Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu rau quả ra thị trường nước ngoài đạt 585,5 triệu USD, giảm 9,9% so với 2 tháng đầu năm 2018; trong đó riêng tháng 2/2019 đạt 231,68 triệu USD, giảm 34,7% so với tháng 1/2019 và giảm 13,3% so với tháng 2/2018.
Toàn cảnh xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2016
- Cập nhật : 16/07/2016
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đạt được mục tiêu do Quốc hội giao.
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9%, còn kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 80,71 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, cả nước đã xuất siêu gần 1,5 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch XK.
Theo đánh giá chung, kết quả như vậy là chưa cao, chưa đạt được kỳ vọng mong đợi là mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% do Quốc hội đề ra. Nguyên nhân được đưa ra là bị ảnh hưởng bởi cả 2 yếu tố về giá và lượng. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng có một vài điểm sáng, như là các nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng cao với mức tăng 6% (cùng kỳ năm ngoái giảm 8,9%) và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng dương, đạt mức tăng 3,3% (cùng kỳ năm ngoái giảm 2,7%).
Dù vậy, tương quan giữa đóng góp cho xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, đóng góp của khu vực kinh tế trong nước thấp hơn gần 2,5 lần so với khu vực FDI. Về nhập khẩu, khu vực FDI cũng nhập khẩu nhiều hơn khu vực kinh tế trong nước hơn 1,4 lần, những hàng hoá nhập về thường là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chế tạo.
Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 17,1 tỷ USD, tăng 16,7%; dệt may đạt 10,7 tỷ USD, tăng 5,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,9 tỷ USD, tăng 7,1%; giày dép đạt 6,3 tỷ USD, tăng 8,8%. Một số mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Gạo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 2,7%; dầu thô đạt 1,1 tỷ USD, giảm 46,6% (lượng giảm 23%); sắt thép đạt 832 triệu USD, giảm 5,2%; cao su đạt 530 triệu USD, giảm 12,3%.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 37,4 tỷ USD, tăng 6,3% và chiếm 45,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 33,5 tỷ USD, tăng 5,1% và chiếm 40,7%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8% và chiếm 10,1%. Hàng thủy sản ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 4,4% và chiếm 3,7%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 17,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 16,3 tỷ USD, tăng 9,8%; Trung Quốc đạt 9,2 tỷ USD, tăng 14,3%; Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 39%. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, giảm 12,6%; Nhật Bản đạt 6,6 tỷ USD, giảm 1,3%.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước: Máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác đạt 13,1 tỷ USD, giảm 5,9%; xăng dầu đạt 2,4 tỷ USD, giảm 17,5% (lượng tăng 28,1%); điện thoại và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD, giảm 7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 878 triệu USD, giảm 19,4%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,5 tỷ USD, tăng 12,1%; vải đạt 5,1 tỷ USD, tăng 3,5%; sắt thép đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,8%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 2,6 tỷ USD, tăng 2,3%; kim loại thường khác đạt 2,2 tỷ USD, tăng 24,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,3%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 73,7 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, trong đó nhóm máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng đạt 33,1 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 41%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 40,6 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 50,3%. Nhóm hàng tiêu dùng 6 tháng ước tính đạt 7,1 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,7% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, 6 tháng đầu năm nay Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 23,3 tỷ USD, giảm 2,9%. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 14,9 tỷ USD, tăng 7,9%; ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, giảm 3,4%; Nhật Bản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 6,3%; EU đạt 4,6 tỷ USD, giảm 6,5%; Hoa Kỳ đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2%.
(Trithuctre)