Theo điều tra, có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), 60% cho rằng AEC không ảnh hưởng đến họ và số doanh nghiệp quan tâm AEC còn thua Lào, Campuchia.
Kiểm soát vốn mỏng, DN lo không theo kịp
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tai chinh)
Quy định nhằm kiểm soát tình trạng vốn mỏng của DN vừa được Bộ Tài chính bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
Theo đó lộ trình từ 1/1/2016, tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu đối với các lĩnh vực còn lại. Tỷ lệ này sẽ còn được hạ thấp xuống kể từ ngày 1/1/2019.
Theo lý giải từ Ban soạn thảo, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định khống chế khoản trả lãi tiền vay được trừ vào chi phí, ngay cả đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, nhiều DN vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính; đồng thời, việc không khống chế khoản chi phí trả lãi tiền vay được trừ vào chi phí cũng dẫn đến tình trạng tránh thuế của các DN, là nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách…
“Ở một số DN FDI, chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn dẫn đến tình trạng lỗ, mặc dù doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm và DN không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đây có thể coi là tình trạng chuyển giá”, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, thay mặt cơ quan soạn thảo luật giải thích.
Cũng theo Ban soạn thảo, tác động của quy định nói trên không quá lớn đến khối DNNN và DN FDI. Tuy nhiên, khi áp vào khối DN tư nhân trong nước thì câu chuyện lại rất khác.
Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay số DN trong ngành có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thuộc nhóm an toàn, không chịu nhiều tác động của quy định là rất ít. Còn lại chủ yếu đều thuộc nhóm có tỷ lệ nói trên ở mức gấp 6-7 lần, thậm chí 9-10 lần… Theo bà Dung, đó là vì các DN ngành dệt may trong nước chủ yếu làm gia công. Đây là những đặc thù tất yếu của DN, nếu áp quy định kiểm soát vốn quá gấp gáp, DN chắc chắn không thể đáp ứng kịp.
Ông Lê Anh Ba, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam cũng lo ngại tình trạng khó khăn tương tự như với DN dệt may xảy ra với kinh doanh BĐS. Bởi DN không thể lúc nào cũng có đủ tiền đầu tư mà 80% phải đi vay. “Quy định cứng như dự thảo đưa ra thì bí cho DN quá”, ông Ba bình luận.
Đứng trên quan điểm dung hoà giữa nhu cầu phát triển, quản lý, với khả năng đáp ứng của DN, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, quy định này là tốt và phù hợp thông lệ quốc tế. Song để thực hiện thì cần giãn lộ trình. Bởi Luật Đầu tư hiện nay đã có quy định để tránh tình trạng DN FDI không có vốn vẫn đầu tư vào Việt Nam, do đó có thể tạm yên tâm về đối tượng này. Còn đối với DN trong nước, để thực hiện theo lộ trình mà ban soạn thảo đưa ra là không hề đơn giản.
Ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc cấp cao Phòng Tư vấn thuế, Công ty Grant Thorton Việt Nam cũng đồng tình và kiến nghị quy định một tỷ lệ cụ thể cho từng ngành nghề.
Về lộ trình thực hiện quy định này, bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn thuế C&A kiến nghị nên giãn ra theo hướng năm 2016 - 2019, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu tối đa là 5 lần, năm 2019 - 2022 là 4 lần; từ năm 2022 trở đi là 3 lần. Như vậy mới đủ thời gian cho DN thực hiện việc sắp xếp, chuyển tiếp, tránh làm xáo trộn hoạt động của DN.