Kim ngạch nhập khẩu các dây chuyền, thiết bị công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc đang tăng mạnh, tạo ra sự lo ngại cần thiết.
Toàn cảnh về khu vực FDI tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm
- Cập nhật : 19/07/2016
Môi trường đầu tư thông thoáng nhiều thuận lợi đã khiến cho dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam 6 tháng vừa qua tăng hơn 100%.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,284 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn giải ngân đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực FDI tiếp tục chiếm ưu thế trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, với hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 58,565 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 5 tháng đầu năm 2016 đạt 57,434 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2015 và chiếm 69,8% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính trong 5 tháng đầu năm 2016 đạt 47,296 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 58,6% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2016, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,269 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 10,138 tỷ USD không kể dầu thô.
Về lĩnh vực, nửa đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 488 dự án đầu tư đăng ký mới và 405 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8,06 tỷ USD, chiếm 71,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 562,3 triệu USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư.
Về đối tác, hiện có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,99 tỷ USD, chiếm 35,37% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,229 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,129 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.
Trong 6 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 22 dự án cấp mới và 17 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,742 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,63 tỷ USD, chiếm 14,45%. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,07 tỷ USD và 928,9 triệu USD.
(Trithuctre)