tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

"Ngân sách có chừng mực, phải huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư giao thông"

  • Cập nhật : 05/01/2016

(Kinh te)

“Ngân sách và phát hành trái phiếu có chừng mực, phải đảm bảo an toàn nợ công, mà muốn xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thì phải huy động nguồn lực ngoài xã hội, trong và ngoài nước để đầu tư. Muốn huy động được phải có cơ chế chính sách, nhà đầu tư có hiệu quả thì mới làm được” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá tổng quát về tình hình kinh tế năm 2015 tại Hội nghị Tổng kết của ngành Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thành tựu lớn nhất là kiểm soát lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, giá trị đồng tiền Việt Nam được đảm bảo, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất và tăng dự trữ ngoại tệ, thu chi ngân sách, đảm bảo an ninh an toàn nợ công....

Cùng ổn định kinh tế vĩ mô, việc thực hiện đạt hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế đã làm tăng năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn huy động được nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở.

Thủ tướng đánh giá, mức tăng GDP năm 2015 là 6,68% và bình quân 5 năm là trên 5,59% có được là sự đóng góp rất rõ của ngành giao thông. Trong đó, đáng chú ý là ngành đã huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước nhất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cũng là giai đoạn mà ngành đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng giao thông đồng bộ nhất.

“Trong bối cảnh lạm phát, vốn liếng lãi suất ngân hàng khó khăn nhưng ngành đã có nhiều cố gắng, mà nổi bật nhất là huy động nhiều nguồn lực quyết định, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài xã hội để phát triển, trong đó nhiều công trình không chỉ ở đô thị mà còn đường nông thôn” – Thủ tướng đánh giá.

Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu DNNN thuộc Bộ Giao thông vận tải cũng đạt được kết quả tích cực theo đánh giá của Thủ tướng. Dẫn chứng, trong 5 năm qua cả nước cổ phần hóa hơn 500 DNNN thì riêng đơn vị trực thuộc bộ cổ phần hóa được137 DN, chiếm gần 30%. Ngoài ra, những nỗ lực trong cải cách thể chế, kiểm soát có hiệu quả tai nạn giao thông cũng là những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, bước vào năm 2016 còn nhiều khó khăn, Thủ tướng cho rằng cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần nâng cao năng lực và hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành. Trong đó tập trung vào thể chế, cải cách luật pháp để ngành có thị trường hơn và hội nhập tốt hơn, huy động nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển.

“Ngân sách và phát hành trái phiếu có chừng mực, phải đảm bảo an toàn nợ công, mà muốn xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thì phải huy động nguồn lực ngoài xã hội, trong và ngoài nước để đầu tư. Muốn huy động được phải có cơ chế chính sách, nhà đầu tư có hiệu quả thì mới làm được” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, vấn đề quan trọng hàng đầu theo Thủ tướng là phải nâng cao hiệu quả nguồn lực Nhà nước, thể chế trên cơ sở đề nghị xây dựng luật và nghị dịnh, thông tư… để hoàn thiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch nhằm thu hút đầu tư xã hội.

Thứ hai, cần tập trung chỉ đạo để huy động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả, thông qua từng dự án cụ thể. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải rà soát lại từng dự án, ở từng địa phương để có cơ chế thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức ở từng dự án.

Thứ ba, Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải, năng lực vận tải đa phương thức, giảm giá thành và chi phí vận tải, từ đó tạo động lực tăng năng suất chất lượng vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo Thủ tướng, hiện nay chi phí vận tải còn lớn, nên việc nâng cao năng suất, hạ giá thành và chi phí là rất cần thiết.

Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu tập trung tiếp tục chỉ đạo đảm bảo an toàn vận tải, giao thông để giảm số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông. Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên cơ sở tính toán lại đầu tư, đặc biệt tại thành phố lớn.

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, DNNN và sự nghiệp công. tập trung vào cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phát triển, bảo đảm đời sống việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục