tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sẽ cân nhắc tỷ lệ nợ doanh nghiệp

  • Cập nhật : 02/09/2017

Việc đánh thuế vào chi phí lãi vay sẽ gián tiếp làm chi phí DN leo thang, thực tế lãi suất đi vay chính là chi phí tài chính của DN.

Bộ Tài chính mới đây có tờ trình đề nghị sửa đổi các luật thuế, trong đó có yêu cầu khống chế chi phí đối với các khoản lãi suất cho vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của các DN đang tạo ra những tranh luận trái chiều trong giới doanh nhân.

Chi phí lãi vay dễ kêu ca

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cuối tháng 6/2017 có công bố 60% chi phí các DN hiện đang phải chi trả không chính thức để được yên ổn làm ăn mà không thể công khai với các cơ quan thuế vụ. Trong khi đó lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, khi các chi phí không chính thức DN phải trả để duy trì các mối quan hệ đều phải hạch toán vào tài chính DN. Thế nhưng, khi ra các diễn đàn các chủ DN không thể kêu ca các chi phí ngầm này với cơ quan Nhà nước, do họ sợ làm khó trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính đối với DN.

lai suat huy dong khong giam duoc nhung lai vay phai giam se gay ra ap luc chi phi doi voi cac nhtm

Lãi suất huy động không giảm được nhưng lãi vay phải giảm sẽ gây ra áp lực chi phí đối với các NHTM

Như chúng ta đã biết, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên một thực trạng thủ tục hành chính giăng khắp nơi. Đó là “nuôi con gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý các “giấy phép con, giấy phép cháu” để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngay từ đầu năm nay Chính phủ đặt mục tiêu năm 2017 là năm giảm chi phí cho DN, nên có thể từ nay đến cuối năm sẽ không tăng thuế, phí tạo áp lực lên cộng đồng DN. Một lãnh đạo DN nói với phóng viên Thời báo Ngân hàng, chi phí không chính thức của DN rất nhiều nhưng không ai dám kêu vì sợ các cơ quan thực thi chính sách làm khó khi thực hiện các thủ tục hành chính. Cuối cùng chỉ còn biết kêu lãi suất, tỷ giá, thủ tục vay vốn ngân hàng thì dường như không… chết ai. Bởi bản chất của NHTM cũng chính là một DN đang kinh doanh tiền tệ nên hiểu theo nghĩa nào đó DN làm ra hàng hóa, ngân hàng thì tạo ra các dịch vụ tài chính cung ứng vào đời sống dân sinh.

Theo một lãnh đạo ngân hàng ở TP.HCM, nếu đánh thuế vào chi phí lãi vay của DN không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn tác động rất lớn vào môi trường kinh doanh, trong đó có các NHTM. Điều dễ nhận thấy nhất là việc đánh thuế vào chi phí lãi vay sẽ gián tiếp làm chi phí DN leo thang, thực tế lãi suất đi vay chính là chi phí tài chính của DN. Chưa kể đánh thuế vào chi phí lãi suất của người vay vốn sẽ tác động vào chính sách tiền tệ, khi mà Chính phủ đang yêu cầu giảm lãi suất cho vay mà không giảm lãi suất huy động. Điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của chính các NHTM khi đang ra sức tiết giảm chi phí điều hành để tạo lãi suất đầu ra với chi phí thấp.

Khó xác định chi phí trả lãi để khấu trừ thuế

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB đã từng trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, những DN nào có tỷ lệ sử dụng vốn vay ngân hàng gấp 4-5 lần vốn tự có thì các ngân hàng không mặn mà mở rộng tín dụng vào những DN đó. Những DN có năng lực tài chính tốt, sử dụng vốn vay gấp 2-3 lần các NHTM vẫn có thể xem xét về đầu ra sản phẩm để cấp tín dụng mà không cần tài sản thế chấp.

Băn khoăn về việc không cho phép trừ chi phí trả lãi của các khoản vay vượt tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu. TS. Phạm Phú Quốc, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: Nếu vay nhiều rủi ro cao, sao không cấm mà vẫn cho phép rồi tính thuế cao? Bộ Tài chính lý giải lý do không cho phép DN khấu trừ chi phí trả lãi phần nợ vượt giới hạn là vì muốn lành mạnh hoá tài chính DN. Vấn đề đặt ra là, nếu coi việc vay vượt giới hạn sẽ gây rủi ro cho DN thì lẽ ra phải cấm, chứ sao còn cho phép? Hơn nữa, đã rủi ro cao mà phần chi phí lãi vay nói trên lại không được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế thì cũng giống như đánh thuế cao hơn. “Như vậy, làm DN càng dễ gặp rủi ro hơn. Điều này cũng giống như, thay vì sợ lửa thì phòng cháy, đằng này cho cháy rồi đổ thêm dầu vào”, TS. Quốc nêu quan điểm.

Cách làm của Bộ Tài chính dường như muốn lo thay các chủ nợ. Khi cho vay, chủ nợ sẽ tự cân nhắc tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu tối đa đối với khách hàng của mình. Khi chấp nhận tỷ lệ đó cao, nghĩa là rủi ro cao, họ sẽ đòi khách hàng phải trả lãi cao hơn, để bù đắp rủi ro. Nhưng với quy định của Bộ Tài chính đã lo hộ và hưởng luôn hộ phần bù đắp rủi ro đó cho chủ nợ, nếu chủ nợ vẫn tiếp tục tính phần bù rủi ro ấy thì khó khăn sẽ đè nặng thêm lên DN.

Theo TS. Quốc, xác định chi phí trả lãi nào được hay không được khấu trừ không đơn giản. Giả sử DN có 7 tỷ đồng nợ và 1 tỷ đồng vốn sở hữu. Tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu là 7:1, vượt tỷ lệ cho phép tối đa là 5:1. Trong trường hợp này, DN có 2 tỷ đồng nợ vượt mức cho phép nên chi phí trả lãi của 2 tỷ đồng đó sẽ không được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế. Nhưng vấn đề là, trong 7 tỷ đồng đó (các) khoản nợ nào sẽ được xem nằm trong 2 tỷ đồng vượt tỷ lệ cho phép nói trên? Câu hỏi này thiết nghĩ rất cần thiết vì các khoản nợ khác nhau chi phí lãi vay khác nhau và để trả lời cho câu hỏi này đòi hỏi việc hạch toán cũng như kiểm tra không đơn giản. Bên cạnh đó, DN cũng có thể lách bằng cách khai báo các khoản vay với lãi suất cao phát sinh trước và các khoản vay với lãi suất thấp hoặc nợ mua chịu không có lãi phát sinh sau để đối phó.

“Tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu cao hơn chưa chắc rủi ro cao hơn”, TS. Quốc nói. Dường như cơ quan soạn thảo đang coi DN có tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu cao thì rủi ro hơn DN có tỷ lệ này thấp hơn. Nhưng thật ra, tỷ lệ cao hơn chưa chắc rủi ro cao hơn vì còn phụ thuộc vào chất lượng tài sản nội lẫn ngoại bảng, triển vọng kinh doanh và môi trường kinh doanh của DN… Ngoài ra tỷ lệ khống chế cho ngân hàng là 12:1 không phù hợp với thông lệ quốc tế mà ngân hàng đang theo, tính theo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), tối thiểu 8%.

Trở về

Bài cùng chuyên mục