Khi nhìn thẳng vào “góc khuất”, hầu hết các chuyên gia đều mong muốn hướng tới một cuộc cải cách mạnh mẽ...
Thu ngân sách bị tác động như thế nào khi giảm thuế theo các FTA?
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tai chinh)
Các cam kết FTA đã có tác động nhất định trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, song lại tác động gián tiếp giúp tăng thu ngân sách từ nội địa, đồng thời làm chuyển dịch cơ cấu ngân sách.
Tính đến giữa năm 2015, Việt Nam đã ký 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán, ký kết thêm 5 FTA khác.
“Rõ ràng mức độ mở cửa hội nhập quốc tế rất lớn, tạo cơ hội mới cho phát triển kinh tế song cũng dấy lên những lo ngại về tác động của cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA từ nguồn thu ngân sách, khi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách hàng năm”, TS. Ánh nhận định.
Thu ngân sách chịu tác động mạnh từ việc cắt giảm 90% số dòng thuế nhập khẩu theo cam kết các FTA, song tổng thu ngân sách năm sau đều cao hơn năm trước, vượt dự toán, do nguồn thu nội địa tăng lên. Nguyên nhân chính được TS. Ánh chỉ ra:
Thứ nhất, thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giảm đã tạo điều kiện kích thích xuất nhập khẩu. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đều tăng cao, góp phần thêm cho thu ngân sách, bù đắp cho phần giảm thu do cắt giảm thuế quan, khi quy mô thương mại tăng, quy mô các khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế môi trường từ hàng nhập khẩu cũng tăng.
Dẫn chứng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 lên mức kỷ lục là 150 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với năm 2010 và gấp gần 5 lần so với năm 2005. Tương tự, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2014 là 148 tỷ USD, tăng gần 75% so với năm 2010 và gấp 4 lần so với năm 2005.
Theo đó, thu cân đối từ xuất nhập khẩu năm 2014 được 160.800 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm 2010 và gấp hơn 4,2 lần so với năm 2005. Đáng chú ý là đến năm 2014, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu đưa vào cân đối được 77.400 tỷ đồng, còn thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường hàng nhập khẩu được 83.400 tỷ đồng, trong khi các con số tương ứng năm 2010 là 56.283 tỷ đồng và 74.068 tỷ đồng.
Thứ hai, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thường xuyên ở mức 150 – 160% GDP nên khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết FTA, đã tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh của DN trong nước.
Do đó, những khoản thu tăng thêm từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT… nhờ cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh của trong nước cũng tăng lên, bù đắp và thậm chí vượt phần hụt thu do thực hiện các cam kết FTA.
Năm 2014, thu thuế thu nhập DN được 220.423 tỷ đồng (chiếm 26% tổng thu ngân sách); còn thu thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất trong nước gần 166 ngàn tỷ đòng (chiếm 19,6%). Trong khi con số tương ứng năm 2010 lần lượt là 148.655 tỷ đồng và 98.739 tỷ đồng.
Thứ ba, sức ép từ giảm thu thuế nhập khẩu theo lộ trình thực hiện theo cam kết FTA thúc đẩy cơ quan quản lý thu ngân sách cơ cấu lại theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn thu từ xuất khẩu và nhập khẩu, kể cả xuất khẩu dầu thô và khoáng sản thô.
Theo đó, thu ngân sách đã chuyển sang khai thác tốt hơn các nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Cụ thể, tỷ trọng thu cân đối từ xuất nhập khẩu trong tổng thu ngân sách đã tăng từ 16,7% năm 2005 lên 22,1% năm 2020 và giảm xuống còn 19% năm 2014.
Tuy nhiên, cũng theo TS. Ánh, việc tăng thu ngân sách từ nội địa và chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách chỉ phát huy hiệu quả, khi khu vực kinh tế trong nước thực sự tận dụng được những lợi thế và cơ hội từ thực hiện các cam kết FTA để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả trong thị trường nội địa và thế giới.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)