Tại Việt Nam, 68% lao động nước ngoài nói tiết kiệm được nhiều tiền hơn...
Muốn mở rộng dự án bauxite để xứng tầm thế giới
- Cập nhật : 21/09/2017
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) muốn mở rộng, đầu tư sâu vào dự án Tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng để xứng tầm thế giới.
Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 19-9, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Vinacomin, đã đưa ra ý kiến muốn mở rộng, đầu tư sâu vào dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng để "xứng tầm thế giới".
Theo ông Đặng Thanh Hải, sau bốn năm, những phản biện của dư luận về dự án này đã được giải quyết khá thấu đáo. Năm 2016, nhà máy nộp ngân sách hơn 2.000 tỉ đồng, thu nhập của người lao động tại đây năm sau cao hơn năm trước.
"Thời gian qua, có một số sự cố nhỏ xảy ra trong hoạt động của nhà máy nhưng đã được xử lý. Vấn đề môi trường của dự án luôn thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của bộ, tỉnh cũng như sự giám sát chặt chẽ của người dân" - ông Hải cho biết.
Theo báo cáo của Công ty Nhôm Lâm Đồng, sau bốn năm tiếp quản, vận hành công ty đã làm chủ công nghệ, các tồn tại đã được khắc phục, dây chuyền đã thiết lập và vận hành ở mức 100% công suất thiết kế một cách tin cậy; giá tiêu thụ sản phẩm vẫn duy trì ổn định ở mức cao (trên 300 USD/ tấn alumin).
Sáu tháng đầu năm 2017, đơn vị này đạt doanh thu 1.219 tỉ đồng, tương đương 48,3% kế hoạch năm, trong đó doanh thu khoáng sản 1.177,5 tỉ đồng, doanh thu bao bì đạt 39,4 tỉ đồng. Tiền lương bình quân toàn công ty đạt 8,43 triệu đồng/tháng.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Vinacomin.
Nhà máy nhôm Lâm Đồng. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Trước đó, cơ quan thanh tra đã có kết luận thanh tra tại Vinacomin. Trong đó, đáng chú ý là kết quả thanh tra tài chính hai dự án bauxite-nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Hai dự án này chậm tiến độ, phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư khi đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Theo cơ quan thanh tra, sau ba năm đi vào hoạt động, tính từ tháng 10-2013 đến hết tháng 9-2016, dự án bauxite-nhôm Tân Rai thua lỗ 3.696 tỉ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỉ đồng.
Nguyên nhân lỗ chủ yếu do kéo dài thời gian đầu tư làm phát sinh chi phí, giá alumin-nhôm thế giới sụt giảm, thuế tài nguyên tăng... Ngoài ra, dự án có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, lần đầu thực hiện ở Việt Nam nên thời gian đầu vận hành, sản xuất gặp nhiều khó khăn, dây chuyền sản xuất chưa ổn định, phát sinh chi phí sửa chữa...
Tuy nhiên, theo cơ quan thanh tra, hiện dây chuyền sản xuất của dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất giảm, giá alumin thế giới ổn định, phục hồi; dự kiến năm 2017 dự án sẽ hết lỗ theo đúng như tính toán của dự án.
TRÀ PHƯƠNG
Theo PLO.VN