Phát triển số lượng và chất lượng doanh nghiệp tư nhân là yêu cầu tiên quyết đặt ra trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng.
Một số dự báo CPI năm 2016
- Cập nhật : 20/02/2016
(Tin kinh te)
Việc lạm phát giảm xuống mức thấp như hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Vì thế, công tác điều hành giá 2016 ra sao vẫn còn là câu hỏi lớn.
Vì sao lạm phát 2015 thấp kỷ lục trong vòng 14 năm trở lại đây?
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2015 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,63% so với năm 2014. Bình quân mỗi tháng trong năm 2015, CPI chỉ tăng 0,05% so với tháng trước đó.
Nhìn lại diễn biến CPI năm 2015, có thể thấy nổi lên một số điểm đáng chú ý, như sau:
- So với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đặt ra CPI (5%), đây là mức tăng rất thấp trong vòng 14 năm qua, chỉ bằng 1/8 so với chỉ tiêu của Quốc hội, nằm ngoài dự kiến và bất ngờ của nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng. Điều này cho thấy, kiểm soát được lạm phát đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô - một thành tựu nổi bật nhất trong năm 2015.
- Xét về các tháng trong năm cho thấy, có 04 tháng là tháng 1, tháng 2, tháng 8 và tháng 9, CPI giảm (-0,2%; -0,05%;-0,07%; - 0,21%), tháng 6 tăng cao nhất 0,35%, còn lại các tháng tăng từ 0,02% đến 0,15% mức tăng không cao. Tháng 1 và 2 rơi vào Tết nguyên đán, nhưng giá không tăng như mọi năm và tháng 8 và 9 cũng giảm do giá xăng dầu giảm. Điều này cho thấy, giá xăng dầu có tác động rất lớn tới chỉ số CPI.
- Xét về các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 11 nhóm cho thấy, có đến 9/11 nhóm hàng hóa giá tăng, cao nhất là nhóm giáo dục tăng 6,45%, thấp nhất là bưu chính viễn thông 0,33%, các nhóm còn lại tăng không cao. Còn 2/11 nhóm hàng hóa giảm là giao thông -11,92% và nhà ở, vât liệu xây dựng giảm -1,62%. Tuy nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,48%, nhưng mặt hàng lương thực lại giảm 1,06%.
- Xét về các vùng, có 2/6 vùng chỉ số giá tiêu dùng giảm là Vùng Đông Nam bộ - 0,09% và Vùng đồng bằng sông Hồng – 0,001%; 4/6 vùng chỉ số giá tiêu dùng tăng, cao nhất là Vùng Trung du + 0,14% và thấp nhất Vùng miền núi phía Bắc +0,03%.
- Việc điều hành giá năm 2015 đã đạt được “thắng lợi kép” là vừa kiểm soát được giá cả đối với một số mặt hàng và dịch vụ quan trọng, thiết yếu do Nhà nước quản lý vừa điều chỉnh tăng theo kế hoạch, đúng lộ trình và theo cơ chế giá thị trường. Như vậy, chúng ta đã kiểm soát được lạm phát 04 năm liền, không lặp lại vòng luẩn quẩn là "2 năm tăng, một năm giảm" như giai đoạn 2007-2012.
Nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân của CPI năm 2015 tăng với mức độ thấp là sự cộng hưởng của cả các yếu tố khách quan và chủ quan. Cụ thể như sau:
Một là, Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa. Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa luôn được kiểm soát một cách chặt chẽ. Khác với các giai đoạn trước, khi lạm phát có xu hướng bắt đầu giảm, thì chúng ta lại nới lỏng chính sách tiền tệ, còn 4 năm qua (2012, 2013, 2014, 2015) Chính phủ đã thực hiện nhất quán và kiên trì chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa, nên lạm phát đã được kiềm chế và kiểm soát ở mức thấp dần.
Hai là, công tác quản lý, điều hành giá được chú trọng. Các cấp, các ngành trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 03/01/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Theo đó, công tác quản lý, bình ổn giá tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tiếp tục được tăng cường; chương trình bình ổn thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu tiếp tục được thực hiện tại một số địa phương; lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm... Công tác quản lý, điều hành giá năm 2015 về cơ bản đã kiên trì, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Các bộ, ban, ngành đã hết sức chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình, diễn biến của thị trường, phối hợp tốt, chặt chẽ và hiệu quả với các chính sách khác, như: chính sách kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa… đã đảm bảo ổn định được kinh tế vĩ mô. Công tác quản lý, điều hành giá cơ bản đã đi đúng lộ trình đặt ra, cung - cầu hàng hóa được đảm bảo, không để tình trạng thiếu hàng. Điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu đã có những bước tiến, làm thay đổi nhận thức trong xã hội.
Ba là, giá một số mặt hàng tiêu dùng tương đối ổn định do nguồn cung trong nước dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu dùng không có biến động, giá cước vận chuyển có xu hướng giảm, giúp chỉ số giá nhóm lương thực giảm nhẹ. Bên cạnh đó, nhu cầu dùng điện giảm, giá vật liệu xây dựng biến động nhẹ cũng tác động làm chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm, góp phần giảm áp lực tăng giá.
Bốn là, CPI thường chịu tác động của 4 nhóm yếu tố: chi phí đẩy, cầu kéo, tiền tệ - tín dụng và tâm lý. Cụ thể:
(i) Về yếu tố chi phí trong năm qua cho thấy, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, do kinh tế các nước châu Âu, Trung Quốc tăng trưởng thấp. Giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh 45,6%, từ mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua, dưới 35 USD/thùng gần bằng giá năm khủng hoảng kinh tế 2008 là 32,4USD/thùng. Giá xăng dầu giảm kéo theo những sản phẩm của dầu (chất dẻo, nhựa đường, phân bón, thuốc trừ sâu...) giảm rất mạnh, cùng với đó là giá lương thực, đường, đậu nành... cũng giảm. Do vậy, giá hàng hóa qua kênh xuất - nhập khẩu Việt Nam cũng giảm và giá nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cũng giảm theo. Điều đó đảm bảo việc chỉ số CPI năm 2015 chỉ còn 0,63% hoàn toàn không lo về thiểu phát.
(ii) Về yếu tố cầu cũng giảm, bao gồm: vốn đầu tư, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất khẩu. Dù sức mua đã được cải thiện trong năm qua, nhưng mức tăng vẫn chậm, cầu trong nước tuy phục hồi, nhưng chưa cao, người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu sau các năm suy giảm kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xuất khẩu liên tục đối mặt với nhiều thách thức gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh.
(iii) Về tiền tệ - tín dụng, áp lực đối với lạm phát đang có xu hướng giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2015 cũng đã tăng cao so với ba năm gần đây, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống. Mặc dù có những tín hiệu tốt nhưng hoạt động ngân hàng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ nợ xấu mặc dù giảm còn 2,72%, nhưng nợ xấu chưa được phân loại và đánh giá đầy đủ, chính xác, việc giải quyết vẫn chưa triệt để.
(iv) Trong khi đó, tâm lý kỳ vọng lạm phát không bị áp lực lớn như trước, khi giá vàng giảm, giá USD tuy có biến động khá cao 5%, chứng khoán vẫn chưa vượt khỏi mốc 600 một cách bền vững, bất động sản tuy đã phục hồi đối với một số phân khúc… Như vậy, do kinh tế tuy đã phục hồi, với những tác động không mong muốn đã dẫn đến lạm phát thấp.
Hai mặt của tấm huy chương
Lạm phát thấp người dân không phải chịu một loại “thuế vô hình”, đánh vào mọi người dân trong xã hội, đặc biệt đối với người nghèo; thu nhập thực tế của họ sẽ tăng, đây là niềm vui. Lạm phát thấp đem lại sự an tâm của các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô yên tâm hơn trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường. Chính phủ có dư địa lớn hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn chưa đạt đến tiềm năng của nó.
Tuy nhiên, CPI tăng quá thấp sẽ gây ra những tác dụng phụ. Lạm phát thấp người tiêu dùng tạm hoãn chi tiêu để chờ giá giảm sâu hơn kéo theo sức mua ì ạch, hoạt động kinh tế cũng ngưng trệ theo. Giới doanh nghiệp ngừng đầu tư và tuyển dụng để tiết kiệm chi phí. Lạm phát quá thấp sẽ giảm dần doanh số và nguồn thu thuế, cản trở việc tăng lương, ăn mòn lãi suất cận biên. Chúng cũng đè gánh nặng nợ nần lên các công ty và chính phủ. Việc kiềm chế lạm phát thấp do thắt chặt chính sách tiền tệ khiến cho nguồn cầu của người tiêu dùng yếu đi, đầu tư của doanh nghiệp và chi tiêu của Chính phủ bị thu hẹp.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, nguồn vốn các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh còn phụ thuộc quá lớn vào vốn vay các ngân hàng thương mại, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động đến nguồn vốn cho hoạt động doanh nghiệp, việc làm, tăng trưởng kinh tế và tác động đến cả chính sách tài khóa, như giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Điều đó tác động tới khó khăn của các doanh nghiệp, đồng thời tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng thương mại.
Bản chất lạm phát quá thấp ở đây không phải do tổng cầu được cải thiện mạnh mẽ; không phải do năng suất chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được nâng lên, làm cho chi phí sản xuất và giá thành hạ. Lạm phát thấp là do, thu nhập hạn chế làm người dân thắt lưng, buộc bụng, luồng vốn thu hẹp làm doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, chi tiêu công hạn chế nên đã làm giảm sức ép tăng giá. Điều hành quá chú trọng quá đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, trong tương lai có thể gây mất cân đối cung - cầu hàng hóa và sẽ tạo ra lạm phát do thiếu cung. Rõ nhất là tăng trưởng kinh tế bị suy giảm về tốc độ, tuy trong năm 2012, 2013, 2014 và 2015 có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, nhưng vẫn còn thấp so với giai đoạn 1991-2010 tăng trưởng bình quân 7,2%/năm.
Giá tiêu dùng 2015 thấp chủ yếu do giá thế giới giảm, cần thấy rõ giá tiêu dùng tăng thấp bằng cách này rõ ràng là không bền vững, bởi sự đề kháng của nền kinh tế trong nước còn yếu trước sự tác động của sự biến đổi kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng, kể cả một giai đoạn lạm phát ổn định, nhưng thấp cũng có thể gây tác hại.
Dự báo lạm phát năm 2016
Năm 2016 sẽ là năm hội nhập quốc tế tích cực của nước ta với 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và 04 FTA sắp được ký kết. Như vậy, nền kinh tế nước ta sẽ chịu nhiều tác động lớn hơn từ nền kinh tế thế giới. Các chuyên gia thế giới dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ có được sự cải thiện phần nào về tốc độ tăng trưởng trong năm 2016, sau bốn năm suy thoái liên tục ở các nền kinh tế lớn (2011-2014). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới GDP tăng 3,6%, lạm phát toàn cầu khoảng 1,2% vào năm 2016.
Những vấn đề kinh tế thế giới có ảnh hưởng tới nền kinh tế nước ta và tới lạm phát, đó là: (1) Đối với giá dầu và những nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa có liên quan đến xuất - nhập khẩu của nước ta - đây là yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam, được dự báo sẽ ở mức rất thấp; (2) Việc đồng Nhân dân tệ được đưa vào rổ các đồng tiền dự trữ của IMF; Trung Quốc tiếp tục giảm giá đồng Nhân dân tệ. Đáng chú ý, rủi ro của sự phân hóa chính sách tiền tệ của thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất cũng trở thành một nhân tố tạo sức ép lên chính sách điều hành năm sau.
Bên cạnh đó, nhìn lại bức tranh kinh tế - xã hội nước ta năm 2015 cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội phát triển với những tín hiệu tích cực, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất. Theo đó, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua có thể cơ bản được hoàn thành. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ dao động trong khoảng 6,7%-6,8%.
Tốc độ tăng trưởng đầu tư cũng được cải thiện nhờ có sự tăng trưởng tín dụng theo dự kiến 18%-20% và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặt khác, cán cân thương mại ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP do khối lượng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu gia tăng với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu, phản ánh đầu tư và tiêu dùng đều mạnh hơn.
Theo đó, tiêu dùng cá nhân sẽ tiếp tục cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI lớn... Theo lộ trình, giá các mặt hàng cơ bản, như: điện, nước, học phí, viện phí dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng vào năm 2016, từ đó, sẽ trở thành lực đẩy lên chỉ số CPI. Do giá cả trên thị trường quốc tế tiếp tục thấp và cầu trong nước chưa tăng mạnh, CPI được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp, khoảng 3%-3,5%, tùy thuộc vào mức độ cải cách giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công./.
Tài liệu tham khảo
Tổng cục Thống kê (2015). Báo cáo tổng quan thị trường và giá cả tháng 12 và năm 2015, ngày 24/12/2015