Năm 2015, Việt Nam đã thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài lên đến gần 23 tỉ USD và dự báo dòng vốn này tiếp tục tăng mạnh khi nhà đầu tư nước ngoài vào để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do
Thủ tướng giao NHNN chủ trì nghiên cứu việc huy động vàng và tiền trong dân
- Cập nhật : 06/07/2016
Vấn đề huy động được nguồn lực trong dân (gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng tưởng kinh tế, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xem xét và báo cáo Chính phủ trong phiên họp sau.
Ngày 01/7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp của Chính phủ trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Kết luận phiên họp, Thủ tướng đã đề ra các định hướng, giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 2016.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt các điểm lớn thể hiện tinh thần chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cụ thể: Quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí, kỷ luật, kỷ cương, phục vụ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; Tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý tốt hơn để người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Cùng với đó, tăng cường minh bạch, trách nhiệm thực thi, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong tất cả các lĩnh vực, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong hành động và chính sách; Đẩy mạnh xã hội hóa, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, tạo việc làm mới. Các ngành, các địa phương đều phải có đề án xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp; Mặt khác, các ngành, các cấp thực hiện xử lý công việc và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, đặc biệt lưu ý công tác phối hợp để giải quyết các vấn đề liên ngành.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tăng cường kỷ luật kỷ cương phải được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách hàng đầu của Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện có diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nêu rõ quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu Quốc hội đã giao, điều hành quyết liệt, ưu tiên tập trung xử lý các điểm nghẽn để tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề ra hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt tiêu đề ra, đó là:
Tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, trong đó hết sức lưu ý rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; xóa triệt để "giấy phép con".
Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch, lộ trình cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, trong đó thể hiện rõ chủ trương tăng tỷ lệ vốn bán ra, bán cả doanh nghiệp lãi cao, bán hết phần vốn nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất bởi nông nghiệp, tận dụng mọi thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Thủ tướng lưu ý không vì môi trường đầu tư mà bỏ qua môi trường sống của người dân.
Vấn đề huy động được nguồn lực trong dân (gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng tưởng kinh tế, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xem xét và báo cáo Chính phủ trong phiên họp sau…
(Trithuctre)