Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang tích cực khảo sát các giá cả quan đến tỉ giá VND/USD. Trước đây thường chỉ các doanh nghiệp FDI quan tâm đến chuyện này.
Nền kinh tế vẫn ở trong vùng trũng suy giảm
- Cập nhật : 15/04/2016
(Tin kinh te)
Giảm được bộ máy cồng kềnh sẽ giải quyết được thế lưỡng nan của nền kinh tế
“Nền kinh tế vẫn đang ở trong vùng trũng suy giảm kể từ năm 2011. Động lực tăng trưởng hiện nay chưa đủ mạnh để đưa nền kinh tế vượt được qua vùng trũng một cách bền vững”, Báo cáo Đánh giá kinh tế thường niên 2015 và triển vọng 2016 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) đã viết như vậy.
Tăng trưởng kinh tế và niềm tin người dân
“Các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học và cả các cơ quan hoạch định chính sách đang dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế khi công nghiệp thì suy giảm, nông nghiệp thì khó khăn”, theo GS.Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD.
Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,68% - mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây khẳng định giai đoạn kinh tế phục hồi. Nhưng liền ngay là quý I/2016 tăng trưởng đã rõ xu hướng suy giảm. Theo GS.Đạt, công nghiệp suy giảm và đặc biệt nông nghiệp khó khăn sẽ gây hậu quả kép đến tăng trưởng và tác động ngay đến đời sống của 50% dân số, điều đó sẽ tác động không tốt đến niềm tin và đời sống của người dân.
GS.TS.Ngô Thắng Lợi - Trường ĐHKTQD đã dẫn ra số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO): số người thiếu đói 3 tháng đầu năm là 365.900 nhân khẩu tương ứng với 90.900 hộ, tăng 10% so với quý I/2014. Và “cụm từ “suy giảm” đã tràn lan trong suy nghĩ của nhà quản lý và nhà nghiên cứu”. Tốc độ tăng trưởng 2016 không những giảm hơn so cùng kỳ 2015 mà còn giảm sâu hơn thời điểm đầu giai đoạn suy giảm là năm 2011. Đây là điều báo động nếu không kiên quyết chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Công nghiệp suy giảm kéo giảm tăng trưởng kinh tế. Và nguyên nhân chính là do DN sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn. Đã có 20.045 DN phải dừng hoạt động. Theo GSO, 27,1% số DN gặp khó khăn toàn diện. Gần 30% số DN có số đơn đặt hàng giảm, 24,5% số DN có đơn hàng xuất khẩu giảm. “Điểm tựa” của tăng trưởng kinh tế là khu vực FDI cũng thiếu khởi sắc.
GS.Lợi cho biết dựa theo phương pháp ngoại suy, dự báo GDP cả năm có thể đạt mức 6,1-6,23% trong khi mục tiêu đặt ra là 6,7-6,8%. Nhưng ông cho rằng ở những quý tới đây, khả năng công nghiệp sẽ có xu hướng tích cực hơn và hy vọng nếu có những biện pháp tích cực hơn để khắc phục tình trạng hiện nay thì GDP có thể đạt mức 6,5%.
GS.Lê Du Phong – Trường ĐHKTQD có bình luận khác. Và ông nói rằng “quý I làm ít, tăng trưởng thấp, các quý sau phải làm nhiều hơn, nhưng muốn làm nhiều hơn phải tháo được, gỡ được những vấn đề đang và sẽ là khó khăn cho những quý sau”. Những khó khăn đó là ngân sách căng thẳng, nợ công cao, biến đổi khí hậu và an nguy của ngành nông nghiệp.
Lỗi vẫn ở bộ máy
GS.Phong nhắc lại ngân sách căng thẳng khi thu ít, nhưng chi trả nợ và chi thường xuyên lớn, chỉ có 1/10 chi cho đầu tư phát triển. Hay như vấn đề biến đổi khí hậu đã được cảnh báo và các chính sách để ứng phó cũng có từ 3 năm trước. Nhưng có mấy ai quan tâm đúng nghĩa, để có sự thay đổi chính sách với ngành nông nghiệp cho phù hợp. Các chính sách khác với nông nghiệp thì đã quá cũ kỹ…
Ông chốt lại, thời gian tới có khá nhiều khó khăn sẽ đến từ hội nhập, từ biến đổi khí hậu, từ diễn biến suy giảm của nền kinh tế… tất cả những điều đó sẽ dồn lên đời sống người dân. Nhất là người dân nông thôn. Giải pháp cho ngành nông nghiệp là cần gấp bởi người nông dân đang khổ lắm rồi và sản xuất nông nghiệp đang đầy khó khăn. Nếu số người thiếu ăn nhiều lên sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin vào Chính phủ.
TS.Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thì nhắc đến thế lưỡng nan của đầu tư công với ngân sách trong khi chi tiêu công quá lớn. Đầu tư công dẫn dắt nền kinh tế nhưng nợ công đã cao rồi, mới đầu năm Chính phủ đã phải bàn chuyện đi vay tiếp. Nhưng không thể không đầu tư. Đã vậy nếu giá dầu thô ở mức dưới 38 USD/ thùng thì “coi như không còn nguồn thu ngân sách từ dầu thô”.
“Ngân sách đang thu ít chi nhiều. Có tới 91% số thu ngân sách để trả nợ và chi tiêu, chỉ còn 9% dành cho đầu tư phát triển. Chúng ta đang phấn đấu tiền đầu tư không phải đi vay, nhưng chỉ với 9% không lẽ không vay. Điều này Quốc hội chúng tôi cũng phải tính lại”, ông Mai Xuân Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ý kiến. Ông cũng đồng tình với các ý kiến rằng phải làm sao để không có thêm nhiều DN phá sản nữa. Bởi DN là hạt nhân của nền kinh tế, DN phá sản thì còn thuế đâu để thu.
TS.Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thì phát biểu “khi chuẩn bị phát biểu là đầu tôi vang lên các từ ngân sách – ngân sách và ngân sách”. Ngân sách ngày nay là do bộ máy quá cồng kềnh kém hiệu quả, phải giảm bộ máy mới giảm được chi thường xuyên – đó là cách giảm thâm hụt ngân sách.
Ông cũng nhắc lại các biện pháp cần phải làm mà hàng đầu là không để DN phá sản. “Hơn 2.000 DN mới thành lập thì cũng 2.000 DN ngừng hoạt động, vậy thành lập mới ích gì, DN thành lập mới đã có hiệu quả ngay đâu”, ông nói. Và ông kết luận “tình hình đang khó quá, nhưng chúng tôi kỳ vọng ở Quốc hội mới và Chính phủ mới, nhất là việc phải giải quyết được vấn đề của bộ máy nhà nước”.
Linh Ly
(Thời báo Ngân hàng)