6 điểm nhấn của chỉ số giá tiêu dùng năm 2015
- Cập nhật : 22/02/2016
(Tin kinh te)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau. CPI của Việt Nam năm 2015 tăng thấp đã được các chuyên gia dự báo từ trước, song rất ít chuyên gia dự tính tăng ở mức 0,6% vào cuối năm so với tháng 12 năm trước. Năm 2016, CPI được dự báo tiếp tục thấp nhưng ở mức nào là vấn đề đang đặt ra.
Diễn biễn chỉ số giá tiêu dùng năm 2015
Năm 2015, CPI của Việt Nam có một số điểm nổi bật là:
Thứ nhất, chỉ số CPI có mức tăng rất thấp và chỉ bằng 12% dự kiến, thấp hơn nhiều so với dự báo đầu năm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến tháng 12/2015, CPI đã tăng 0,6% so với tháng 12/2014. Nếu so với mục tiêu “khoảng 5%” tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 thì diễn biễn của CPI đến cuối năm đã có một khoảng cách rất xa so với dự báo và chỉ bằng khoảng 12%. Số liệu thống kê cũng cho thấy, ngoại trừ năm 2000 (CPI giảm 0,6%) thì mức tăng 0,6% năm 2015 là năm CPI tăng thấp nhất trong khoảng thời gian 15 năm qua, đồng thời cũng nằm trong số rất ít các năm có CPI thấp trong khoảng thời gian 25 năm kể từ 1990.
Thứ hai, xu hướng CPI giảm dần vào các tháng cuối năm đã bắt đầu xuất hiện trong những năm gần đây thay thế cho xu hướng giá tiêu dùng tăng từ tháng 9 tới cuối năm của những năm trước đây.
Từ số liệu CPI tại các tháng trong năm 2015 so với tháng 12 năm trước trong các năm gần đây thì thấy, mức độ tăng giá tiêu dùng liên tục năm sau thấp hơn năm trước và xu hướng vào các tháng cuối năm, CPI tăng chậm lại đã xuất hiện khá rõ.
Thứ ba, CPI giảm mạnh liên tục, năm sau chỉ bằng khoảng 1/3 so năm trước là mức nằm ngoài hầu hết các dự báo.
CPI tăng thấp hơn so với dự kiến của Chính phủ trong năm 2015 đã được một số chuyên gia dự báo từ trước và thậm chí là ngay từ đầu năm, song với mức tăng thấp đến 0,6% ở cuối năm so tháng 12 năm trước thì đây rất ít các chuyên gia dự tính tới.
Tính bình quân mỗi tháng trong năm 2015, CPI chỉ tăng với mức 0,05%, trong khi đó, mức bình quân của các năm 2013 là: 0,50%; 2014: là 0,17%. Như vậy, từ năm 2013 tới 2015, CPI mỗi năm giảm đi khoảng 3 lần so với năm trước liền kề.
Thứ tư, lần đầu tiên sau hàng chục năm, CPI tháng Tết Nguyên đán có tăng trưởng âm.
Những năm trước đây, thông thường những tháng gần dịp lễ, tết, chi cho tiêu dùng trong dân cư tăng mạnh và CPI thời gian này cũng luôn tăng với mức cao nhất. Tiếp theo là các tháng trong cuối quý I và trong quý II, CPI thường giảm và sau đó từ tháng 9 cho tới cuối năm thì CPI sẽ tăng cao dần. Tuy nhiên, thời gian Tết Nguyên đán 2015 lại là hai tháng có chỉ số CPI âm, đây là điểm khác biệt rất rõ của năm 2015 so với những năm trước đây.
Thứ năm, biên độ giao động của CPI giữa tháng tăng cao nhất và tháng tăng thấp nhất được thu hẹp.
Về xu thế diễn biến của CPI ở các tháng trong năm, số liệu thống kê năm 2015 cho thấy CPI trong các tháng biến động không nhiều và ổn định hơn những năm trước. Nếu như năm 2013, tháng 2 có CPI cao nhất là tăng 1,32% thì tháng 3 là thấp nhất với -0,19%, khoảng giao động là 1,5%. Năm 2014, tháng 1 có CPI cao nhất: 0,69% so tháng 3 thấp nhất: -0,44, khoảng giao động chỉ còn là: 1,13%. Song năm 2015, CPI tháng 6 cao nhất là 0,35% và tháng 9 thấp nhất là -0,21%. Như vậy, biên độ giao động chỉ còn là 0,56%, thấp hơn nhiều so với hai năm trước liền kề. Biên độ giao động ngày càng thu hẹp của CPI trong các năm gần đây và đặc biệt là năm 2015 cho thấy mức độ ổn định của giá cả thị trường Việt Nam giữa các tháng trong năm ngày càng tăng lên.
Hình 5 cho thấy, đường xu hướng CPI năm 2013 đã có hướng dốc xuống từ trái qua phải và điều đó có nghĩa là CPI trong năm đang có xu hướng giảm dần giữa các tháng từ đầu năm đến cuối năm. Trong khi đó, xu hướng biến động của chỉ số giá tiêu dùng các tháng trong năm 2015 - linear (2015) trên biểu đồ được biểu thị bằng một đường thẳng, điều đó có nghĩa là CPI các tháng gần như tăng đều trong năm.
Thứ sáu, diễn biến CPI năm 2015 đã phản ánh rõ hơn về sự tác động rất lớn của các nhân tố bên ngoài tới giá cả, tiêu dùng của Việt Nam, trong đó đặc biệt là yếu tố giá dầu thế giới.
Năm 2015, hai tháng đầu năm CPI có mức tăng trưởng âm, sau đó đã tăng liên tục trong 4 tháng và đạt mức cao nhất là tháng 6. Từ sau tháng 6, CPI lại giảm và có mức tăng rất thấp (khoảng 0,1%/tháng). Tương ứng với biến động của CPI, qua theo dõi cho thấy, những thời điểm tăng, giảm của CPI là đều gắn liền với thời điểm biến động lên, xuống của giá năng lượng và đặc biệt là giá dầu trên thị trường thế giới.
Bắt đầu những tháng đầu năm 2015, giá dầu thế giới giảm mạnh từ khoảng 65 - 70 USD/thùng xuống dưới 50 USD/thùng. Đến tháng 5 – 6 thì giá dầu đã tăng trở lại trong khoảng 55 – 60 USD/thùng. Những tháng tiếp theo, giá dầu lại tiếp tục giảm còn khoảng 35 USD/thùng. Mặc dù trong năm, ở một số thời điểm, Chính phủ đã có những chính sách mà khi thực hiện chắc chắn sẽ có tác động tới tăng CPI như việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, tăng tỷ giá với biên độ lớn… hoặc tăng chi tiêu của dân cư cho giáo dục vào đầu năm học, song những động thái này cũng không làm cho CPI có biến động mạnh và có tác động vượt trội tới CPI như sự biến động của giá dầu.
Nguyên nhân tác động tới CPI năm 2015
CPI là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp chịu sự tác động của rất nhiều các yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, từ diễn biến thực tế của nền kinh tế, có thể giải thích các nguyên nhân tác động tới CPI từ sự tác động của một số yếu tố sau:
Thứ nhất, giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh. Giá dầu thô trên thị trường thế giới đầu năm 2015 giao dịch với mức khoảng 65 - 70 USD/thùng, đến cuối năm khoảng 35 USD/thùng, giảm khoảng 30 USD/thùng so với đầu năm. Việc giá dầu thô giảm thấp đã kéo theo giá xăng dầu nhập khẩu giảm và do vậy giá xăng trong nươc cũng giảm mạnh. Giá xăng giảm tới trên 30% đã làm cho giá cả nhiều sản phẩm tiêu dùng giảm theo và chỉ số giá tiêu dùng cũng giảm.
Thứ hai, chính sách tài khóa thắt chặt của Chính phủ. Việc ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế năm 2015 nên chính sách tài khóa luôn được kiểm soát một cách chặt chẽ. Hơn nữa, thu ngân sách nhà nước hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn so với trước, song nhu cầu chi tiêu vẫn rất lớn, do vậy thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao nên Chính phủ siết chặt chi tiêu. Đây cũng là nguyên nhân làm cho cầu tiêu dùng thấp và giá cả không thể tăng cao như những năm trước.
Thứ ba, cầu tiêu dùng mặc dù đã được cải thiện, song vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính thế giới. Những năm trước khủng hoảng (2006 – 2007), tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong nước hàng năm là trên 14%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt mức khoảng 7%, tồn kho sản phẩm chế tạo, chế biến là khoảng 60 - 65%. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế đạt 6,68%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính chỉ tăng khoảng 9,4% và nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng khoảng 8,3%, tồn kho sản phẩm chế tạo, chế biến là trên 72%. Như vậy, nếu so với những năm trước khủng hoảng tài chính thế giới thì tốc độ tăng tiêu dùng của Việt Nam còn thấp hơn nhiều. Điều đó cho thấy cầu tiêu dùng vẫn còn hạn chế và đó là một trong những nguyên nhân làm cho giá cả tiêu dùng tăng thấp.
Thứ tư, những bất ổn về chính trị - xã hội thế giới. Những biến động của tình hình chính trị - xã hội thế giới, những xung đột và bất ổn về tranh chấp lãnh thổ bùng phát ở nhiều nơi đã liên tiếp tạo ra những rủi ro bất ngờ trong cuộc sống đã làm cho người dân thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng tiết kiệm hơn, chi tiêu ít hơn và tăng tích lũy.
Thứ năm, thu nhập của người lao động tăng chậm lại, đặc biệt là lương của công chức và viên chức trong 2 năm gần đây không được điều chỉnh tăng.
Thứ sáu, hành vi tiêu dùng của dân cư bước đầu đã có những thay đổi theo hướng tiết kiệm. Những năm gần đây và dự báo cả trong tương lai gần, nguy cơ và khả năng xảy ra bất ổn định trong nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn khá cao, buộc người tiêu dùng phải thận trọng trong chi tiêu và mua sắm, đặc biệt là chi tiêu trong các dịp lễ tết, tăng mức độ tiết kiệm. Ngoài ra, từ thực tiễn cuộc sống và đặc biệt là sự tác động của quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế ngày càng mở rộng, nhận thức của người Việt Nam về cuộc sống đã có sự thay đổi và đây cũng có thể là bắt đầu một thời kỳ, thay đổi quan niệm về tiêu dùng theo hướng giảm bớt chi cho ăn uống, tăng dần chi cho lĩnh vực học tập, sức khỏe, du lịch và cuộc sống thuộc lĩnh vực tinh thần.
Dự báo CPI năm 2016
Năm 2016, nhiều nhà kinh tế dự báo, kinh tế thế giới sẽ khó có cơ hội tăng vọt. Hai nền kinh tế lớn, Mỹ và Trung Quốc được dự báo theo những chiều hướng khác nhau. Kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu tốt lên theo hướng ổn định, song chỉ đạt tăng trưởng trung bình ở mức 2,3 – 2,5%. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm tốc. Ngoài ra, những khó khăn do xung đột địa chính trị ở khu vực Trung Đông, Ukraine và Biển Đông cũng có thể sẽ là các yếu tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nếu có tác động tới kinh tế Việt Nam và CPI cũng khó có những biến động lớn.
Giá dầu được dự báo ở mức thấp sẽ còn kéo dài đến năm 2018. Riêng năm 2016, có dự báo cho rằng giá dầu sẽ xuống dưới 30 USD/thùng. Thông tin này được khẳng định từ tuyên bố của một số nước có sản lượng dầu xuất khẩu lớn trên thị trường thế giới về việc tiếp tục giữ sản lượng khai thác như hiện nay hoặc tiếp tục tăng sản lượng mặc dù lượng cung đã khá cao. Đối với những nước mà ngân sách của chính phủ chỉ dựa chủ yếu vào khai thác dầu thì mặc dù giá dầu có thấp đến đâu, họ vẫn phải bán dầu và bán với số lượng lớn để bù đắp giá. Điều này làm cho giá đầu vào của các ngành sản xuất ở Việt Nam giảm và là điều kiện để giảm giá bán nhiều loại hàng hóa.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ của năm 2016 chắc chắn không có nhiều đột biến so năm 2015. Mặc dù, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ, song những khó khăn trong việc xử lý những tồn đọng trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu vẫn rất chậm. Tỷ giá VND so với USD có thể tăng chút ít (đặc biệt là đồng Nhân dân tệ đã được công nhận là đồng tiền thanh toán quốc tế trong lúc Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu lớn với Trung Quốc và điều đó có thể gây áp lực tới việc tăng tỷ giá). Song, tỷ giá của VND không thể tăng nhiều do giảm thâm hụt ngân sách đang là mục tiêu đặt ra phải thực hiện ở nước ta trong năm 2016. Do vậy, những tác động từ chính sách tiền tệ tới CPI là không lớn trong năm 2016.
Chính sách tài khóa thắt chặt sẽ tiếp tục được duy trì. Thu ngân sách ngày càng khó khăn và chi ngân sách ngày càng gặp nhiều áp lực… Do vậy, Chính phủ không thể tăng chi ngân sách quá mức, ngược lại phải duy trì chính sách tài khóa thắt chặt để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức vừa phải, hạn chế rủi ro cho nền kinh tế. Giá cả một số sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của nhà nước cũng sẽ không có nhiều biến động lớn trong năm 2016.
Với những lý do trên đây, có thể dự báo là CPI năm 2016 sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể giao động trong khoảng 1- 2%. Mức lạm phát này có thể vẫn sẽ kéo dài trong một số năm nữa.
TS. NGUYỄN NGỌC TUYẾN
(Bài đăng trên Tạp chí Tài chính tháng 1/2016)