Chỉ khi nào chúng ta phát động được phong trào toàn dân làm kinh tế, chỉ khi nào sự nghiệp làm kinh tế là sự nghiệp của toàn dân,... thì chúng ta mới thực hiện được mục tiêu vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có.
Đối ngoại góp sức giữ chủ quyền
- Cập nhật : 23/01/2016
(Tin kinh te)
Đây là đánh giá được Ủy viên trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu trong bài tham luận trước Đại hội Đảng lần thứ XII sáng 23-1.
“Lần đầu tiên chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước láng giềng, với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mở đầu bài tham luận.
Được sự ủng hộ của công luận quốc tế
Điểm lại thành tựu đối ngoại trong nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết:
Đến nay Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với 8 nước, quan hệ đối tác toàn diện thêm với 3 nước, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước và tổng số đối tác toàn diện lên 10 nước.
Trong đó Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việt Nam cũng đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do ta đã tham gia và đang đàm phán.
Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành viên có tỉ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp xây dựng Cộng đồng.
Năm năm qua, Việt Nam đã vận động được thêm 38 trong tổng số 59 đối tác chính thức công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Năm năm qua, Việt Nam đã hoàn tất ký kết các hiệp định quản lý biên giới trên bộ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào tạo cơ sở xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và ổn định.
Khi có những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, các biện pháp chính trị - ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, đồng thời vẫn duy trì đoàn kết trong ASEAN, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.
Nhờ vậy, Việt Nam đã tranh thủ được công luận quốc tế lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Nhận thức về nhiệm vụ đối ngoại chưa đầy đủ
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chỉ ra: Chúng ta mới ở giai đoạn “gia nhập, tham gia, đàm phán” ký kết các thoả thuận quốc tế, khu vực. Công tác triển khai hội nhập quốc tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, theo Phó Thủ Tướng, nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ và thống nhất; công tác phối hợp triển khai chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Việc nội luật hoá để thực hiện các cam kết quốc tế chưa đầy đủ và đồng bộ.
Sự chuẩn bị trong nước đối với các cam kết quốc tế sắp phải thực hiện còn chậm và thiếu chủ động, trong đó lớn nhất là chưa tận dụng được các cơ hội của hội nhập quốc tế, với hội nhập kinh tế là trọng tâm.
Để công tác đối ngoại đi vào chiều sâu, hội nhập thực chất, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị:
Thứ nhất, thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương.
Thứ hai, trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư...
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Theo đó cần tăng cường công tác phổ biến các cam kết quốc tế ta đã ký kết, đã nội luật hóa và các quy định trong quá trình triển khai...
Biến quá trình hội nhập từ các hoạt động chủ yếu do các cơ quan nhà nước tiến hành thành quá trình tham gia chủ động và tích cực của từng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Thứ tư, tập trung thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến 2020, tầm nhìn 2030 và các đề án, kế hoạch triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến 2020, mức độ hội nhập trên các lĩnh vực của nước ta ở mức độ cao của các nước ASEAN.
Theo Tuổi Trẻ