thành nên một cơ cấu sở hữu và quản trị ổn định trong các DN và ngân hàng.
Hơn nữa, sở hữu chéo cho phép các ngân hàng khai thác được các cơ hội và tiềm năng kinh doanh có lợi trên thị trường; đa dạng hóa hoạt động và phân tán rủi ro kinh doanh; đồng thời, cho phép đạt hiệu quả khống chế, chi phối thị trường cao với một lượng vốn cổ phần nhỏ theo "mô hình kim tự tháp".
Mặt khác, trong nhiều trường hợp, sở hữu chéo gây hệ lụy khôn lường cả vi mô và vĩ mô, nhất là khi nó bị lạm dụng để phục vụ lợi ích nhóm hay để che giấu tình trạng “ọp ẹp” về tài chính của các DN và ngân hàng có liên quan. Sở hữu chéo gây tình trạng mù mờ về sở hữu thực, thực trạng lỗ, lãi và trách nhiệm giải trình, dẫn đến làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý đối với DN và ngân hàng.
Việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng tạo điều kiện để cho các DN sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia. Đặc biệt nguy hại nếu sở hữu chéo bị lạm dụng và biến tướng thành sự lũng loạn để thiết kế bộ máy lãnh đạo DN và ngân hàng tham gia sở hữu chéo chỉ bao gồm những "người trong cuộc" và họ có quyền, có cách chi phối, vô hiệu hóa các cơ chế kiểm soát nội bộ và kiểm toán bên ngoài, khiến hoạt động tài chính nội bộ bị méo mó nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phá sản của DN và ngân hàng, đồng thời đe dọa đổ vỡ lớn cho hệ thống tài chính nói chung.
Khi bị lạm dụng có chủ đích với quy mô lớn và thường xuyên, sở hữu chéo tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng, vô hiệu hóa các giới hạn và nguyên tắc an toàn tín dụng theo quy định của ; nguồn vốn và các dòng tiền của các ngân hàng không được đánh giá đúng và giám sát chặt chẽ, sự thâu tóm bất hợp pháp thậm chí biến ngân hàng thành công ty gia đình hay chỉ của một vài cá nhân.
Do đó, Luật hóa vấn đề sở hữu chéo là việc rất cần thiết hiện nay. Đồng thời, tăng cường vai trò và kết hợp chặt chẽ hoạt động của cơ quan giám sát ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán về một mối, đồng bộ, thông suốt là vô cùng quan trọng để làm rõ "bức tranh" phức tạp đã hình thành và tìm cách ngăn chặn sự lặp lại sở hữu chéo trong tương lai.
Thực tế cho thấy, cần tăng tốc quá trình áp dụng và giám sát các tiêu chuẩn an toàn theo yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế (Basel II và III đối với ngành ngân hàng) vào hoạt động kinh doanh và quản lý hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Đồng thời, cần tăng mạnh hơn hàng chục lần mức chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng theo tỷ lệ thuận tương xứng với quy mô và lợi nhuận thu được từ sự vi phạm mới thực sự có giá trị răn đe, cảnh báo cao và giúp ngăn ngừa tái diễn cố ý các vi phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Bên cạnh việc NHNN giám sát các quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu giữa các ngân hàng với nhau, cũng như yêu cầu các tập đoàn nhà nước phải thoái vốn khỏi các tổ chức tài chính, tín dụng theo đúng lộ trình của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm nghiên cứu và thành lập thêm những định chế tổ chức, những bộ phận độc lập để cảnh báo, kiểm soát và điều tra những vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng, tách biệt và kiểm soát chặt chẽ giữa chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại ở Việt Nam nhằm chỉ đạo kịp thời, chính xác việc giảm thiểu sở hữu chéo không cần thiết theo mục tiêu đã đề ra.
Tóm lại, việc tái cấu trúc quản trị các ngân hàng đã được đặt ra từ rất lâu nhưng không phải ngân hàng nào cũng quyết tâm thực hiện. Những khó khăn trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua là thách thức nhưng là động lực khiến hệ thống ngân hàng phải thay đổi. Việc minh bạch hoá thông tin của các ngân hàng và hạn chế sở hữu chéo, thao túng của các cổ đông lớn là 2 công việc quan trọng hàng đầu đã được đề cập trong Đề án 254 của NHNN nhằm giúp cho quá trình tái cấu trúc hệ thống quản trị ngân hàng ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế trong quá trình hội nhập.