Theo kế hoạch mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp được Bộ Công Thương đưa ra, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 sẽ tăng khoảng 9% so với năm 2015.
"Quy hoạch hạ tầng giao thông Việt Nam khá dở"
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tin kinh te)
Các chuyên gia đánh giá quy hoạch hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay quá dở, dẫn tới tình trạng thời gian qua, mặc dù số tiền đổ vào đầu tư xây dựng cơ sơ hạ tầng giao thông không hề nhỏ nhưng hiệu quả đạt được lại chưa như mong đợi.
Đầu tư gấp đôi thế giới
Phát biểu tại Hội thảo “Vốn để phát triển hạ tầng giao thông: Nhu cầu và giải pháp” do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức đầu tuần này, ông Huỳnh Thế Du, thành viên Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết: Trong hai thập niên trở lại đây, nguồn vốn dành cho giao thông của Việt Nam gấp đôi với mức bình quân đầu tư của nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể từ năm 1995 đến nay, bình quân đầu tư vào hạ tầng giao thông trên tổng số GDP của Việt Nam dao động khoảng 4-5%, trong khi đó con số này của nhiều nước tiên tiến trên thế giới chỉ là 2-3%.
Theo ông Du, vấn đề ở đây không phải là thiếu vốn mà quan trọng là hiệu quả đầu tư. Hiện nay chi phí đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam đang khá cao so với chi phí trên thế giới nhưng nghịch lý là đầu tư xong nhiều tuyến đường lại không thu hút được nhiều người đi. Rõ ràng, tiền bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả thấp.
Xung quanh vấn đề này, theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Quy hoạch hạ tầng giao thông hiện nay khá dở. Suốt thời gian qua, đầu tư hạ tầng giao thông của Việt Nam tồn tại không ít sai lầm trong hầu hết các lĩnh vực.
Trước hết với đường bộ, khi đầu tư những công trình quan trọng như đường Hồ Chí Minh không căn cứ vào việc có bao nhiêu xe, lưu lượng đi lại ra sao, chỉ tập trung làm để phục vụ cho mục đích chính trị, quốc phòng an ninh. Trong khi đó, có nhiều tuyến đường khác nhu cầu đi lại lớn mà lại dở dang.
Ngoài ra, khi làm một số tuyến đường lớn như quốc lộ 1A lại thiếu sự đồng bộ, không tính tới các đường liên quan như đường rẽ sang Tây Nguyên hay đường xuống ĐBSCL.
“Sai lầm lớn nữa là xây dựng hạ tầng hàng không. Ở Việt Nam gần như chỗ nào cũng mọc ra sân bay, khoảng cách 300km đã muốn xây dựng sân bay. Mà sân bay nào cũng muốn xây dựng lớn trong khi chưa thực sự tính toán kỹ lưỡng vấn đề lưu lượng vận chuyển, khả năng thu hồi vốn ra sao… Bộ Giao thông Vận tải còn đưa ra chủ trương nhượng quyền sử dụng sân bay, bến cảng… mà chưa có thể chế cụ thể ”, ông Hồ nhấn mạnh.
Liên quan tới đường sắt, theo ông Lưu Bích Hồ, Việt Nam đến nay vẫn chưa có 1km đường sắt nào thực sự đảm bảo yêu cầu. Việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc- Nam được bàn lên bàn xuống suốt thời gian qua xem xây dựng như thế nào, tốc độ ra sao… nhưng cũng chưa biết tương lai có làm nổi như kế hoạch vạch ra hay không.
Đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư
Theo ông Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Đến giờ thực chất vẫn chưa rõ được quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông như thế nào.
“Việt Nam là nước đất chật người đông. Nếu cứ phát triển hạ tầng giao thông rầm rộ như hiện nay thì tương lai chẳng còn đất mà làm đường. Trước mắt, cần phải rà soát lại toàn bộ những dự án đầu tư thời qian vừa qua để xem dự án nào thành công, dự án nào chưa thành công, rút kinh nghiệm; rà soát, đánh giá xem hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế từ việc đầu tư hạ tầng giao thông vận tải hiện nay ra sao…, đồng thời thay đổi lại hệ thống cũng như công nghệ đầu tư hạ tầng giao thông”, ông Khuê nhấn mạnh.
Đóng vai trò chủ trì, điều hành hội thảo, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thừa nhận, sự thực quy hoạch hạ tầng giao thông đến nay có nhiều vấn đề bất cập nên hiệu quả tổng thể của phát triển hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế chưa như mong đợi.
Đó là hạ tầng giao thông đường thủy, đường sắt đóng vai trò then chốt, quan trọng trong phát triển kinh tế thì chưa được chú ý tới, trong khi đó lại tập trung đầu tư quá nhiều cho đường bộ. Điều này khiến chi phí vận tải gia tăng.
Ông Thiên cho rằng, kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ đặt ra yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận phát triển hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, thời gian tới để thu hút vốn cho hạ tầng giao thông, rõ ràng đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia các doanh nghiệp thông qua hình thức Đối tác Công tư (PPP) vẫn là cách làm hiệu quả.
Tuy nhiên, theo phương thức thu hút nhà đầu tư cần phải thay đổi. Cụ thể, cần có khuôn khổ pháp lý đảm bảo sự an toàn, giảm rủi ro cho nhà đầu tư.
“Bên cạnh đó, tư cách của nhà đầu tư phải được xác lập vững chắc hơn. Hiện nay, trong triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, nhà đầu tư vẫn ở thế đi xin, còn cơ quan Nhà nước ở thế đi cho. Hai vị thế này hoàn toàn khác nhau, dễ gây thiệt thòi cho nhà đầu tư”, ông Thiên nói.