tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lạc quan với TPP, DN muốn đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính

  • Cập nhật : 14/01/2016

(Kinh te)

Phần lớn trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam lạc quan với TPP và tỏ ra tự tin vào tiềm lực, khả năng của mình. Các doanh nghiệp này cho rằng đơn giản hóa thủ tục hành chính là giải pháp quan trọng mà Chính phủ cần ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN sau TPP.

DN Việt không “lép vế” sau TPP

Trong khuôn khổ Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2015 - Top 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam 2015, Vietnam Report đã giới thiệu cuốn Sách trắng “Kinh tế Việt Nam 2016: Trên đường hội nhập”.

Theo báo cáo này, mặc dù trong năm 2015, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi ấn tượng và toàn diện, thể hiện qua kết quả thực thi các chính sách và tái cơ cấu, kiện toàn nền kinh tế.

Các DN lớn hầu hết đều đưa ra đánh giá tích cực đối với những thành quả đã đạt được trong năm qua. Trong đó, về tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2015, hơn một nửa số DN (57,10%) cho biết “có chuyển biến tịch cực”, 30,10% DN cho rằng “vẫn giữ được mức ổn định” và số ít DN còn lại vẫn gặp đôi chút khó khăn.

Trong khi đó, các DN cũng tỏ ra tương đối lạc quan và tin tưởng vào tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I năm 2016 cũng như 5 năm tới. Cụ thể, 48,1% DN cho rằng “sẽ tăng lên” và chỉ có hơn 9% tỏ ra bi quan. Số còn lại tin rằng hoạt động của họ về cơ bản vẫn giữ mức ổn định so với cùng kỳ năm 2015. Về dài hạn, 44% DN nhận định rằng hoạt động kinh doanh sau 5 năm nữa “cơ bản sẽ tốt lên”.

Cũng theo báo cáo này, các DN lớn của Việt Nam tương đối lạc quan trước ảnh hưởng của hầu hết các cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN cho rằng cam kết về cạnh tranh bao gồm các nguyên tắc chống độc quyền, tăng cường cạnh tranh lành mạnh; cam kết về cạnh tranh bình đẳng giữa DN Nhà nước và tư nhân; mở cửa thị trường hàng hóa, cắt giảm thuế quan… sẽ mang lại những tác động tích cực.

Về thế mạnh và bất lợi khi cạnh tranh với các đối thủ trong TPP, các DN Việt Nam tỏ ra tương đối tự tin vào tiềm lực và khả năng của mình khi cho rằng năng lực của mình “tương đối mạnh” hay “rất mạnh”, hoặc ở mức “bình thường” chứ không hề lép vế.

Cũng theo khảo sát của báo cáo này, phần lớn DN (hơn 77%) cho rằng đơn giản hóa thủ tục hành chính là giải pháp quan trọng mà Chính phủ cần ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN sau TPP. Hai giải pháp cần được ưu tiên tiếp theo là nâng cao tính hiệu lực và minh bạch chính sách và bảo đảm ổn định vĩ mô.

Việt Nam sẽ tăng trưởng hàng đầu thế giới

Theo một báo cáo mới công bố của EIU - một đơn vị nghiên cứu thuộc tạp chí The Economist, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất thế giới trong năm 2016.

GDP Việt Nam được dự báo tăng xấp xỉ 7%, tương đương mục tiêu 6,7% mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2016. Với tốc độ này, Việt Nam đứng thứ 9 trong nhóm nước có tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới.

Cũng theo báo cáo này, trong số 10 nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất thế giới năm 2016, có tới 4 nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á. Góp mặt cùng với Việt Nam là ba quốc gia Lào, Campuchia và Myanmar. GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2016, cao hơn mức ước tính của năm 2015 là 2,4%.

Trước đó, theo báo cáo về triển vọng tăng trưởng của 93 nền kinh tế trên thế giới năm 2016 của hãng tin tài chính Bloomberg, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,6%, cao thứ hai thế giới chỉ sau Ấn Độ.

Cụ thể, theo dự báo này, Ấn Độ đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng GDP, đạt 7,4%. Theo sau đó là Việt Nam và Bangladesh cùng đạt 6,6%, Trung Quốc đạt 6,5%, Sri Lanka đạt 6,4%, Kenya đạt 6,1%...

Như vậy, theo Bloomberg, Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á năm nay, trên các mức tăng trưởng dự báo dành cho kinh tế Indonesia là 5,2%, Malaysia là 4,5%, Thái Lan là 3,2%, và Singapore là 2,3%.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục