Trong ngày 3 và 4-4-2016, trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 20 (AFMM 20) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 2 (AFCGM 2) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Lào.
Giá dầu và câu chuyện tăng trưởng
- Cập nhật : 01/04/2016
(Tin kinh te)
Giá dầu thấp làm nguồn thu ngân sách Nhà nước từ xuất khẩu dầu thô, thu thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Việc dầu thô mất giá được cho là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng khai thác của Việt Nam sụt giảm theo, tác động đến tăng trưởng trong quý I năm nay. Số liệu thống kê ghi nhận vấn đề này như thế nào?
Quý I/2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá so sánh 2010 tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước; có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 5,9% của cùng kỳ năm 2011 và 6,12% của cùng kỳ năm 2015; chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015.
Bên cạnh khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có giá trị tăng thêm giảm so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây; chăn nuôi bị ảnh hưởng do giá rét, băng tuyết xuất hiện ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ; hoạt động xuất, nhập khẩu khá trầm lắng... thì khai thác dầu thô cũng là một yếu tố tác động bất lợi đến tăng trưởng. Trong quý I năm nay, do giá dầu thô giảm tới đáy (có lúc xuống 27 USD/thùng) nên sản lượng dầu thô khai thác chỉ đạt 4 triệu tấn, bằng 96,3% so cùng kỳ 2015.
Sự suy giảm sản lượng này tất yếu dẫn đến tăng trưởng của ngành khai khoáng giảm mạnh, chỉ đạt 98,8% trong quý I năm nay. Với mức tăng trưởng -1,2% này, ngành khai khoáng không đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, thậm chí kéo tăng trưởng GDP quý này giảm 0,1 điểm phần trăm. Nếu loại trừ ngành khai khoáng, tăng trưởng kinh tế quý I/2016 có thể đạt khoảng 5,89%.
Còn tác động của giá dầu giảm đến thu, chi ngân sách như thế nào, thưa ông?
Giá dầu thấp làm nguồn thu ngân sách Nhà nước từ xuất khẩu dầu thô, thu thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản lượng khai thác dầu thô cũng từ đó bị cắt giảm. Thu ngân sách từ khu vực DNNN trong quý I/2016 chỉ đạt 12,4% dự toán. Kết quả là thu ngân sách Nhà nước quý I/2016 đạt thấp, từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/3/2016 ước đạt 182,4 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 18% dự toán (quý I/2015 bằng 19,8% dự toán năm).
Dù ngân sách bị ảnh hưởng lớn từ xuất khẩu dầu thô sụt giảm, nguồn thu ngân sách giảm trong khi nhu cầu chi vẫn đang ở mức cao, nên bội chi ngân sách và nợ công ở mức cao. Theo Quốc hội dự toán, bội chi ngân sách năm 2016 sẽ ở mức 4,95% GDP.
Để bù đắp bội chi, các DN sẽ là đối tượng hứng chịu trước tiên khi thuế tăng. Từ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ chịu tác động nặng nề. Kết quả hoạt động yếu kém của khu vực DN sẽ tiếp tục lan tỏa tới khu vực cá thể dẫn đến toàn bộ nền kinh tế đều chịu thiệt hại và suy yếu dần.
Nếu nhìn trên số liệu DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động thời gian qua, có lẽ cũng nên đặt thêm vấn đề về thách thức nguồn cầu kém cải thiện, thưa ông?
Sản xuất kinh doanh thực sự đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng rất lớn từ sự bất ổn của thị trường thế giới. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, cầu thế giới giảm, các nước đều cắt giảm chi tiêu, đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Hàng xuất khẩu của Việt Nam bị cạnh tranh quyết liệt.
Việc một số đồng tiền quốc tế mất giá cũng dẫn đến lợi thế hàng hóa của họ nhập khẩu vào Việt Nam tăng. Trong đó, hàng nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu và máy móc thiết bị, phụ tùng cho sản xuất. Theo đó, chi phí sản xuất cũng tăng.
Trong khi đó, cầu trong nước vẫn đang ở mức hạn chế. Do kinh tế khó khăn trong thời gian dài nên cầu tiêu dùng cũng bị thu hẹp. Tiêu dùng cuối cùng quý I/2016 tăng khá chậm, chỉ đạt 6,87%.
Vậy, những ngành nào cần phải cảnh báo về khó khăn trước mắt?
Nhiều ngành kinh tế đang ghi nhận những biến động không thuận lợi. Cụ thể, nông, lâm nghiệp và thủy sản nhiều năm là trụ đỡ của nền kinh tế; nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt khá như gạo, cà phê, tiêu, điều, tôm, cá tra, cá ngừ đại dương… Tuy nhiên, đây là ngành dễ chịu tác động mạnh bởi những bất ổn về thời tiết, khí hậu, giá cả, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm…
Công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chủ yếu tập trung vào các ngành hàng như giày da, dệt may, điện tử điện lạnh, sản xuất ô tô, nhưng còn nặng về gia công; sản xuất phụ thuộc nhiều vào đơn hàng, nguyên liệu sản xuất chủ yếu nhập khẩu nên không ổn định.
Về hoạt động dịch vụ, chúng ta đã hình thành và phát triển nhiều trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng chất lượng phục vụ, tính liên kết yếu và phụ thuộc nhiều vào khách nước ngoài. Dịch vụ tài chính - ngân hàng có khởi sắc, nhưng chưa bền vững. Các dịch vụ công được đánh giá là còn nhiều phiền hà, nhũng nhiễu bởi thủ tục hành chính…
Như ông phân tích, phải chăng nền kinh tế đang phát đi tín hiệu về mô hình tăng trưởng kém bền vững? Nếu vậy thì nguyên nhân là gì?
Tăng trưởng sụt giảm trong quý I năm nay, về nguyên nhân khách quan có nhiều lý do. Thứ nhất, kinh tế thế giới còn đầy khó khăn, diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sút; tình hình tài chính - tiền tệ quốc tế và giá dầu biến động khó lường. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, các nước Tây Âu vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa…
Thứ hai, tình hình thời tiết bất ổn gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ ba, giá dầu thế giới giảm mạnh kể từ cuối năm 2014. Xu thế giá dầu tiếp tục giảm trong năm 2016 càng rõ khi những tháng đầu năm 2016, giá dầu thế giới đã chạm đáy ở 27 USD/thùng…
Còn về chủ quan, đề án tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020 đã được triển khai và thực hiện bước đầu, đạt được một số chuyển biến rõ nét như: bước đầu kiềm chế được lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện tính minh bạch trong đầu tư công và tiến độ tái cơ cấu DNNN và ngân hàng đã được đẩy nhanh… Tuy nhiên, việc tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng có thể nói là chưa đạt được kết quả mong muốn và phát huy hiệu quả thấp.
Vậy với năm 2016 này, theo Tổng cục Thống kê có những kịch bản tăng trưởng nào?
Mục tiêu tăng trưởng năm 2016 là 6,7%, để đạt được mục tiêu trên 9 tháng cuối năm cần tăng trưởng kinh tế khoảng 7%, đây là mức tăng trưởng không quá cao song trong bối cảnh 2016 cũng không dễ dàng đạt được.
Tổng cục Thống kê đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2016. Kịch bản thứ nhất, trong điều kiện ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp những khó khăn, mức tăng trưởng chỉ đạt 2% cả năm; khai thác dầu thô đạt kế hoạch đề ra (14 triệu tấn năm), công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 11%. GDP cả năm chỉ đạt 5,45% so với năm 2015, với 9 tháng còn lại năm 2016 đạt 5,45%.
Kịch bản thứ hai, trường hợp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có được những thuận lợi như về thời tiết, dịch bệnh, giá cả… dẫn tới mức tăng trưởng kỳ vọng là 2,5% của cả năm 2016; khai thác dầu thô phấn đấu đạt 16 triệu tấn (tăng 2 triệu tấn so với kế hoạch nhưng vẫn thấp hơn 0,7 triệu tấn so với năm 2015), xu hướng giá dầu đang tăng trở lại, nếu giá dầu đạt khoảng 50-60 USD/thùng cần tập trung khai thác để đảm bảo mức tăng trưởng theo kế hoạch. Công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 13%. Các ngành dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng đã đạt được trong quý I/2016. Kết hợp tốt các yếu tố trên, tăng trưởng GDP năm 2016 kỳ vọng đạt kế hoạch đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Anh Quân thực hiện
(Thời báo Ngân hàng)