Theo HSBC, mặc dù tăng trưởng GDP quý III cải thiện song điều kiện sản xuất tháng 9 lần đầu tiên đã sụt giảm kể từ tháng 8/2013 cho thấy, Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái chu kỳ của thương mại toàn cầu.
DNNVV: Cần xây dựng cụm liên kết ngành
- Cập nhật : 20/11/2015
(Kinh te)
Tại Hội thảo “Lao động và DNNVV trong bối cảnh kinh tế mới” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những hạn chế của khu vực DN tư nhân. Đó là sự yếu về vốn, hạn chế về nguồn nhân lực, cũng như khả năng tìm kiếm mở rộng thị trường còn hạn chế...
“Những hạn chế này của khối DN tư nhân đã được nhắc tới từ nhiều năm nay, nhưng tới nay vẫn chưa thay đổi được gì đáng kể. Do vậy chúng tôi không muốn gọi là “hạn chế” nữa, mà phải gọi là “bức xúc” của DN tư nhân, mới đúng”, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam nói.
Theo ông Nam, hiện vẫn chưa có chính sách nào coi DNNVV là trung tâm. “Quan sát mấy năm gần đây chúng tôi thấy DNNVV đang… bé dần đi. Điều này liệu có gì đó bất thường với nền kinh tế? Nếu quy mô như thế mà vẫn muốn tăng số lượng thì sẽ ra sao?”, ông Nam nêu vấn đề và tự đưa ra lời giải đáp rằng, thực tế thì DNNVV đang “bé dần đi”, nhưng tổng mức đóng góp cho ngân sách Nhà nước thì không giảm. Từ đó cho thấy, về mặt tổng thể khối DN này vẫn tăng trưởng.
“Chúng tôi hỏi một số chủ DNNVV có mong muốn/cần phải “lớn lên” không, thì câu trả lời khá bất ngờ, đó là đa số nói rằng không muốn, vì họ chỉ cần quy mô như vậy, ít lao động, dễ quản lý! Điều mà phần lớn DNNVV cần là môi trường kinh doanh ổn định, tạo thuận lợi cho họ làm ăn, kinh doanh”, ông Nam cho biết thêm.
Từ thực tế trên, một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Nhà nước nên nhìn nhận một thực tế, là khi xây dựng chính sách không nhất thiết “buộc” DN phải lớn, cho dù nền kinh tế rất cần có DN lớn làm đầu tàu dẫn dắt. Cái cần hơn là chính sách để DN liên kết thật tốt.
Nhắc lại những trường hợp điển hình như Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai đã xem DNNVV là động lực phát triển đất nước; hay Hàn Quốc thì coi DNNVV là xương sống của nền kinh tế…Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, DNNVV Việt Nam hiện nay có thể ví như… chiếc thuyền thúng! Mà tất cả đều gặp vấn đề về môi trường kinh doanh, nguồn vốn, thị trường… nên nếu không liên kết, thì khi hội nhập chỉ cần “đợt sóng vừa vừa” là gặp vấn đề. Ngược lại, nhiều “chiếc thúng” liên kết với nhau thì dù sóng to gió lớn vẫn vượt qua được.
Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, đã đến lúc cần phải có một đạo luật phù hợp dành riêng cho loại hình DN này cùng những hỗ trợ cần thiết. Kế đến cần phải thành lập một Ủy ban quốc gia hỗ trợ DNNVV tăng về số lượng. Và vấn đề quan trọng nhất hiện nay, là phải nhanh chóng khớp nối hệ thống pháp luật Việt Nam với quốc tế, bởi nếu không thì nhiều khả năng sắp tới DN sẽ phải hứng chịu thêm cú “sốc” mới về sự vênh của luật pháp.
Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/06/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV có nói về hộ kinh doanh cá thể, nhưng hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về loại hình này. Thống kê từ Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho thấy, trong mọi điều kiện, khu vực này đều tăng trưởng 150% (tính từ 2006 tới nay), tạo ra hơn 1 triệu việc làm. Nếu xét về hiệu quả, khu vực DNNVV hiệu quả gấp đôi DNNN, và không chênh lệch lắm so với khối DN FDI.